Thế giới 24h

Vì sao Tổng thống Donald Trump bất ngờ thay đổi thái độ với Trung Quốc?

Quỳnh Vũ 18/07/2025 16:43

Sáu tháng sau khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông Donald Trump đã bất ngờ thay đổi thái độ cứng rắn từng dùng với Trung Quốc. Thay vào đó, ông đang tích cực tìm cách nối lại hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình và đạt được một thỏa thuận thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo tiết lộ từ những người nắm rõ nội tình.

Từ gay gắt tới hòa nhã

Khác xa với chiến dịch tranh cử gay gắt từng công kích mạnh mẽ thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc và hệ quả là hàng triệu việc làm bị mất đi ở Mỹ, ông Trump giờ đây chọn cách tiếp cận mềm mỏng hơn. Trong khi ông không ngần ngại đe dọa các đối tác thương mại khác bằng những mức thuế khủng, thì với Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ lại tỏ ra hòa nhã, tìm kiếm những thắng lợi nhanh chóng qua các hợp đồng mua bán, tương tự như chiến lược mà ông từng áp dụng trong nhiệm kỳ đầu.

z6817404984343_517949a255363c91b1aa22a083b2b007.jpg
Nguồn: BBC

Hôm 16/7, ông Trump tuyên bố sẽ “đối đầu với Trung Quốc theo cách rất thân thiện”. Trong các cuộc họp kín với cố vấn, ông thường trở thành nhân vật “ôn hòa” trong số những tiếng nói về Trung Quốc - một điều hiếm thấy.

Giới chức trong chính quyền và một số cố vấn bên ngoài bắt đầu tỏ ra lo ngại khi ông Trump dường như sẵn sàng thương lượng cả những “lằn ranh đỏ” trước đây trong chính sách với Trung Quốc. Một trong những động thái gây tranh cãi gần đây là việc cho phép Nvidia tiếp tục bán loại chip H20 phiên bản ít tiên tiến hơn cho Trung Quốc, dù trước đó nhiều quan chức cấp cao khẳng định điều này “không có trong bàn đàm phán”.

Trong khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent từng nêu việc kiểm soát chip H20 như bằng chứng cho thấy Chính phủ âm thầm đảo chiều, châm ngòi tranh cãi trong nội bộ.

Một số quan chức phản đối quyết định cấp phép cho rằng, điều đó chỉ giúp các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc thêm mạnh. Nhưng phe ủng hộ, dẫn đầu bởi CEO Nvidia Jensen Huang lập luận rằng, việc cho phép cạnh tranh trực tiếp với Huawei trên “sân nhà” là cần thiết nếu Mỹ muốn thắng trong cuộc đua AI. Quan điểm này dần chiếm ưu thế trong chính quyền, theo các nguồn tin từ Bloomberg.

Người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai khẳng định: “Tổng thống luôn là người đưa ra quyết định cuối cùng về mọi vấn đề thương mại. Ông ấy đã và đang đấu tranh để đảm bảo sân chơi công bằng cho người lao động và các ngành công nghiệp Mỹ”.

Một động thái xoa dịu khác là việc chính quyền Mỹ đang cân nhắc trì hoãn thời hạn ngày 12/8, khi mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc dự kiến tăng trở lại lên 145% sau khi hết hiệu lực tạm hoãn 90 ngày. Bộ trưởng Bessent cũng ám chỉ rằng thời hạn này có thể kéo dài thêm ba tháng.

Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn không ngần ngại áp thuế mới lên nhiều quốc gia, bao gồm cả các đồng minh, đồng thời đe dọa hành động tiếp theo trong các lĩnh vực như dược phẩm và bán dẫn.

Kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuần trước cho biết, khả năng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình là “rất cao”, sau cuộc gặp “xây dựng và tích cực” với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Washington. Điều đáng nói, ông Rubio từng là một trong những nhân vật chống Trung Quốc quyết liệt nhất tại Thượng viện.

Dù vậy, trong chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn tồn tại chia rẽ gay gắt. Một số thành viên đội ngũ thương mại khăng khăng giữ lập trường cứng rắn, thậm chí cam kết rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ “không bao giờ” bị đưa vào bàn đàm phán.

Nhưng thực tế lại khác. Trong các cuộc đàm phán tại London hồi tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick công khai thừa nhận rằng một số hạn chế thương mại, vốn được viện dẫn vì lý do an ninh quốc gia, thật ra nhằm “gây khó chịu” cho Bắc Kinh. Tuần này, ông cùng Bộ trưởng Tài chính Bessent và “Sa hoàng AI và bitcoin” David Sacks thừa nhận rằng, việc cho phép bán chip H20 cũng là một phần của thương lượng thương mại. “Chúng ta cần bán cho Trung Quốc đủ nhiều để các nhà phát triển nước này “nghiện” hệ sinh thái công nghệ Mỹ”, ông Lutnick phát biểu trên CNBC hôm 15/7.

Ai đang nắm đằng chuôi?

Tình hình đang được các đồng minh châu Á và châu Âu của Mỹ theo dõi sát sao. Giới chức Chính phủ và doanh nghiệp tại các khu vực này giờ đây hiểu rằng chính sách của Washington luôn có thể đảo ngược một cách bất ngờ.

Nhiều quan chức ngành công nghệ Mỹ, từng tham gia thảo luận chính sách với chính quyền Tổng thống Donald Trump tiết lộ rằng, họ thường rời các cuộc họp với cảm giác mơ hồ vì mục tiêu then chốt thường xuyên bị thay đổi.

Một ví dụ là các biện pháp hạn chế phần mềm thiết kế chip bán cho Trung Quốc được áp vào tháng 5 nhưng rồi nhanh chóng bị rút lại. Cả quyết định về chip H20 cũng được giữ kín, khiến nhiều văn phòng trong chính quyền không hề hay biết.

Một số biện pháp cứng rắn khác như trừng phạt các tập đoàn chip Trung Quốc hay siết hoạt động của công ty con tại nước ngoài cũng bị trì hoãn để ưu tiên đàm phán thương mại.

Tuy nhiên, không phải bây giờ người ta mới phải lo lắng đến tính bất định trong các chính sách của Tổng thống Trump. Trong nhiệm kỳ trước, ông từng bất ngờ gỡ bỏ lệnh trừng phạt với ZTE theo đề nghị cá nhân từ ông Tập Cận Bình.

“Tổng thống Trump đang nhắm đến một thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng điều đó có thể chỉ kéo dài ngắn ngủi”, chuyên gia Trung Quốc Derek Scissors từ Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) nhận định. “Nếu thâm hụt thương mại kỷ lục được công bố vào cuối năm nay, mọi thỏa thuận có thể sẽ bị đảo ngược, kể cả với Trung Quốc”.

Trong khi đó, Bắc Kinh không giấu tham vọng giành lợi thế. Tại London, các quan chức Mỹ bị bất ngờ bởi thái độ “tự tin quá mức” của phía Trung Quốc - dấu hiệu cho thấy nước này tin họ đang nắm đằng chuôi.

Vũ khí trong tay Trung Quốc không chỉ là đất hiếm - nguyên liệu sống còn cho chuỗi cung ứng công nghệ cao của Mỹ, mà còn là quy định ép các doanh nghiệp nước ngoài phải nộp dữ liệu nhạy cảm và gia hạn giấy phép xuất khẩu đất hiếm mỗi sáu tháng. Với lợi thế này, Bắc Kinh đang chờ xem Tổng thống Trump sẽ sẵn sàng nhượng bộ đến đâu để đạt được một cái bắt tay với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo CNBC
Copy Link
    Nổi bật
        Mới nhất
        Vì sao Tổng thống Donald Trump bất ngờ thay đổi thái độ với Trung Quốc?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO