Việc khó hơn

- Thứ Ba, 13/10/2020, 08:16 - Chia sẻ
Chiều qua, Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một chi tiết đặc biệt của Báo cáo này so với rất nhiều báo cáo kết quả giám sát khác là Đoàn giám sát đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và biểu dương sự “nỗ lực, khôn khéo, kiên trì và kỳ công của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề... trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hội nhập quốc tế, nhất là sự phối hợp chuẩn bị để việc đàm phán các FTA đạt được lợi ích cao nhất cho quốc gia, dân tộc”.

Nhìn lại tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta kể từ khi bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới đến nay càng thấm thía đề nghị kể trên của Đoàn giám sát là sự ghi nhận, tôn vinh xứng đáng. Năm 1995, nước ta gia nhập ASEAN và ký kết FTA đầu tiên là Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), đánh dấu bước khởi đầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo chiều sâu thông qua các FTA. Từ đó cho đến nay, chỉ trong vòng 25 năm, trên tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nước ta đã đàm phán và trở thành thành viên của 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA khác.

Xét về phạm vi, các FTA mà Việt Nam là thành viên có độ phủ rộng tới 60 nền kinh tế với tổng GDP chiếm khoảng 90% GDP toàn thế giới, trong đó có 15 nước thành viên Nhóm G20 và 9/10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của nước ta thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Việc tham gia và thực thi các FTA đã thúc đẩy nước ta hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá cao ở mức 6 - 7% trong giai đoạn rất dài vừa qua, mở rộng xuất nhập khẩu, thu hút nguồn vốn FDI, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp, tạo việc làm mới, tăng thu ngân sách, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.

Một tác động vô cùng quan trọng của việc gia nhập, thực thi các FTA chính là tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc và thực chất hơn mối quan hệ giữa nước ta với nhiều đối tác trên thế giới, tạo ra vị thế đối ngoại mới cho đất nước, tạo nền tảng để nước ta đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, nâng cao nội lực, củng cố vị thế quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Rất nhiều con số, dữ liệu thông tin đã được Chính phủ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hiệu quả và tác động lan tỏa mạnh mẽ của việc ký kết và triển khai thực hiện các FTA đối với sự phát triển của đất nước. Dù vậy, thực tế cũng đã cho thấy, các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao và toàn diện không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo là những rủi ro, thách thức và có thể tạo sức ép rất lớn. Trong đó, phải kể đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp nội địa vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều năm nay, Chính phủ, các bộ, ngành đã thực thi nhiều chính sách, chương trình nhằm tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, nhưng phải nói thẳng là, tốc độ tăng vẫn chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực hiện các FTA nói riêng.

Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện các FTA mà nước ta là thành viên. Nhưng trước đó, từ năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng giám sát chuyên đề về “kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới”, trong đó bao hàm cả việc ký kết, thực hiện các FTA. Lần này, mặc dù tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ tổ chức được một phần kế hoạch và nội dung giám sát, Đoàn cũng kiến nghị ban hành văn bản sau giám sát theo hình thức Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay vì ban hành một Nghị quyết về kết quả giám sát như thông lệ, nhưng những thông tin, nhận định, đánh giá và kiến nghị cụ thể được đưa ra trong Báo cáo kết quả giám sát đã phản ánh chân thực những tác động đa chiều của các FTA và những việc phải tập trung thực hiện trong thời gian tới để có thể tận dụng và phát huy tối đa cơ hội mà các FTA mang lại.

Ký kết, trở thành thành viên của các FTA đã khó. Nhưng để hiện thực hóa được những “lợi ích cao nhất cho quốc gia, dân tộc” mà chúng ta đã “nỗ lực, khôn khéo, kiên trì và kỳ công” giành được trên bàn đàm phán thì còn khó hơn nhiều. Bởi tiến trình này đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực, sự phối hợp nhịp nhàng và trên hết, phải đặt lợi ích quốc gia lên đầu của cả hệ thống, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức trực tiếp triển khai thực thi và có trách nhiệm bảo đảm cho việc thực thi các FTA.

Hải Lam