Trước khi bắt đầu phần trả lời chất vấn trực tiếp với Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đã có 120 đại biểu đăng ký chất vấn, số lượng cao nhất trong số 3 Bộ trưởng trả lời chất vấn.
Cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với doanh nghiệp
Mở đầu phiên chất vấn, ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nêu vấn đề về phát triển thị trường khoa học công nghệ. Từ năm 2011 đến nay, bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã ban hành, cụ thể là 4 Luật, 6 Nghị định và 12 thông tư. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Mặc dù vậy, thị trường khoa học công nghệ Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam vẫn chưa phát triển? Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện giải pháp căn cơ nào để phát triển thị trường này?
Thừa nhận thực tế đại biểu nêu là đúng, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều Thông tư, nhiều quy định để thúc đẩy hoạt động, phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Nhiều công nghệ mới, tiên tiến được ứng dụng triển khai trong các ngành y tế, viễn thông, xây dựng, giao thông vận tải. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Những kết quả này là sự cố gắng từ các cơ quan lãnh đạo, của Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy và khó tiếp cận đối với các doanh nghiệp. Các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật hạn chế, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến.
Chỉ rõ những hạn chế nêu trên, Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn. Thúc đẩy Chương trình tìm kiếm, chuyển giao và làm chủ, phát triển khoa học và công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta. "Đây là giải pháp căn cơ nhất và là Chương trình quốc gia được Chính phủ ban hành, Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm triển khai thực hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Không phải lúc nào đề tài nghiên cứu cũng có kết quả
Quan tâm đến vấn đề hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ, ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) nêu vấn đề, kết quả nghiên cứu khoa học đưa vào sản xuất kinh doanh luôn tồn tại rủi ro, các sản phẩm thường khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Việc sử dụng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo dễ vi phạm các quy định của pháp luật về tài chính và đầu tư.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm, giải pháp như thế nào để giải quyết vấn đề tương quan của các chính sách, pháp luật có liên quan để khuyến khích phát triển được nhiều phát minh, sáng chế từ các công trình khoa học nghiên cứu trong nước" - đại biểu Nguyễn Duy Minh hỏi.
Hoạt động khoa học có tính đặc thù, bản chất của nghiên cứu là đi tìm những cái mới, nên có thể thành công, có thể thất bại, có thể thành công sớm hoặc thành công muộn. Chỉ ra đặc thù này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đưa vào ứng dụng là "rất khó xác định". Quan trọng, theo Bộ trưởng, là xác định được kết quả đó có phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học và đội ngũ nghiên cứu khoa học, đóng góp vào uy tín của các viện nghiên cứu và các trường đại học hay không.
Vừa qua, kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao mức xếp hạng của các trường đại học nước ta trong khu vực và quốc tế; có 9 trường đại học của nước ta đã xuất hiện trên "bản đồ" xếp hạng thế giới, trong đó có kết quả rất đáng khích lệ của ngành khoa học công nghệ, Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ, các đề tài nghiên cứu thường có rủi ro, có độ trễ, và không phải lúc nào cũng có kết quả. Chúng ta cũng có thể chuyển giao, đưa vào ứng dụng ngay, nhưng công tác chuyển giao, thương mại hóa, đưa vào ứng dụng không phải nhiệm vụ chính của các nhà khoa học, mà đó là các đơn vị trung gian kết nối giữa các trường, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. Hiện nay Nhà nước đã tạo cơ chế, chính sách khuyến khích các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của nước ta được chuyển giao từ nhà trường, viện nghiên cứu ra ngoài xã hội.
Tất nhiên để làm được, theo Bộ trưởng, "phải tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách, trong đó có Nghị định 70 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước; Luật Sở hữu trí tuệ… Bộ sẽ kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội để có những điều chỉnh thích hợp về chính sách, tạo điều kiện chuyển giao khoa học công nghệ từ nhà trường, viện nghiên cứu ra ngoài xã hội".