Vì sao thơ khó hơn văn?

Ngọc Phương 04/02/2023 17:00

Thơ đăng tải trên mạng xã hội được nhiều người yêu thích, nhưng khi xuất bản, thơ khó hơn phát hành văn xuôi. Thực tế này là điều mà nhiều tác giả phải đối mặt khi dành trọn đam mê với nghệ thuật thi ca.

Thơ thường là "lựa chọn cuối cùng"

Sẻ chia với bạn với ta/ Từ thơ đến sách thật là khó khăn/ Vì sao thơ khó hơn văn?/ Con đường thi sĩ nhọc nhằn trông gai… - chia sẻ của nhà thơ Phố Hoa trước thềm Hội thơ tháng Giêng “Nhịp điệu mới” phần nào phản ánh thực tế phát hành thơ hiện nay.

Tác giả tập thơ Hà Nội bốn mùa yêu, Mình về thương lấy nhau thôi và nhiều bài thơ, tản văn chia sẻ: “Cùng là văn chương, nhưng xuất bản thơ thật khó khăn. Dù thơ đăng tải trên mạng xã hội được nhiều người yêu thích, có nhiều lượt share, like, nhưng khi xuất bản thơ lại khó bán, dù giá chỉ hơn 1 cốc trà sữa! Đứng trước gian hàng sách, độc giả sẽ chọn tiểu thuyết, tản văn… và thơ thường là lựa chọn cuối cùng. Do đó, hiện nay, tác giả bán bản quyền xuất bản thơ cũng như thuyết phục nhà xuất bản đầu tư ấn hành thơ rất khó”.

Gian nan từ Thơ đến Sách -0
Từ thơ đến sách là chặng đường khó khăn mà nhiều tác giả phải đối mặt

“Cơm áo không đùa với khách thơ” đã tồn tại từ lâu. Sự thờ ơ của độc giả với sách thơ khiến nhiều tác giả có lúc nản lòng, không muốn viết, vì viết nhiều cũng không xuất bản được. Tuy nhiên, nữ thi sĩ Phố Hoa bày tỏ, chị và nhiều nhà thơ khác vẫn làm nhiều việc để nuôi niềm đam mê văn chương, bởi “Yêu rồi, đâu quản đúng - sai”, “Hữu duyên trọn một chặng đường thi ca”.

Nhà thơ Đào Phi Cường, đồng quản trị Diễn đàn văn chương Quán Chiêu Văn, tác giả của các tập thơ đầy cảm xúc như Ru đêm, Tạ Từ, Tuyển tập thơ văn Trăng muộn cũng cho biết, với anh và nhiều tác giả khác, nghề viết không phải nghề chính, mà chỉ viết khi có cảm xúc, để thỏa đam mê…

Hiện nay, Diễn đàn văn chương Quán Chiêu Văn quy tụ nhà văn, nhà thơ chuyên và không chuyên, động viên những người đam mê viết và nhận được sự hưởng ứng của nhiều tác giả. Mỗi ngày có khoảng 200 bài gửi tới, những bài chất lượng tốt nhất được Diễn đàn tuyển chọn giới thiệu. Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng tổ chức các cuộc thi viết, có giải động viên.

Và không chỉ dừng lại ở đó, muốn đưa văn chương của các tác giả đến bạn đọc, sau mỗi cuộc thi, Quán Chiêu Văn đều đỡ đầu cho các cuốn sách được xuất bản. Nhiều tác giả rất vui khi có mặt trong một trang sách, cuốn sách, và cũng là động lực cho họ viết khi sách được bạn đọc yêu mến…

“Tôi sống bằng thơ, thơ làm cuộc sống của tôi trọn vẹn hơn, vì vậy, thơ nuôi tôi” - nhà thơ Băng Ngọc, tác giả tập thơ Dấu vết thiên di bày tỏ. Cô cho rằng, trách nhiệm của người viết là nuôi dưỡng tâm hồn nhạy cảm, viết ra và kết nối với người đọc. Không nhất thiết người yêu thơ phải viết thơ. Nhưng nếu mỗi người đều có cuộc sống thơ và đề cao giá trị thơ trong cuộc sống của mình, các tác giả và nhà xuất bản sẽ không lo xuất bản ra không có bạn đọc. Tuy nhiên, đáng lo là ngày càng ít người đọc thơ…

Tuy nhiên, tác giả trẻ Băng Ngọc cũng cho rằng, việc xuất bản giúp các tác giả có đứa con tinh thần hình hài trọn vẹn. Song họ cứ sống trọn với đam mê và sáng tạo, viết những bài thơ đáp ứng cảm xúc của mình, hy vọng những bài thơ ấy sẽ sống lâu hơn mình. Còn phát hành sách là công việc của các đơn vị xuất bản. Nữ nhà thơ trẻ cho biết rất ít khi tặng thơ và không đồng ý với việc tặng thơ, bởi các tác giả làm thơ đã là món quà tặng mọi người…

Ước mơ sách thơ bán được vài chục nghìn bản

Với kinh nghiệm 20 năm trong nghề và đặc biệt quan tâm tới văn học trẻ, trong đó có thơ trẻ, Giám đốc Công ty Sách và Truyền thông Việt Nam (Tri Thức Trẻ Books) Đỗ Kim Cơ cho biết, thời gian qua, Tri Thức Trẻ Books đã phối hợp với nhiều tác giả in sách thơ. “Trong thị trường xuất bản sôi động, nhiều sách, lựa chọn của độc giả với các thể loại, tác phẩm nhiều màu sắc. Nhưng tôi vô cùng kỳ vọng vào sách thơ và mong muốn thời gian tới sẽ có những cuốn sách thơ bán được vài chục nghìn bản. Ước mơ đó không quá xa thực tế. Điều chúng ta cần làm là xây dựng được hệ sinh thái, từ đó đem lại cho tác giả, đơn vị xuất bản nhiều cơ hội đưa thơ đến với độc giả”.

Gian nan từ Thơ đến Sách -0
Cần xây dựng cộng đồng thơ ca có chất lượng, có người viết thơ, bình thơ, phân tích thơ, đọc thơ

Với sự phát triển của công nghệ và truyền thông, thời gian gần đây đã có nhiều diễn đàn của các nhà thơ chuyên và không chuyên, các nhóm yêu thơ… Theo tác giả Băng Ngọc, với cộng đồng yêu thơ văn như ở Việt Nam, quá nhiều người viết. Nhưng nhà thơ cần có môi trường tiếp xúc, trao đổi thơ văn, có cộng đồng có khả năng đánh giá thơ công tâm, chất lượng, từ đó là căn cứ thấy thơ của mình đang ở mức nào.

“Hiện tại khá ít đơn vị, tổ chức, nhà phê bình đánh giá, thẩm định thơ, văn, đưa chúng đến độc giả... Tôi muốn xung quanh có nhiều nhà thơ, nhiều người đọc, thì thơ mới có cơ hội phát triển. Thơ ca rất lãng mạn và trừu tượng, nhưng lại cần xây dựng cộng đồng thơ ca có chất lượng, có người viết thơ, bình thơ, phân tích thơ, đọc thơ” - Băng Ngọc nói.

Nhà thơ Phố Hoa cho biết: “Với người có quãng thời gian sáng tác dài, có nhiều người hâm mộ, có thể tự tin xuất bản được, vì độc giả sẵn sàng bỏ tiền ra mua sách thơ… Nhà thơ dù bay bổng nhưng vẫn phải thực tế. Trên cương vị của người viết, tôi chỉ mong muốn trải nghiệm cuộc sống, nuôi dưỡng cảm xúc để viết thành tác phẩm, và không phải suy nghĩ làm sao bán được sách. Nhưng trong cuộc sống hiện tại, nghệ sĩ cũng phải vận động, từ cảm xúc đến viết ra tác phẩm đã khó, nhưng từ tác phẩm đến sách, việc quảng bá vô cùng quan trọng. Hiện nay tận dụng các nền tảng số, tác giả có thể giới thiệu tác phẩm của mình đến công chúng. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là thơ của họ phải chạm đến trái tim, cảm xúc của độc giả, để độc giả đồng cảm, yêu thích và mua sách”.

Gian nan từ Thơ đến Sách -0
Một góc không gian Ký ức thơ

Sau 20 lần được tổ chức ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, Ngày Thơ Việt Nam vào Nguyên tiêu Xuân Quý Mão 2023 lần đầu tiên được tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Thi ca trong sáng tạo, đời sống, công việc, ý chí, khát khao của người Việt Nam đã tạo nhịp điệu mới trong đời sống. Chính vì thế, ngày thơ chọn chủ đề “Nhịp điệu mới” nhằm phản ánh sức sống mới của xã hội”.

Toàn bộ không gian của Hoàng thành Thăng Long trở thành một “cõi thơ”, với cổng thơ để đón khách thơ, người thơ, có đường thơ, nhà Ký ức thơ của Bảo tàng Văn học Việt Nam, đường sách thơ…

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vì sao thơ khó hơn văn?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO