Vị trí của Ấn Độ trong thế kỷ châu Á
Thế kỷ XIX được coi là thuộc về nước Anh và thế kỷ XX thuộc về nước Mỹ. Giờ đây, nhiều người tin rằng thế kỷ XXI sẽ thuộc về châu Á. Và trong bối cảnh đó, vị trí của Ấn Độ trong thế kỷ này sẽ như thế nào?
Có thể nói, quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ đã mang đến cho hai quốc gia này vị thế trung tâm của Thế kỷ châu Á. Trong 20 năm qua, cả Bắc Kinh và New Delhi đã tăng gấp 3 lần thị phần của mình trong nền kinh tế thế giới. Khi được điều chỉnh theo sức mua tương đương, nền kinh tế Ấn Độ hiện nay gần như bằng quy mô của Nhật Bản. Hãng Goldman Sachs từng dự báo, nền kinh tế Ấn Độ có thể vượt qua Mỹ vào năm 2043. Lâu nay là nước lớn thứ hai thế giới, dân số Ấn Độ ước tính sẽ vượt Trung Quốc trong chưa đầy 2 thập kỷ nữa.
Dẫu sở hữu những yếu tố thuận lợi như vậy, Ấn Độ có khả năng vẫn là một nước có thu nhập trung bình thấp hơn trong thế kỷ châu Á, tụt hậu so với các đối tác trong khối BRICS khác. Tuy là nước có dân số lớn thứ hai thế giới nhưng Ấn Độ lại là quốc gia có mật độ người nghèo lớn nhất thế giới. Năm 2000, hơn 840 triệu người Ấn Độ sống ở mức dưới 2 USD một ngày, trong đó gần một nửa là sống dưới mức 1,25 USD/ngày. Vào thời điểm Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất trên thế giới, những thách thức lớn đang tồn tại liên quan đến đô thị hóa, cơ sở hạ tầng, việc làm, nước sạch và thực phẩm cho công dân vẫn còn rất nhiều. Quy mô của Ấn Độ cũng như sức mạnh của tầng lớp trung lưu đang lên có thể giúp nâng vai trò của nước này trong thế kỷ châu Á. Nhưng có một vấn đề là, không rõ người nghèo ở Ấn Độ sẽ thoát nghèo như thế nào.

Điều này đặt ra một số câu hỏi. Nằm ở thế thiên thời địa lợi, Ấn Độ sẽ làm thế nào để vươn mạnh trong thế kỷ châu Á? Những cơ hội gì mà một châu Á đang lên có thể mang tới cho Ấn Độ? Những cơ hội nào mà một Ấn Độ lớn mạnh mang đến cho châu Á?
Điều quan trọng nhất đối với mỗi người dân Ấn Độ là làm thế nào để những thay đổi về kinh tế và sức mạnh chiến lược của châu Á có thể định hình cho những chuyển đổi kinh tế xã hội rộng lớn trong nền dân chủ lớn nhất thế giới này?
Vốn dĩ là một nước có thu nhập trung bình thấp, Ấn Độ làm thế nào để tránh được cái bẫy thu nhập trung bình? Ngoài ra, vấn đề cấp thiết hơn là, làm thế nào để Ấn Độ có thể lấy lại đà tăng trưởng vốn được tạo ra hồi giữa những năm 2000 cũng như giải quyết áp lực tài chính tăng nhanh chóng và làm giảm tình trạng dễ vỡ chưa từng có trong thâm hụt tài khoản hiện tại của nước này?
Đây là những câu hỏi lớn và phức tạp. Nhưng đây là những câu hỏi quan trọng bởi kỳ vọng của thế giới về Ấn Độ có lẽ đang vượt quá kỳ vọng của bản thân nước này về chính mình. Nếu Ấn Độ không trả lời được những câu hỏi trên, nó sẽ dẫn đến những hậu quả lớn khiến cho nước này khó khăn hơn trong việc bắt kịp phần còn lại đang trỗi dậy nhanh chóng ở châu Á. Để tránh được điều đó sẽ phụ thuộc vào tầm nhìn xa trông rộng của các lãnh đạo Ấn Độ trong việc đưa ra các chính sách để đạt được mục tiêu phát triển “nhanh, bền vững và toàn diện hơn” như đã được ghi trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2012 - 2017) của nước này.
Có 3 kịch bản đáng được xem xét. Kịch bản thứ nhất và được coi là thuận lợi nhất là tình trạng đôi bên cùng có lợi trong đó Ấn Độ được hưởng lợi lớn từ sự vươn lên của châu Á cũng như quy mô thị trường Ấn Độ sẽ đóng góp đáng kể cho thế kỷ châu Á. Ấn Độ thúc đẩy thành công vấn đề nhân khẩu, thương mại và văn hóa của mình để trở thành trung tâm kinh tế của châu Á, từ đó chuyển đổi lực lượng lao động, các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ theo hướng cạnh tranh hơn... Trong kịch bản thứ hai ít được chào đón hơn. Ấn Độ có thể đáp ứng được một số kỳ vọng trong vai trò của mình tại thế kỷ châu Á nhưng chiếm được thế thượng phong ít hơn các nước châu Á khác hoặc thậm chí bị tụt lại.
Còn kịch bản thứ ba ít được mong đợi nhất. Đó là thế kỷ châu Á gần như bỏ qua Ấn Độ. Tuy nhiên với các mối quan hệ thương mại, chính trị và chiến lược của mình, Ấn Độ khó có thể rơi vào kịch bản này. Nhưng chính việc xét thấy khả năng đó khó xảy ra có thể làm nảy sinh tâm lý tự mãn ở trong nước khiến Ấn Độ khó có thể đạt được đầy đủ thành quả của thế kỷ châu Á.
Vậy Ấn Độ sẽ phải có những chính sách để kịch bản thứ nhất thành hiện thực. Các nhà phân tích đã xác định 7 trụ cột trong nước cần quan tâm. Đó là các chính sách hỗ trợ thị trường tự do, khoa học và công nghệ, trọng dụng nhân tài, chủ nghĩa thực dụng, một nền văn hóa hòa bình, luật pháp và giáo dục.
Đối với mặt trận đối ngoại, thương mại của Ấn Độ và các mối quan hệ đầu tư với châu Á sẽ giữ vai trò quan trọng, không chỉ trong châu Á mà còn trong mối quan hệ với Bắc Mỹ, châu âu và châu Phi. Ấn Độ đã ký kết gần 20 thỏa thuận thương mại khu vực và hiện đang đàm phán thêm nhiều thỏa thuận nữa. Để xây dựng một cơ chế thương mại đa phương thành công, Ấn Độ không chỉ ký các hiệp định song phương mà còn ký nhưng thỏa thuận FTA với các nhóm, khối khu vực như ASEAN +6 hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực...
Quả vậy, để không bị bỏ lỡ chuyến tàu trong thế kỷ châu Á, Ấn Độ có rất nhiều việc cần làm.