Vì sao thị trường nghệ thuật Ấn Độ chưa bùng nổ?

Hà Nguyên
Theo BBC
10/04/2014 08:33

Số lượng người giàu mới nổi ở Ấn Độ khá lớn nhưng đối lập với Trung Quốc, họ không có xu hướng đầu tư (hay quan tâm) đến nghệ thuật.

 

Bên ngoài ngôi nhà của cặp vợ chồng sưu tầm nghệ thuật Shalini và Sanjay Passi ở quận Golf Links, New Delhi, Ấn Độ, là bức tượng Phật mạ vàng. Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Subodh Gupta, người được mệnh danh là “Damien Hirst của Ấn Độ”. Tháng 1 vừa qua, tại đây đã diễn ra bữa tiệc do Viscount Linley - con trai em gái Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Chủ tịch hãng đấu giá nổi tiếng Christie’s tổ chức. Ngôi nhà được chọn để tổ chức bữa tiệc bởi nó là không gian nghệ thuật lý tưởng cho các cuộc gặp gỡ của người yêu nghệ thuật, với rất nhiều tượng, tranh của Gupta và MF Husain; mỗi phòng trong căn nhà đều được trang bị màn hình để chiếu video nghệ thuật khi cần thiết. Vợ chồng Shalini Passi đang sở hữu mô hình kinh doanh, hoạt động nghệ thuật phổ biến nhất tại Ấn Độ hiện nay, nhưng họ thuộc số ít người giàu mới nổi của nước này chơi nghệ thuật.

Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ được coi là thị trường nghệ thuật lớn của thế giới. Dân số lớn ngang nhau, số người giàu mới nổi cũng nhiều và ai cũng muốn trưng ra biểu tượng cho thành công của mình. Tuy nhiên, thị trường nghệ thuật ở hai nước hoàn toàn khác nhau. Thị trường  Ấn Độ mỗi năm thu về chính thức 40 triệu USD, ngay cả khi thực tế gấp đôi vì còn những giao dịch không thống kê được, nhưng so với Trung Quốc không thấm vào đâu. Các cuộc đấu giá nghệ thuật ở Trung Quốc năm 2013 đạt tới 3,51 tỷ USD. Tại sao có sự khác biệt như vậy giữa hai nước? Kiran Nadar - nhà sưu tầm nghệ thuật hàng đầu  Ấn Độ, cũng chính là người đã tự bỏ vốn xây dựng một bảo tàng nghệ thuật tư nhân - nhận xét: “Chính phủ Ấn Độ không quan tâm đến văn hóa. Tôi phải trả thuế khi nhập bất kỳ thứ gì cho bảo tàng, mặc dù nó là phi lợi nhuận. Trong khi đó, phí vào cửa thu được rất ít, vì khách đến thăm bảo tàng không nhiều, khoảng 3.000 lượt/tháng, chỉ bằng một nửa kỳ vọng của chúng tôi”. Ở Trung Quốc hoàn toàn ngược lại. Chính phủ nước này xác định phát triển nghệ thuật, văn hóa như là quyền lực mềm. Trung Quốc tuyên bố, văn hóa là ngành công nghiệp trụ cột và phấn đấu đem về 5% GDP. Hiện ở Trung Quốc có hơn 3.500 bảo tàng, trong đó 535 bảo tàng thuộc quyền sở hữu tư nhân, đáng chú ý là giữa thế kỷ XX, nước này gần như không có bảo tàng nào. Chính phủ miễn phí thuê mặt bằng cho tất cả bảo tàng.

Trở lại với thực trạng thị trường nghệ thuật Ấn Độ, các đơn vị nghệ thuật tư nhân nói chung và bảo tàng nghệ thuật tư nhân nói riêng như Bảo tàng Nadar hay Devi Art Foundation (được thành lập từ nhóm sưu tầm nghệ thuật Lekha và Anupam Poddar) gần như chẳng nhận được trợ giúp gì (cả về vật chất và tinh thần) từ Chính phủ. Giám đốc Hội chợ Nghệ thuật Ấn Độ Neha Kirpal lý giải: “Chính phủ Ấn Độ còn đang ngập lụt trong các vấn đề (khó khăn) về kinh tế và xã hội”. Không chỉ vậy, quan liêu và hàng loạt vấn đề được coi là rào cản cho sự phát triển của nghệ thuật Ấn Độ. Peter Nagy, một người buôn tranh ở Mumbai bức xúc: “Đến đi tắm ở đây bạn cũng cần visa”. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu nghệ thuật là 15%. Khi các tác phẩm nghệ thuật này vì lý do nào đó không bán được, phải mang về thì lại phải làm thủ tục xuất khẩu, thông thường mất khoảng một tháng. Với các phòng trưng bày nhỏ thì chính sách xuất - nhập này là “kẻ giết người tàn bạo”. Trung Quốc cũng áp thuế cao đối với nghệ thuật nhập khẩu, 24%, nhưng họ có riêng khu vực tự do thương mại ở Thượng Hải lại khuyến khích nghệ thuật phát triển.

Shireen Gandhy, chủ gallery trên đường Chemould Prescott cho biết: “Trước đây, gallery chủ yếu bán tranh cho người trong nước nhưng thời gian tới có thể sẽ thay đổi”. Trên 60% doanh số bán ra của Chemould Prescott bây giờ là cho người nước ngoài. Đây là tình hình chung của các gallery ở Ấn Độ. Doanh số bán ra cho khách hàng nước ngoài của gallery Experimenter cũng lên tới 70%.

Theo sáng kiến của Sotheby’s và Christie’s, tại Hội chợ Nghệ thuật Ấn Độ tổ chức tháng 12.2013, lần đầu tiên thực hiện hình thức mua trực tiếp, khuyến khích đáng kể các nhà sưu tầm nghệ thuật mua hàng. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế và nghệ thuật, Ấn Độ không phải thị trường phát triển, văn hóa đương đại còn quá mới mẻ. Sự bùng nổ của bong bóng nghệ thuật tại đất nước này năm 2008 thực sự chẳng thể giúp gì. Kishore Singh (gallery Delhi Art) cho rằng: “Giá (tác phẩm) giảm đến 70%, gần như toàn bộ một thế hệ nghệ sỹ Ấn Độ đã biến mất trong thế giới thương mại”.

Philip Dodd, chủ hãng Made in Chinalạc, chuyên tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa cho biết: “Ở Trung Quốc, hơn 100 người có thể mua tác phẩm nghệ thuật giá trên 1 triệu USD, còn với những tác phẩm nghệ thuật cổ điển, họ (có truyền thống) trả giá cực cao”. Philip Dodd đến Hội chợ Delhi lần này cùng 17 khách Trung Quốc, trong đó có nghệ sỹ Zhou Tiehai và nhà sưu tầm nghệ thuật Budi Tek. Philip Dodd cũng dự định sẽ đưa một đoàn nhà sưu tầm nghệ thuật Ấn Độ sang tham quan Trung Quốc, nhưng trở ngại là, “hầu hết nhà sưu tầm nghệ thuật ở đây sẽ ngạc nhiên khi bạn nói một tác phẩm của Neo Rauch (họa sỹ lừng danh người Đức) bán được 1 triệu USD tại Zwirner (gallery nổi tiếng ở New York và London). Họ sẽ hỏi Neo Rauch, Zwirner là ai?”

Mặc dù vậy, Sandy Angus - đồng tổ chức Hội chợ Nghệ thuật Ấn Độ - vẫn lạc quan: “So với Trung Quốc, thị trường Ấn Độ có nhiều nhà sưu tầm nghệ thuật tiềm năng nhưng cần có nhiều thời gian để biến tiềm năng thành sự thực”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vì sao thị trường nghệ thuật Ấn Độ chưa bùng nổ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO