Vì sự tiếp nối
Không có được một chiến thắng dễ dàng để trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil ngay từ vòng đầu, giới quan sát nhận định cuộc bỏ phiếu vòng hai ngày 31.10 (ngày 1.11- giờ Việt Nam) thực chất là một khâu thủ tục để bà Dilma Rousseff bước lên ngôi vị quyền lực cao nhất.

Điều này là hoàn toàn có lý khi kết quả các cuộc thăm dò dư luận một tuần trước bầu cử cho thấy nữ ứng cử viên của Đảng Lao động cầm quyền đang dẫn trước đối thủ Jose Serra ở mức hai con số (14%) - một khoảng cách khó có thể san lấp. Ngoài ra, không thể bỏ qua nhân tố Lula da Silva, Tổng thống sắp mãn nhiệm của nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ này, người mà uy tín vẫn đang rất cao. Sự bảo trợ của ông đối với bà Rousseff là một “tấm bùa hộ mệnh” đảm bảo chiến thắng cho nữ ứng cử viên 62 tuổi này.
Trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên ngày 3.10 vừa qua, tuy bỏ xa đối thủ thứ hai là ông Serra, thuộc đảng Dân chủ Xã hội Brazil, tới 14%, song nữ ứng cử viên Rousseff vẫn thiếu gần 4% phiếu bầu cùng ít nhất 1 phiếu để đăng quang. Đại diện của đảng Lao động cầm quyền ở Brazil này dẫn đầu với 46,3% phiếu bầu. Trong 4 tuần vận động tranh cử ráo riết vừa qua, cả bà Rousseff và ông Serra đều đã cụ thể hóa hơn nữa đường lối phát triển đất nước của mình, thay vì chỉ dừng ở những tuyên bố chung chung là theo đuổi chính sách đã rất thành công của chính quyền tiền nhiệm do Tổng thống Lula da Silva đứng đầu.
Điểm lại sách lược tranh cử của hai ứng cử viên hàng đầu, có thể nhận thấy tương đối rõ nét những điểm tương đồng và khác biệt. Về ổn định kinh tế, cả ông Serra và bà Rousseff đều cam kết sẽ duy trì các chính sách thị trường hiệu quả của chính quyền Lula da Silva, được coi là nhân tố quan trong làm nên sự ổn định kinh tế của Brazil trong một thập kỷ qua: đó là thả nổi tiền tệ, kiểm soát lạm phát và siết chặt kỷ luật ngân sách. Về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, bà Rousseff ủng hộ một thể chế nhà nước mạnh trong các ngành then chốt như ngân hàng, dầu mỏ, năng lượng cũng như khai khoáng. Trong khi đó, ông Serra theo đuổi một chính phủ mạnh và hoạt động hiệu quả cũng như các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Tuy nhiên, chính khách này cũng tuyên bố sẽ mở rộng quá trình tư nhân hóa một cách có chọn lọc và sẽ không sử dụng nguồn quỹ của nước trong tiến trình này. Ông cũng đề xuất các chính sách phát triển ngành công nghiệp nội địa và thúc đẩy bảo hộ thương mại trước các hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.
Liên quan chính sách đối ngoại, hai ứng cử viên thể hiện quan điểm hoàn toàn trái ngược. Trong khi ông Serra chỉ trích chính quyền Lula da Silva đã quá kết thân với các chính phủ cánh tả của Mỹ Latin và Iran, thì bà Rousseff lại ủng hộ các mục tiêu đối ngoại hiện nay của Brasilia. Ông cũng kêu gọi tiến hành một cuộc cải tổ rộng lớn trong khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và thúc đẩy các thỏa thuận tự do thương mại song phương. Bà Rousseff khẳng định tiếp tục theo đuổi các mục tiêu của Brazil trong lĩnh vực đối ngoại, tăng cường hội nhập khu vực và đấu tranh vì tiếng nói có trọng lượng hơn của các nước đang phát triển tại các tổ chức thế giới. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh vẫn sẽ đặt ưu tiên cho các vấn đề trong nước.
Bàn về nhân tố Lula da Silva trong cuộc bầu cử này, giới phân tích tại chỗ khẳng định bỏ phiếu cho bà Rousseff, cử tri Brazil cũng đồng thời bỏ phiếu cho vị tổng thống dân túy và tả khuynh này, bày tỏ sự ủng hộ đối với liên minh cầm quyền hiện tại và mong muốn một sự kế tục và chuyển giao quyền lực gọn ghẽ.
Trong 8 năm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Lula da Silva, xứ sở của những vũ điệu samba bốc lửa đã đạt những thành tựu kinh tế - xã hội đáng nể và vị thế trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. 22 triệu người Brazil đã thoát khỏi cảnh nghèo đói, 31 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, và những chính sách trợ giúp của chính phủ trong các lĩnh vực lương thực, y tế, xây dựng, phát triển nông nghiệp hộ gia đình đã làm lợi cho hàng triệu người tại quốc gia đông dân này. Nền kinh tế Brazil liên tục đạt mức tăng trưởng 5%/năm trong 8 năm qua (trừ năm 2009), và là một trong những nước ít bị tác động và phục hồi nhanh nhất sau những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tỷ lệ thất nghiệp trong nước hiện ở mức thấp nhất từ trước tới nay (6,2%). Ngoài ra, quốc gia Nam Mỹ này còn đứng vào hàng ngũ 10 nước có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới sau những phát hiện gây chấn động của công ty Nhà nước Petrobrás tại vùng biển sâu phía Nam Đại Tây Dương. Brazil còn được nhiều nhà kinh tế mệnh danh là “nông trại của thế giới” với tổng sản lượng lương thực lên tới 150 triệu tấn, tăng 87% so với một thập kỷ trước.
Marcelo Neri, nhà kinh tế tại Getulio Vargas Foundation, nhận định 8 năm qua thực sự là kỷ nguyên vàng đối với Brazil. Sự bất bình đẳng trong xã hội đã bị xóa bỏ, các mức lương đều tăng và người dân đều hài lòng. Vậy nên không có lý do gì người dân Brazil quay lưng với đại diện của đảng cầm quyền và một chiến thắng cho bà Rousseff sẽ là sự tiếp nối hoàn hảo!