Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư Singapore
Diễn đàn Doanh nghiệp khu vực - Singapore lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội trong cả ngày 7.7. Đây là lần đầu tiên, Diễn đàn được tổ chức ở ngoài lãnh thổ Singapore và Việt Nam là điểm được chọn. Điều này cho thấy Việt Nam ngày càng hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư của đảo quốc sư tử.
“Công ty Singapore rất quan tâm đến Việt Nam”
Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm phát triển quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam - Singapore đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trở thành điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả trong ASEAN. Một trong những minh chứng điển hình cho sự hợp tác này là 12 khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại 9 tỉnh/thành phố trên cả nước, với tổng vốn đầu tư trên 18 tỷ USD, tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 300.000 người, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Ông Kok Ping Soon, Giám đốc điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) xác nhận, các công ty Singapore rất quan tâm đến việc mở rộng hoạt động sang Việt Nam. Lý do bởi tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam, thị trường rộng lớn với dân số 100 triệu người, tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng, cùng với đó là khả năng sản xuất để hỗ trợ xuất khẩu rất mạnh mẽ, trình độ lao động có kỹ năng, tay nghề ngày càng cao.
Hiện, Singapore là nhà đầu tư lớn thứ 2 ở Việt Nam, với 3.200 dự án và 73,4 tỷ USD vốn đăng ký ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư sang Singapore gần 150 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký gần 700 triệu USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, theo Tổng cục Thống kê, Singapore dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam với 1,79 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng vốn cấp mới; các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 190 triệu USD vào Singapore, xếp thứ hai trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.
Dù vậy, theo đánh giá, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.
Cách nào thúc đẩy thu hút đầu tư?
Theo kết quả khảo sát Kinh doanh Quốc gia năm 2022 - 2023 của SBF, Việt Nam được xếp hạng là một trong ba quốc gia hàng đầu để các công ty Singapore mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong ngắn hạn. Những lĩnh vực nhận được sự quan tâm chính của các công ty Singapore bao gồm sản xuất, cơ sở hạ tầng, thương mại bán buôn và bán lẻ.
Đặc biệt, với việc tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp khu vực - Singapore lần thứ 7 vừa diễn ra tại Hà Nội, là lần đầu tiên tổ chức ngoài Singapore, càng thêm khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư nước này. Điều này cũng cho thấy, các doanh nghiệp Singapore rất tin tưởng vào cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Hiện, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống, Việt Nam và Singapore đang nỗ lực mở rộng mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực kinh tế xanh và kỹ thuật số, với hàng loạt biên bản ghi nhớ đã được ký kết như hợp tác năng lượng giữa Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) và Bộ Công thương, hợp tác về tín chỉ carbon giữa MTI và Bộ Tài nguyên và Môi trường, thỏa thuận về Quan hệ đối tác kinh tế số - kỹ thuật xanh giữa MTI và Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
Thêm vào đó, việc cùng là thành viên của các Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được xác định là nền tảng vững chắc để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Rõ ràng, tiềm năng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước đang rất lớn. Song, làm thế nào để phát huy, tận dụng cơ hội lẫn nhau là vấn đề lớn đang đặt ra cho cả hai bên.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng xác nhận, việc tận dụng cơ hội mới để phát triển năng lượng xanh, đào tạo nhân lực, kết nối hai nền kinh tế, kết nối với doanh nghiệp Singapore vốn là những vấn đề rất quan trọng đối với Việt Nam hiện nay.
Ông Dũng chỉ rõ, thách thức lớn hiện nay trong hoạt động hợp tác đầu tư của Việt Nam là đang tách rời giữa khu vực doanh nghiệp trong nước với khu vực doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Điều này khiến doanh nghiệp Việt khó có điều kiện vươn lên bảo đảm tiêu chuẩn và kết nối với FDI, kết nối chuỗi giá trị. Do đó, “chúng tôi mong muốn Singapore cùng hợp tác trên tinh thần chia sẻ, hỗ trợ, bổ sung, bổ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác trên tinh thần hai bên cùng thắng, để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên cùng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”, ông Dũng đề nghị.
Gợi mở hướng đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hai bên cần mở rộng không gian hợp tác trong khuôn khổ hiệp định kết nối hai nền kinh tế và quan hệ đối tác kinh tế số - kinh tế xanh, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực mà Việt Nam và Singapore có thế mạnh, có tính bổ trợ cho nhau như: đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, tài chính xanh, khoa học công nghệ. Việt Nam cũng mong muốn Singapore và các đối tác nước ngoài tiếp tục hợp tác, hỗ trợ trong việc tham vấn, phản biện chính sách; chuyển giao công nghệ hiện đại, mô hình kinh tế mới…
Bên cạnh đó, dù nguồn nhân lực Việt Nam rất dồi dào song nếu không được đào tạo bài bản sẽ không thể phát huy thế mạnh này. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng song 10 năm nữa bước vào giai đoạn già hóa dân số. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết để hai nước đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo nhân lực vì còn phục vụ cho chính các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo Giám đốc khối Tư vấn Đầu tư nước ngoài và Kết nối đối tác, Ngân hàng UOB Sam Cheong, với dân số 100 triệu người, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tạo ra thị trường có sức mua cao cho Việt Nam, qua đó thu hút FDI. Đặc biệt, cam kết Net Zero vào năm 2050 cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư chất lượng cao, hướng tới phát triển bền vững.
Tuy vậy, từ năm sau, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu chắc chắn sẽ tạo ra lực cản trong thu hút FDI đối với Việt Nam. Do đó, để thu hút dòng vốn FDI chất lượng, trong đó có các doanh nghiệp từ Singapore, Việt Nam cần cải thiện tốt hơn cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, lực lượng lao động cũng như tạo khung pháp lý phù hợp, ông Sam Cheong lưu ý.