Vị tướng với cách đánh “nở hoa trong lòng địch”

Hồng Hà 27/04/2017 08:17

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ đạo nhiều mặt trận và chiến dịch quan trọng. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ông được đánh giá có tầm nhìn xa trông rộng với đỉnh cao là nghệ thuật chỉ đạo kết thúc chiến tranh. Điều này thêm một lần được khẳng định tại hội thảo Đại tướng Văn Tiến Dũng với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nội sáng 26.4.

Mưu trí, quyết đoán

Thượng tá Lê Trùng Dương, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam dẫn lời Đại tướng Văn Tiến Dũng: “Chiến tranh càng về cuối càng đòi hỏi sự căng thẳng nỗ lực ghê gớm về tinh thần và vật chất đối với các bên tham chiến. Lúc này, bên nào quyết tâm hơn, mưu trí hơn, bền bỉ hơn, có thể vươn lên với sức mạnh mới thì sẽ thắng”. Chính vì vậy, mùa Xuân năm 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng được giao trọng trách thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên (3.1975). Trong chiến dịch này, Đại tướng đã trực tiếp chỉ đạo đánh vào Buôn Ma Thuột, trận đánh then chốt mở màn chiến dịch, với quyết tâm cao cùng nghệ thuật “nở hoa trong lòng địch”.

Đại tướng Văn Tiến Dũng điện báo tin chiến thắng Tây Nguyên (3.1975) Ảnh: Tư liệu
Đại tướng Văn Tiến Dũng điện báo tin chiến thắng Tây Nguyên (3.1975) Ảnh: Tư liệu

Thượng tá Phạm Anh Tuấn, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phân tích, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã có sáng kiến dùng một binh đoàn cơ giới thọc sâu vào Sở Chỉ huy của địch đóng ở hậu cứ Sư đoàn 23 ngụy. “Mũi thọc sâu đó cùng các mũi tiến công khác hoàn thành nhiệm vụ tiến công và giành thắng lợi vang dội. Buôn Ma Thuột bị đánh tan một cách nhanh chóng, tạo nên hiệu ứng domino khiến toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch trên địa bàn Tây Nguyên sụp đổ hoàn toàn. Với nghệ thuật chiến dịch thắng lợi, mở ra khả năng kết thúc sớm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.

Cách đánh này từng được thấy trong việc lựa chọn đánh địch ở Sơn Tây, Phát Diệm năm 1951, rồi chiến dịch tiến công vào vùng sau lưng địch ở đồng bằng Bắc Bộ năm 1952, mà Đại tướng Văn Tiến Dũng từng cầm quân. Sau này khi là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh càng thấy rõ hơn tài năng, nghệ thuật và cách đánh bí mật mà không mạo hiểm của ông. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cách đánh sáng tạo “nở hoa trong lòng địch” là cách đánh bất ngờ vào nơi hiểm yếu của địch, đòi hỏi tính quyết đoán, thông minh của người chỉ huy, hiểu biết sâu sắc về địch, làm cho kẻ thù khiếp sợ, đem lại chiến thắng quyết định trong các trận chiến đấu cụ thể cũng như nhiều chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược. Cách đánh này đã trở thành nét đặc sắc trong nghệ thuật chỉ huy của Đại tướng Văn Tiến Dũng ở cả tầm chiến dịch và chiến lược.

Thần tốc, táo bạo, chắc thắng

 “Nghệ thuật chọn mục tiêu tiến công, nghệ thuật sử dụng cách đánh “nở hoa trong lòng địch” của Đại tướng Văn Tiến Dũng vẫn được phát huy ở tầm cao mới trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai. Đó cũng là nét đặc thù, sáng tạo, là một trong những nội dung của nghệ thuật “lấy yếu chống mạnh”, lấy vũ khí chưa hiện đại chống lại vũ khí hiện đại của địch”.

Thượng tá Phạm Anh Tuấn, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Được đánh giá là một vị tướng có tầm nhìn xa trông rộng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã không ngừng tạo thế và lực, chủ động lựa chọn thời gian và cách thức tiến hành đòn quyết chiến chiến lược, kết thúc chiến tranh có lợi nhất. Theo Trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7, ngay trước khi tiến hành Chiến dịch Tây Nguyên, Đại tướng đã chỉ đạo các đơn vị nghi binh đánh mạnh hơn nữa theo kiểu như dân gian “đánh một la mười”, làm cho đối phương càng lún sâu vào những nhận định sai lầm. Những thắng lợi tiền đề vững chắc của Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã mở ra thời cơ cho Tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định.

Tuy nhiên, trước khi ra quyết định giải phóng Sài Gòn, Đại tướng Văn Tiến Dũng rất quan tâm đến hai vấn đề nổi bật của toàn bộ kế hoạch là cách đánh và mục tiêu phải đánh. Ông đã trăn trở rất nhiều: Đánh vào Sài Gòn như thế nào cho nhanh, chắc thắng, làm sụp đổ cả chế độ phản động, đập tan cả hệ thống tổ chức quân đội và chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến cơ sở, phá tan bộ máy chiến tranh… nhưng lại phải đánh như thế nào để thành phố ít bị tàn phá nhất, giải phóng được mấy triệu đồng bào mà không làm cho nhân dân thiệt hại nhiều về tính mạng…

Đại tướng Văn Tiến Dũng đã cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch quán triệt sâu sắc và thực hiện thắng lợi tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: Thần tốc, táo bạo, chắc thắng; đánh chiếm Sài Gòn nhanh gọn nhưng phải bảo đảm thành phố ít bị tàn phá, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. “Đại tướng Văn Tiến Dũng đã tìm ra phương án tối ưu, chọn đánh 5 mục tiêu để nhanh chóng đánh chiếm: Bộ Tổng Tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát. Đó là những trọng huyệt để kết thúc thắng lợi chiến dịch nhanh chóng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” - Giám đốc Học viện Lục quân, Thiếu tướng, PGS.TS. Hoàng Văn Minh khẳng định.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vị tướng với cách đánh “nở hoa trong lòng địch”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO