QH đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH, ngân sách nhà nước năm 2012, những tháng đầu năm 2013

Việc cần làm ngay là tháo gỡ nút thắt ngân hàng thừa thanh khoản, phân bổ nguồn lực Nhà nước theo hướng thoát khỏi tầm nhìn hàng năm

- Thứ Sáu, 31/05/2013, 08:18 - Chia sẻ
Đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách nhà nước năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 tại Phiên họp toàn thể hôm qua, nhiều ĐBQH chỉ rõ: việc cần làm ngay là tháo gỡ nút thắt ngân hàng thừa thanh khoản. Thực hiện các biện pháp phân bổ nguồn lực từ ngân sách Nhà nước theo hướng thoát khỏi tầm nhìn hàng năm; trong đó, giải pháp trọng tâm là phải quyết liệt trả nợ đọng xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp, kịp thời hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ cho đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy giải quyết nợ xấu hiện nay. Đồng thời, cần tăng sức cầu cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

ĐBQH TRƯƠNG VĂN VỞ (ĐỒNG NAI): Việc cần làm ngay là, tháo gỡ nút thắt ngân hàng thừa thanh khoản, phân bổ nguồn lực của Nhà nước theo hướng thoát khỏi tầm nhìn hàng năm

Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đã nêu rõ những kết quả đạt được bước đầu của nền kinh tế; đồng thời cũng đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức hiện nay. Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm cá nhân của bộ, ngành liên quan trong việc cụ thể hóa giải pháp thực hiện mục tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 31 của QH về việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Việc triển khai thực hiện Đề án này thời gian qua rất chậm, chưa căn bản, chưa tạo thành hệ thống, chưa phân bổ sử dụng các nguồn lực có hiệu quả. Do vậy, ngoài việc tập trung xử lý những vấn đề cấp bách, phải quan tâm, quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý điều hành, có cơ chế huy động các nguồn lực để thực hiện các đột phá chiến lược theo hướng ưu tiên cho các lĩnh vực, dự án có tác động lan tỏa cao nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm an dân ngay từ năm 2013. Quyết tâm đổi mới bộ máy quản lý nhà nước, phân định rõ trách nhiệm cá nhân ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở để thực hiện ba đột phá chiến lược trong năm 2013, không để lợi ích nhóm chi phối sẽ tạo được chuyển biến mới trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đáp ứng được lòng mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.

Việc cần làm ngay là tháo gỡ nút thắt ngân hàng thừa thanh khoản, cùng với việc thực hiện giải pháp phân bổ nguồn lực từ nguồn ngân sách nhà nước theo hướng thoát khỏi tầm nhìn hàng năm. Giải pháp trọng tâm đặt ra là phải quyết liệt trả nợ đọng xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp; kịp thời hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ cho đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy giải quyết nợ xấu hiện nay. Bên cạnh đó, cần kịp thời sửa đổi, bổ sung đồng bộ thể chế chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, quản lý và bảo vệ rừng. Cụ thể là: tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Từ 2010 đến nay mức đầu tư ngân sách nhà nước cho nông nghiệp nông thôn rất thấp, trên dưới 1,5% GDP, trong khi đóng góp của nông nghiệp vào GDP trên dưới 20%. Đây là quyết sách lâu bền của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hoàn thiện chính sách khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp trên cơ sở thay thế Quyết định 80 năm 2002 của Chính phủ theo lời hứa của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII đến nay vẫn chưa được ban hành. Tiến hành quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn gia súc nhằm hạn chế doanh nghiệp nước ngoài chi phối về giá cả, về nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc nhằm giúp người chăn nuôi ổn định, khắc phục thua lỗ. Kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về lộ trình thực hiện kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết của QH  nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng, bảo vệ môi trường rừng.
 
ĐBQH LÊ ĐẮC LÂM (BÌNH THUẬN): Khắc phục hạn chế, yếu kém của nền kinh tế cần bắt đầu từ công tác điều hành, chỉ đạo

Chúng ta đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn để đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Dù chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2012 chỉ đạt 5,03% nhưng so với bối cảnh trong nước và thế giới thì đây là sự cố gắng rất lớn. Tuy nhiên, thực trạng kinh tế - xã hội cho thấy còn nhiều hạn chế, yếu kém đã được Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế chỉ rõ. Để khắc phục những hạn chế, yếu kém hiện nay phải bằng nhiều giải pháp đồng bộ mà trước hết, phải bắt đầu từ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự phối hợp trong công tác quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành phải chặt chẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa.

Từ thực tiễn tại địa phương, tôi thấy, trong điều hành của Chính phủ, việc xử lý mối quan hệ giữa ưu tiên kiềm chế lạm phát với tăng trưởng kinh tế còn có vấn đề. Có phải do chúng ta bị áp lực của mục tiêu kiềm chế lạm phát mà ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng hay không? Tất nhiên, điều hành để đạt được mục tiêu hài hòa giữa tốc độ tăng trưởng và kiềm chế lạm phát là rất khó. Vừa qua, để kiềm chế lạm phát, hàng loạt công trình bị cắt giảm đầu tư. Lẽ ra cần phải rà soát thật kỹ, những công trình bức xúc, công trình dở dang cần phải tập trung vốn đầu tư hoàn thành để phát huy được hiệu quả ngay, vừa tránh được lãng phí thất thoát. Ví dụ, ở Bình Thuận, những công trình thủy lợi nếu được tập trung đầu tư sẽ có nước tưới tiêu, nước sinh hoạt, vực dậy sản xuất và đời sống của người dân các vùng lâu nay bị khô hạn. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành Trung ương, địa phương rà soát từng công trình để tiếp tục đầu tư có hiệu quả. Xử lý vấn đề này, chỉ số lạm phát sẽ tăng nhưng công trình đầu tư có hiệu quả sẽ mang lại lợi ích rất lớn về lâu dài.
 
ĐBQH LÊ CÔNG ĐỈNH (LONG AN): Việc giải phóng các gói hỗ trợ và kích cầu sẽ tác động đến lạm phát, Chính phủ cần cân đối, kiểm soát các gói kích cầu để kịp thời điều chỉnh khi lạm phát tái xuất hiện

Cùng với các giải pháp tăng sức cầu của Chính phủ, đề nghị cần có biện pháp tăng sức cầu cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Khu vực nông nghiệp, nông thôn ước chỉ chiếm khoảng 30% tiêu dùng cả nước. Sự trì trệ của khu vực nông nghiệp là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển không bền vững của nền kinh tế. Chỉ số giá nông nghiệp tăng nhanh trong 3 năm gần đây nhưng giá mua tại ruộng vẫn không tăng nhiều, thu nhập của nông dân không tăng, đương nhiên sức cầu giảm. Đã đến lúc phải xem xét lại một cách nghiêm túc để có biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của các tổng công ty, hiệp hội trong hệ thống mua nhiều cấp như hiện nay và tác động của hệ thống này, trước mắt là đối với các mặt hàng Việt Nam cần có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế như gạo, cà phê, điều, tiêu, cá da trơn, tôm. Đồng thời, cần xem xét lại hiệu quả thực chất của công tác bình ổn giá nông sản hiện nay để người nông dân thực sự hưởng lợi trực tiếp từ chính sách mang lại. Mặt khác, phải khẳng định rằng mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất nông nghiệp là thiết thực và hiệu quả. Nhưng vấn đề nhân rộng và phát triển mô hình này đang gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề bảo đảm đầu ra cho nông sản. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp chỉ tham gia vào khâu sản xuất vì sẽ bảo đảm được nguồn lợi từ bán vật tư nông nghiệp, họ chưa bảo đảm được khâu kinh doanh và tiêu thụ. Nhà nước cần sớm có cơ chế, chính sách cụ thể cho việc xây dựng, phát triển cánh đồng mẫu lớn, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, cũng tức là tăng sức cầu. Thực hiện mô hình này cũng là đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, hiện đại, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.

Về giải pháp giảm thiểu suy thoái của dòng cung thông qua chính sách cứu doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tôi đồng tình thực hiện gói tín dụng tháo gỡ thị trường bất động sản 30 nghìn tỷ đồng với chính sách cho vay nhà ở với lãi suất 6%/năm. Tuy nhiên, cũng cần có chính sách hỗ trợ tương tự đối với một số ngành sản xuất trọng điểm như sản xuất, chế biến nông, thủy sản. Tất nhiên, phải có danh mục, điều kiện cụ thể để kiểm soát dòng tiền này đi đúng đối tượng. Cần lưu ý, việc giải phóng các gói hỗ trợ và kích cầu sẽ tác động đến lạm phát. Chính phủ cần cân đối, kiểm soát các gói kích cầu để kịp thời điều chỉnh khi lạm phát tái xuất hiện ở mức độ khó kiểm soát. Đồng thời cần tăng cường tiết kiệm trong sử dụng ngân sách Nhà nước các cấp trong điều kiện nguồn thu giảm do suy giảm và do các chính sách cứu doanh nghiệp. Trong phạm vi này, ngoài việc thực hiện nghiêm việc cắt giảm chi tiêu theo giải pháp Chính phủ đưa ra cùng với việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tổng cầu thì các bộ, ngành và các tỉnh thành phải xem xét đề xuất các công trình trọng điểm trong ba năm, giai đoạn trung hạn 2013 - 2015 để tránh đầu tư dàn trải. Để nguồn vốn đầu tư của Nhà nước được sử dụng hiệu quả, QH cần phải giám sát kịp thời hơn việc sử dụng nguồn lực này của Nhà nước.

Nguyễn Vũ ghi
Ảnh: L.Hiển