Vị thần và người thợ giày bên lề đường (Phần 1)
Truyện ngắn của R. K. Narayan (Ấn Độ)

25/01/2010 00:00

Rasipuram Krishnaswami Iyer Narayanaswami (1906 –2001) là nhà văn Ấn Độ nổi tiếng thế giới, viện sĩ Viện hàn lâm Văn học Ấn Độ. Ông là tác giả các tiểu thuyết Thánh Radjha, Kẻ ăn thịt người ở Mangudi, Người bán đồ ngọt và tập tự truyện Những ngày của tôi, được nhiều giải thưởng trong nước và được giới thiệu rộng rãi ở nước ngoài.

>> Vị thần và người thợ giày bên lề đường (Phần cuối)

Hình như ông ta chẳng có lấy một cái gì gọi là của mình. Ông ngồi trên một khoảng đất chẳng là của ai, ở giữa lề đường và chân tường bao bọc ngôi đền. Một cành ngâu từ bên kia tường vươn ra che nắng cho ông, suốt ngày rắc lên đầu ông những đốm hoa vàng lấm tấm.

“Chỉ có thánh mới được mưa hoa rắc lên đầu mà thôi” - cái anh chàng hippie đến ngồi trên bậc cổng đền từ tối hôm qua đã ngắm nghía và suy nghĩ về ông như thế. Anh ta là ai, điều đó không quan trọng, nội cái chữ “hippie” đã bao hàm sự thiếu hụt cả bản ngã lẫn gốc tích của một con người. Anh ta đến từ Mỹ quốc hay từ đâu thì cũng vậy thôi. Một khi anh đã muốn bưng bít mình đến tận mắt, cái đó đã đủ thành một tấm mặt nạ hoàn toàn bảo đảm cho anh rồi. Một khi anh không có mái nhà che đầu, cứ phải dãi nắng suốt từ sáng đến tối, anh sẽ có một nước da chung chung nào đó, khó mà xác định được anh là người thuộc dân tộc nào, đẳng cấp gì; cái đó đủ để cho anh vượt qua mọi biên giới quốc gia mà không hề gặp cản trở. Và nếu thêm vào đó, anh lại mặc một cái quần rách tã, một chiếc áo may ô thông thường, lại thoải mái ngồi bệt xuống, đúng vào cái chỗ mà chân anh vừa giẫm, và đương nhiên, quần áo anh bắt bụi vàng ệch, giống như bất cứ một vị ẩn sĩ hoặc một nhà tu hành đáng kính nào… Khi đó, anh đạt tới một sự chung chung cao độ, đến nỗi không ai còn quan tâm đến chuyện anh là ai, làm gì, ở đâu. Chỉ cần biết anh là một cá thể cũng hít thở khí trời như ai, thế là đủ. Người thợ giày bên lề đường đúng là đã có thái độ như vậy đối với anh chàng hippie khi anh này đến trước mặt ông và nhờ chữa chiếc quai dép da bị đứt.

Người thợ giày ngẩng đầu nhìn, nghĩ thầm: Tóc rối bù buông xuống tận vai, chỉ thiếu mỗi con rắn quấn quanh cổ nữa là anh ta giống thần Shiva”.

Dù sao chăng nữa, trước một bộ mặt thánh thần như thế, ông già vẫn kính cẩn cúi rạp xuống đất một lát. Ông còn nghĩ: “Người này chắc là đi bộ từ tận Himalaya, nơi trú ngụ của thần Shiva đến đây - chứng cớ là đôi dép đã tã ra hết cả”. Người thợ giày cởi dép khỏi chân khách và ngắm nghía một cách chăm chú. Ông còn xé ở tường ra một tờ quảng cáo trải xuống đất cho anh chàng hippie ngồi và nói như thế này:

- Xin mời ông ngồi vào tờ giấy này này, ở đây hơi bẩn đấy.

Giấy quảng cáo thì lúc nào ông cũng có thừa. Bức tường chỗ đó nổi bật hơn hết, nó nhô ra đúng vào chỗ hai đường phố gặp nhau, mà một nhánh lại dẫn đến đại lộ. Ở ngã tư này lúc nào cũng đông người và xe cộ, nên những người dán quảng cáo tranh giành nhau từng tấc vuông một. Hồi chiều, một người vừa đến phết thứ hồ bột quánh đặc một cách hào phóng và dán lên tường tờ quảng cáo về một bộ phim mới, một buổi diễn thuyết không thu tiền ở công viên hoặc về một vị tân ứng cử viên hội đồng dân biểu, thậm chí lại còn cầm theo cả ảnh chân dung. Màn đêm vừa buông, đã thấy xuất hiện những người khác đến dán quảng cáo của mình đè lên cái trước. Đến sáng thì tất cả các tờ quảng cáo, bất kể nội dung nói gì, đã bị một con la ở gần đấy ngốn hết - nó đến chân tường, dùng mõm xé toạc tờ giấy và đứng đó nhai ngốn ngấu: rõ ràng, nó đã quen mùi cái món hồ bột đó. Người thợ giày cũng vậy, đến đây vào buổi sáng, trước khi ngự vào cái chỗ quen thuộc của mình, ông ta bóc lấy đôi ba tờ quảng cáo và tìm cho chúng những công dụng hết sức khác nhau. Hoặc ông dùng làm giấy gói đồ ăn mỗi khi mua của quầy hàng lợp lá mía ở góc kia phố một món gì đó; hoặc trải tờ quảng cáo giống như một tấm thảm đỏ xuống chân khách hàng nếu họ cần một chỗ nghỉ chờ ông chữa xong giày dép; thậm chí, ông còn dùng che mắt mỗi khi nằm ngủ mà trời quá nắng. Ngắm nghía ông một lát, anh chàng hippie thầm thán phục: “Cái ông này chẳng đòi hỏi một cái gì mà cái gì cũng có!” - Anh ta chỉ ao ước có được sự thanh thản và mãn nguyện như ông thợ giày.

Trước đó, anh ta ngồi trên bậc cổng đền, lẫn với những người hành khất ngửa tay xin bố thí. Trong số này có cả những người còn khỏe mạnh, hệt như anh vậy, có những người què cụt mù lòa, rồ dại; nhưng cả bọn, ngay cả những kẻ đói khát nhất cũng đều giữ một vẻ mặt bình thản hiếm có, bình thản đến mức gần như phớt lờ mọi sự. Lúc chiều tối những người vào đền khấn vái mỗi khi qua cổng đều thả tiền vào bát - ấy lại là cái việc hoàn toàn ngẫu nhiên. Trong đám hành khất vẫn lưu hành một luật lệ tuy không được viết thành văn: không lấy tranh của nhau, nếu như đồng xu vứt cho người mù mà rơi chệch bát người mù, họ sẽ nhặt lên và đưa trả cho người mù. Chàng hippie vốn đã đạt đến mức hoàn thiện cái nghệ thuật ẩn xóa mình đi, nên anh ta rất biết trà trộn vào đám đông ấy. Lúc chập tối, ông từ cao hứng đã chia cho anh ta cả một miếng chè bà cốt còn lại sau khi đã dâng lên thần thánh. Bữa tối hoàn toàn được no nê, anh chàng hippie tu một hơi nước lã ở vòi nước bên đường rồi quay ra nằm ngủ ngay trên thềm đền.

Sáng ra, anh ta trông thấy người thợ giày vác cái bọc đồ nghề đến ngồi dưới bóng cành ngâu. Thật là đẹp mắt: lá cây xanh tươi đẫm ánh mặt trời xòa ra trên bức tường vôi xám xịt quanh đền. Mà ở đây mới tĩnh mịch làm sao. Chẳng ai thèm bận tâm đến những chuyện bụi bặm, huyên náo và mất trật tự ngoài đường, nơi người đi bộ, kẻ đạp xe cứ liều mạng chen lấn bên những mô tô, xe tải trong khi những chiếc xe này khi rít phanh, khi bóp còi, khi lăn bánh cứ mịt mù bụi bặm mà băng lên phía trước, y như trong những cảnh phim săn đuổi rùng rợn nào đó. Có người còn khạc nhổ ngay trên mặt đường hoặc đứng sát tường, “vắt cần câu” ngay trước mặt bàn dân thiên hạ mà chẳng ai thèm để ý, thèm mắng mỏ điều gì. Anh chàng hippie cũng phải kinh ngạc trước sự phơi bày của cuộc đời như nó vốn có.

Người thợ giày vẫn cắm cúi làm việc - ông dùng dao rạch lấy một miếng da thuộc, dùi lỗ, luồn vào đó một sợi chỉ thô, khâu từng mũi, từng mũi một, và như có phép thần, đường chỉ trắng hiện lên trên mặt da hệt như một tia chớp nho nhỏ. Cạnh đó có một chậu nước, người thợ giày nhúng những miếng da bướng bỉnh vào đó, rồi lấy thỏi sắt giần giần một lúc, thế là miếng da mềm nhũn như một miếng giẻ. Những lúc rỗi việc, ông tựa lưng vào tường đền, vừa quan sát, vừa thầm xác định xem tình trạng đế, quai, dây… của những đôi giày đôi dép đang lướt qua trước mặt mình. Những ngón tay ông, nếu như không bận cầm nắm dụng cụ chữa giày, chắc chúng sẽ ngứa ngáy lên vì nhàn rỗi, khiến ông phải vớ lấy một thứ đồ nghề thô sơ nào đó đem mài vào vỉa hè. Thấy ông mải mê với công việc, anh chàng hippie thầm nghĩ, ngoài tiền công, chắc là ông này còn được hưởng một niềm khoái lạc nào đó mỗi khi được vò miếng da thuộc trong tay hoặc giần giần thỏi sắt vào mặt da. Hình như đối với ông, việc ăn uống cũng chỉ đứng vào hàng thứ yếu. Mỗi ngày ông chỉ một lần ra hiệu cho cậu bé quán hàng đối diện để cậu đem đến cho ông chén trà hoặc chiếc bánh, thế là đủ, chẳng còn bận tâm gì đến chuyện ăn uống thêm nữa. Nếu như lâu lâu không có việc gì làm, ông tựa lưng vào tường, hướng mắt nhìn lên ngọn cây cao và quên đi tất cả xung quanh. Cứ nhìn cũng đủ hiểu ông mãn nguyện đến mức nào: không hề thấy một nỗi tiếc rẻ, một niềm ước muốn nào lộ ra trên gương mặt ông. Ông không hề lớn tiếng chào mời khách hàng đến với mình, cũng không hề kỳ kèo về chuyện giá cả tiền nong trước khi nhận vào tay chiếc giày rách thủng và chăm chú ngắm nghía. Rồi ông trải tờ quảng cáo xuống bên chân khách, khâu lại chiếc quai, đóng thêm miếng đế, xong chờ khách trả tiền. Chỗ này đòi hỏi phải có tính nhẫn nại: phải chờ khách lấy ví ra, rút tiền và đếm: nếu như món tiền công quá ư ít ỏi, người thợ giày vẫn ngồi nguyên, tiền vẫn giữ trên lòng bàn tay, chỉ lẳng lặng ngước mắt nhìn khách. Có người trả ông thêm chút ít, cũng có người không thèm nói năng gì, lẳng lặng quay đi mất hút.

Trong khi người thợ giày khâu lại quai dép, anh chàng hippie ngồi bệt xuống tờ quảng cáo. Anh ta phát hiện ra rằng mình ngồi đúng vào mặt một nữ tài tử điện ảnh nổi tiếng. Điều đó khiến anh ta thấy ngồ ngộ. Kỳ thực, anh cũng chẳng cần phải lót giấy ngồi làm gì, song ở đây đã có cái lệ như vậy rồi thì tội gì mà làm phật ý ông thợ giày. Đã lâu nay, anh chàng hippie vẫn quen ngồi đất; thậm chí anh ta còn ngầm hy vọng rằng đến một ngày nào đó, anh ta có thể hoàn toàn thản nhiên ngồi lên một tấm gỗ đóng đinh lởm chởm mà vẫn giữ được vẻ mặt tỉnh bơ như không. Cũng có thể công cuộc tìm kiếm chân lý của anh ta hướng về đích đó. Trong những cuộc ngao du của mình, anh đã thấy những người tập yoga ở Benares, họ ngồi trên những mũi đinh, hoàn toàn đắm mình vào nhập định. Còn ở Ghai, có người đã đi hành xác với một chiếc xiên dài xuyên qua hai má, đương nhiên, chiếc xiên ngáng trở sự hoạt động của lưỡi, nhưng ông ta mặc kệ - dù sao ông vẫn phải giữ bằng được lời nguyền “có tai như điếc có miệng như câm”. Ở Allahabad, trong thời gian lễ hội Cumbohah Mela, anh chàng hippie đã trông thấy hàng triệu con người tụng kinh và tắm Phật ở đúng nơi sông Jhamana và sông Hằng gặp nhau. Trong đám đông đó có một người dắt theo một con hổ đã lớn, người đó khăng khăng nói rằng đấy là người em trai đã chết nay hóa thành kiếp hổ. Lại có những người cầm cả rắn độc trên tay, con rắn lòng thòng ngọ nguậy chẳng khác gì sợi chão. Ở đó, người thì miệng phun ra lửa, người thì nuốt kiếm, người thì nhai mảnh chai… Những người yoga ngồi suốt ngày suốt đêm trên bãi rộng để nhập định, không ăn không uống, không động đậy chân tay, không thèm để ý cả đến những đống lửa được đốt lên bốc cao ngùn ngụt ở xung quanh. Còn ở Nepal, có một người phẩy tay vào không khí một cái, lấy được từ không trung cả một pho tượng nữ thần bốn tay, bằng bạc, ông ta tặng liền bức tượng cho anh chàng hippie, và hiện giờ pho tượng đó đang được giấu kỹ trong đáy ba lô của anh. Lần nào cũng vậy, anh chàng hippie thoạt đầu mừng rơn, chỉ ao ước học được ít bí quyết của những người có phép thuật ấy, họ đã nhận lời truyền hết bí quyết cho anh ta để lấy một món thù lao khiêm tốn, đó là một viên thuốc phiện. Nhưng sau đó anh ta cứ tự hỏi: “Liệu mình sẽ được là bao? Quá lắm thì cũng chỉ bằng một chuyến du ngoạn lên cung trăng mà thôi, nhưng không phải trả một giá quá đắt đỏ như thế?” - Anh chàng hippie không tìm được cái mà anh ta đã cất công tìm.

Trên các ngả đường, dù là làng quê hay giữa đồng lúa, anh ta đã thấy những người, đàn ông có, đàn bà có, họ làm việc của mình, hứng thú cao độ - nét mặt họ căng thẳng, tập trung nhưng mà thanh thản. Hoàn toàn có thể là họ đã đạt được cái mà họ có khả năng làm. Anh ta đã từng lên tàu, từng cuốc bộ, từng đi nhờ xe tải chạy trên đường, từng ngồi trên những chiếc xe có bò kéo. Để làm gì vậy? Thì ngay như bản thân mình mà anh ta cũng còn chưa có một ý niệm gì rõ rệt kia mà.

Đăng Bảy dịch
(Số sau đăng hết)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vị thần và người thợ giày bên lề đường (Phần 1)<BR><I>Truyện ngắn của R. K. Narayan (Ấn Độ)</I>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO