Vào đầu tháng 5, nhiều trường đại học ồ ạt thông báo áp dụng khung học phí mới Nghị định 81 từ năm học 2022-2023, có những ngành học tăng từ 12-13 triệu đồng so với năm học trước. Trong đó, khối trường tự chủ và trường Y dược tăng mạnh từ 30% đến 70% mức học phí. Ví dụ như Trường Đại học Y Hà Nội, mức tăng học phí cao nhất là 1,7 lần so với năm trước.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số trường đại học bất ngờ dừng tăng học phí. Cụ thể, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa quyết định dừng tăng học phí năm học 2022 - 2023.
Trước đó vào tháng 6.2022, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông báo mức học phí dự kiến năm học 2022-2023 đối với khóa nhập học năm 2022 (K67). Con số này có sự tăng nhẹ so với mức học phí của khóa nhập học năm 2021 (K66).
Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường dừng tăng học phí để chờ quyết định chính thức của Chính phủ và Bộ GD-ĐT về việc có tiếp tục thực hiện Nghị định 81 hay không?
Học phí đợt 1 của học kỳ 1 năm học 2022 - 2023 hiện nay chỉ là học phí tạm thu. Năm học này các trường đại học công lập chưa thực hiện thu học phí theo Nghị định 81, nghĩa là chưa tăng, giữ ổn định như năm 2021.
Theo ông Điền, hàng năm sinh viên đăng ký khối lượng học tập khá lớn khoảng 40 tín chỉ trong 2 học kỳ chính. Khối lượng học tập này tương đương với khoảng 20 triệu đồng/năm học đối với sinh viên học theo một số chương trình chuẩn có mức học phí thấp nhất.
Ngoài ra, một số trường ĐH khác như trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM cũng thông báo tạm ngừng kế hoạch tăng học phí năm học 2022 – 2023. Theo đó, Trường sẽ giữ nguyên mức học phí như năm học 2021-2022. Học phí với chương trình đào tạo đại trà 354.000 đồng/tín chỉ và chương trình chất lượng cao 770.000 đồng/tín chỉ. Với những sinh viên đã đóng học phí theo mức học phí mới, trường sẽ trừ phần chênh lệch vào đợt học phí ở học kỳ tiếp theo.
Thông báo nhà trường cho biết, việc tạm dừng tăng học phí nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kết luận tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023.
Trường ĐH Nha Trang cũng điều chỉnh lại khung học phí năm học 2022 - 2023, tạm thời chưa áp dụng khung học phí mới theo Nghị định 81, giữ ổn định mức thu như năm 2021. Học phí được tính theo tín chỉ với mức 220.000 - 370.000 đồng/tín chỉ tùy theo môn học.
Còn tại trường ĐH Kinh tế quốc dân đơn vị thuộc nhóm trường tự chủ hoàn toàn, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường tiếp tục giữ ổn định học phí để thực hiện trách nhiệm xã hội sau hai năm đại dịch. Mức thu học phí của trường ĐH Kinh tế quốc dân từ 16 – 22 triệu đồng/năm. Với chương trình đặc thù, học phí nhà trường là 45 – 65 triệu đồng/năm.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục đại học vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
"Bộ GD- ĐT đã trình một vài phương án, nhưng khả năng cao chủ trương của Chính phủ là giữ ổn định mức học phí như năm 2021. Tinh thần chỉ đạo là hệ thống giáo dục cần chia sẻ với người dân và xã hội trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Chia sẻ với phóng viên bên lề hội nghị, GS.TS Chử Đức Trình, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, năm 2022 là năm đầu tiên trường ĐH Công nghệ thực hiện tự chủ theo tài chính chi thường xuyên. Khó khăn ban đầu là kinh phí của nhà trường bị sụt giảm. Theo quy định, trường có thể tăng học phí nhưng chỉ tăng ở sinh viên những năm tới. Như vậy, năm nay, tổng kinh phí hoạt động của trường khó khăn hơn năm trước.
Tuân thủ mức trần học phí do Nhà nước quy định
Theo quy định, các trường đại học công lập được giao tự chủ nhưng phải tuân thủ mức trần học phí do Nhà nước quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015- 2016 đến năm học 2020-2021.
Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ- CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo thay thế cho Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.
Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định rõ mức thu đối với các cơ sở GDĐH công lập theo mức độ tự chủ cụ thể tại Điều 11, phân loại việc tính mức trần học phí theo các mức độ tự chủ: (1) Cơ sở GDĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, (2) cơ sở GDĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và (3) cơ sở GDĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Đối với các chương trình đào tạo của cơ sở GDĐH công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ GDĐT quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, cơ sở GDĐH đượctựxácđịnhmứcthuhọcphícủachươngtrìnhđótrêncơsởđịnhmứckinhtế-kỹthuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.
Đối với các cơ sở GDĐH tư thục, dân lập, cơ sở tự quyết định việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản theo Luật Doanh nghiệp; định kỳ kê khai thuế và thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế địa phương.
Đối với các cơ sở GDĐH công lập, cơ chế tự chủ tài chính được áp dụng như đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác nói chung.
Đồng thời theo phân cấp quản lý ngân sách tại Luật Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì ban hành các quy định về quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế, định giá tài sản và công khai tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, trong đó có cơ sở GDĐH; các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm quản lý tài chính, tài sản đối với các cơ sở GDĐH trực thuộc.
Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm quản lý tài chính, tài sản đối với các trường đại học trực thuộc theo phân cấp, hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Các trường thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và hiện nay là Nghị định số 60/2021/NĐ-CP tương tự như các đơn vị sự nghiệp công lập khác, không có sự phân biệt.
Ngoài ra, các cơ sở GDĐH còn phải thực hiện công khai báo cáo tài chính hàng năm và nội dung khác theo quy định của Bộ GD-ĐT tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT để đảm bảo công khai, minh bạch, gắn với trách nhiệm giải trình.