Vì Tây Bắc phát triển bền vững

- Thứ Tư, 15/07/2020, 06:07 - Chia sẻ
Các chuyên gia, nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang triển khai hoạt động đóng góp ý kiến cho dự thảo báo cáo chính trị đại hội Ðảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và tư vấn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cho các tỉnh Tây Bắc. Đáng chú ý, những quan điểm và giải pháp tham vấn cho địa phương chủ yếu được chiết xuất từ những kết quả nghiên cứu của Chương trình cấp Nhà nước “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” (Chương trình Tây Bắc).

Giúp địa phương xây dựng chỉ tiêu phù hợp và khả thi

Ý kiến đề xuất của các nhà khoa học và các chuyên gia tập trung vào 7 nhóm vấn đề: Phương hướng phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2020 - 2025; phát triển nông - lâm nghiệp, thủy hải sản gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển du lịch trở thành mũi nhọn; bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế/khâu đột phá của tỉnh; phát triển văn hóa - xã hội tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; đề xuất phát triển chính phủ điện tử và chuyển đổi số.

Các chuyên gia, nhà khoa học ĐHQG Hà Nội góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025

“Các tỉnh miền núi phía Bắc có rất nhiều tiềm năng nhưng đang rất cần khoa học - công nghệ để phát huy hết tiềm năng phong phú đó phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là khu vực trọng yếu, nên việc đầu tư, đặc biệt là về khoa học - công nghệ, có ý nghĩa đột phá. Thông qua Chương trình Tây Bắc thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có cơ hội thể hiện tốt nhất trách nhiệm quốc gia của mình, hết sức cố gắng để làm tốt nhất các nhiệm vụ khoa học - công nghệ trong chương trình. Với kinh nghiệm và những gì đã làm được, tôi tin tưởng thời gian tới chúng tôi còn làm tốt hơn nữa cho nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng này”.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc

Theo PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang, Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - đơn vị chủ trì Chương trình Tây Bắc, 7 nhóm vấn đề chung là như thế, nhưng mỗi tỉnh lại có những điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, nên các đề xuất, mô hình đưa ra cũng khác nhau, trên cơ sở phân tích cơ sở dữ liệu sơ cấp và chiết xuất một số thông tin theo tiếp cận các chỉ số phát triển bền vững. Chẳng hạn, toàn bộ khu vực Tây Bắc đều có cảnh quan rất đẹp, phù hợp để phát triển du lịch, nhưng du lịch mỗi tỉnh một khác, Phú Thọ không thể giống Hòa Bình. Chương trình Tây Bắc đã mời các chuyên gia du lịch tư vấn cho từng địa phương, để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, không chỉ thu hút khách du lịch mà còn lôi kéo được sự tham gia của người dân. Một lĩnh vực rất mới được góp ý cho dự thảo báo cáo chính trị đại hội Ðảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 là phát triển chính phủ điện tử và chuyển đổi số. Bởi trong thời đại công nghiệp 4.0, để miền núi phát triển thì phải ứng dụng khoa học - công nghệ, bằng nhiều cách khác nhau đưa các sản phẩm của Tây Bắc thâm nhập thị trường, đến với người tiêu dùng…

Các chuyên gia cũng cho rằng, mỗi tỉnh cần xác định đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề và vùng trọng điểm để tạo tác động lan tỏa tới phần còn lại của kinh tế - xã hội địa phương. Việc đầu tư có hiệu quả, đúng hướng và tạo ra được tác động mạnh mẽ hay không liên quan nhiều tới công tác quy hoạch phát triển tỉnh, xác định trọng tâm đầu tư và hướng ưu tiên phát triển, công tác dự báo tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách cho phát triển. “Chúng tôi đã dựa trên tất cả kiến thức và kinh nghiệm, nhất là các số liệu khảo sát được trong suốt 5 năm qua, để tư vấn, góp ý, giúp các địa phương xây dựng những chỉ tiêu phù hợp và khả thi”, PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang chia sẻ. 

“Nhiều ý nghĩa về học thuật và thực tiễn”

Những số liệu khảo sát hay kiến thức và kinh nghiệm mà PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang đề cập ở trên là kết quả của 5 năm (2013 - 2018) các nhà khoa học tham gia Chương trình Tây Bắc đã sinh hoạt, làm việc, trao đổi với người dân ở vùng có điều kiện tự nhiên và xã hội khó khăn, khắc nghiệt nhất, cũng là khu vực nghèo nhất Việt Nam này, “với tinh thần càng khó khăn, khắc nghiệt thì càng phải áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để phát triển nhanh và bền vững”. Đến nay nhìn lại, với 58 đề tài, dự án đã và đang triển khai ở 14 tỉnh Tây Bắc, trong đó nhiều sản phẩm đã được đăng ký sở hữu trí tuệ và chuyển giao cho địa phương, chương trình “có nhiều ý nghĩa về học thuật và thực tiễn”, như lời PGS. TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc đánh giá.

Cụ thể, Chương trình Tây Bắc đã xây dựng cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng mô hình, quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Tây Bắc. Đây là đóng góp lớn đầu tiên, làm nền tảng cho sự phát triển có tầm nhìn trong tương lai của khu vực này. Chương trình cũng đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành, quy hoạch phát triển vùng, liên vùng Tây Bắc, mô hình tăng trưởng cho Tây Bắc. Đó là những giải pháp mang tầm vĩ mô, đề xuất chính sách để phát triển Tây Bắc cả về kinh tế, xã hội, môi trường…

Đặc biệt, GS. TS. Mai Trọng Nhuận - Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc cho biết, việc vận dụng sáng tạo công nghệ cao vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa cao, điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, là bước đột phá, được chính những người sử dụng các sản phẩm này đánh giá cao. Các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công các sản phẩm đặc thù của Tây Bắc, áp dụng khoa học - công nghệ cao để nâng cao tính năng sử dụng và giá trị của các loại dược liệu địa phương, hay sản xuất các sản phẩm truyền thống như ngô và cả những cây mới như mác ca, kết hợp với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra…

Chương trình Tây Bắc được đánh giá đã góp phần tạo nên nền tảng, đòn bẩy tri thức - công nghệ - văn hóa - xã hội mạnh mẽ cho chiến lược phát triển bền vững vùng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc. “Để tạo cơ sở vững chắc, góp phần hoạch định chính sách cho Tây Bắc phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của mình trong tình hình mới, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước cho phép tiếp tục thực hiện chương trình này, trước mắt là trong giai đoạn 2020 - 2025, để chuyển giao và tổ chức thực hiện các kết quả nghiên cứu của giai đoạn 1” - ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc kiến nghị.

Đỗ Vũ