Trên mạng xã hội hiện nay, không khó để tìm kiếm các sản phẩm viên uống chống nắng với những lời quảng cáo hấp dẫn như “thách thức mùa hè chói chang, không sợ bắt nắng”, “chống nắng toàn diện, bảo vệ da tối ưu”, “tăng sức đề kháng của da với ánh nắng mặt trời”.
Một số loại viên uống chống nắng còn được quảng cáo với công dụng “tạo hệ thống miễn dịch và hàng rào phòng thủ mạnh mẽ, giúp chống nắng tốt và cả chống nám, sạm da”.
Các sản phẩm này hiện được nhiều người bán quảng cáo là hàng xách tay có xuất xứ Mỹ, Nhật Bản, Đức..., giá bán dao động từ vài trăm nghìn đồng, thậm chí hàng triệu đồng/hộp tùy từng loại.
Chưa thể thay thế hoàn toàn kem chống nắng
ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho hay, mỗi ngày anh tiếp nhận hàng chục bệnh nhân đến thăm khám trong tình trạng bỏng rát, đen sạm hoặc nặng hơn là hoại tử da mặt do hiểu sai cách sử dụng của viên chống nắng.
Theo bác sĩ Thành, mùa hè nắng nóng kéo dài khiến chị em đau đầu để bảo vệ da khỏi sạm nắng. Với lời quảng bá không cần kem chống nắng khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, trào lưu sử dụng viên uống chống nắng được chị em ưa chuộng vì sự tiện lợi. Nhiều chị em tin theo lời quảng cáo uống một viên chống nắng trước khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 30 phút là đủ bảo vệ làn da hiệu quả.
Bác sĩ Thành thông tin, mặc dù viên chống nắng có chứng cứ khoa học khuyên dùng, nhưng hiệu quả vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn kem chống nắng. Viên chống nắng chỉ hỗ trợ cho tác dụng của kem chống nắng tốt hơn. Viên uống này chỉ có tác dụng trong vài giờ đồng hồ (không quá 4 giờ), không phải uống 1 viên sẽ có tác dụng chống nắng trong cả ngày.
Bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó khoa phụ trách Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thì nhấn mạnh, một số trang mạng quảng cáo viên uống chống nắng với công dụng bảo vệ da hoàn hảo từ bên trong là không thực sự chính xác.
Viên uống chống nắng có vai trò hỗ trợ bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV, tuy nhiên các viên uống này hoàn toàn không thể thay thế được kem bôi chống nắng.
"Nhiều chị em lầm tưởng và tin vào quảng cáo của viên uống chống nắng có tác dụng kéo dài cả ngày. Vì tin tưởng nên nhiều chị em chỉ uống các viên uống chức năng này mà không bôi kem chống nắng dẫn đến việc bị sạm da và hiệu quả không như mong đợi", bác sĩ Thảo nói.
Nữ bác sĩ cũng chỉ ra việc quảng cáo trị nám của viên uống chống nắng là hoàn toàn không đúng. "Theo quan điểm của tôi, việc điều trị nám da khá khó khăn, bởi khả năng tái phát rất cao, không có hiệu quả lâu dài. Chính vì vậy, việc điều trị nám phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và duy trì lâu dài. Để điều trị, chị em cần phải đến thăm khám để biết được mức độ lâm sàng của da, từ đó các bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp", bác sĩ Thảo cho biết.
Phân tích về thành phần của viên uống chống nắng, theo bác sĩ Phạm Thị Thảo, trong viên uống chống nắng bao gồm có: lycopene, beta-carotene, vitamin E, vitamin C - đây là các chất có tác dụng chống lại tác dụng có hại của tia UV nhưng không nhiều, chỉ tương đương kem bôi chống nắng với SPF 15.
Một số viên chống nắng khác có thể có glutathion, vitamin C có tác dụng làm trắng da nên một số người bán hàng lợi dụng công dụng này để đánh vào tâm lý của các chị em phụ nữ muốn chống nắng và làm trắng da.
Không có biện pháp chống nắng đạt hiệu quả 100%.
ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành nhấn mạnh, không có biện pháp chống nắng đạt hiệu quả 100%. Viên uống chống nắng khiến nhiều người hiểu lầm có tác dụng chống nắng tương tự như kem chống nắng. Tuy nhiên, viên uống chống nắng và kem chống nắng hoạt động thông qua hai cơ chế khác nhau và hoàn toàn không thể thay thế được mà chỉ hỗ trợ hoặc bổ sung cho nhau.
Cụ thể, kem chống nắng là một dạng chống nắng bằng cách tạo thành một lớp màng ngăn chặn tia UV xâm nhập vào tế bào da. Lớp màng này có thể là màng vật lý hoặc hóa học, hoạt động thông qua cơ chế phản xạ, hấp thụ hoặc tán xạ mặt trời nhưng mục đích cuối cùng là hạn chế tối đa lượng tia UV xâm nhập vào tế bào da.
Viên uống chống nắng là tập hợp các chất chống oxy hóa, giúp trung hòa các gốc tự do trong cơ thể và chống viêm. Thực tế, viên uống chống nắng không tạo thành lớp màng bảo vệ và tia UV vẫn xuyên qua da. Nhưng nhờ hoạt động của các chất chống oxy hóa sẽ ức chế sản sinh melanin nên da không bị đen sạm đồng thời ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm, giảm thiểu cháy nắng và mẩn đỏ da.
Bác sĩ Thành khuyến cáo để bảo vệ da ở thời tiết nắng nóng, chị em nên sử dụng kết hợp viên uống chống nắng và kem chống nắng. Đồng thời, sử dụng thêm các biện pháp chống nắng khác như đội nón rộng vành, sử dụng khẩu trang, mặc áo khoác chống nắng, đeo kính mát, dựa vào những bóng râm,… để bảo vệ da tối ưu trước sự ảnh hưởng của tia UVA/UVB.
Chị em cũng nên tránh ra đường giữa thời điểm nắng gắt đỉnh điểm, khoảng từ 11 giờ sáng tới 3 giờ chiều. Cần uống đủ nước, uống ít nhất 1,5 - 2 lít nước/ngày, nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.
Ngoài ra, cần tăng cường sức đề kháng hiệu quả, giúp làn da khỏe từ bên trong. Cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…
Để điều trị các bệnh về da do ánh nắng mặt trời, các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.