Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, quy mô lực lượng lao động ngày càng tăng, nguồn cung được đảm bảo với trên 51,6 triệu người. Chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỉ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ rõ, thị trường lao động nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém, nhất là trước những "cú sốc" như đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những bất cập như: áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động; tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả…
Trước thực trạng trên, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội Đồng khoa học và Đào tạo - Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về vấn đề này.
Việt Nam sẽ phải đối mặt với cơ cấu dân số biến động rất mạnh
- Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (2022), tỷ lệ lao động Việt Nam có trình độ kỹ năng chuyên môn là chưa đến 30% và chỉ 10% người lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ chuyển đổi số, giáo sư nghĩ sao về đánh giá này?
- Số liệu trên cho thấy thách thức lớn đang đặt ra đối với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù nước ta vẫn đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khoảng 69%, nhưng đây chỉ là một lợi thế về số lượng nguồn nhân lực.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn luôn được biết đến với lợi thế nguồn lao động giá rẻ và dồi dào, với phương thức tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn và số lượng lao động, nhưng dư địa để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững với nguồn lực như vậy đã không còn nữa.
Để thực hiện được các mục tiêu thoát khỏi nước có mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao đến năm 2045, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của nước ta phải liên tục duy trì ở mức 6,5-7%/năm trong hơn 20 năm tới.
Đây là mẫu hình tăng trưởng chúng ta đã chưa làm được trong quá khứ và lịch sử cho thấy chỉ có một số ít nước thực hiện được, tức là vượt qua được “bẫy thu nhập trung bình”.
Muốn đạt được tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cao và liên tục như vậy, tăng trưởng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định. Lịch sử các học thuyết tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong những thập niên gần đây ngày càng sáng tỏ vai trò quyết định của nhân tố lao động, kỹ năng của người lao động trong việc gia tăng năng suất lao động.
Do vậy, hơn bao giờ hết “đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” sẽ là một trong những nhân tố quyết định chuyển hóa khát vọng phát triển của đất nước thành hiện thực.
- Giáo sư nhận định như thế nào về nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay?
- Có thể nhận định một cách tổng quát là nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay còn mất cân đối xét trên nhiều khía cạnh. Một số điểm đáng lưu ý bao gồm: về số lượng, nguồn nhân lực đang ngày càng tăng cùng với sự gia tăng của dân số, trung bình mỗi năm có khoảng 500 nghìn người gia nhập lực lượng lao động.
Mặc dù chỉ số vốn nhân lực (HCI) của Việt Nam có sự cải thiện trong thời gian qua, nhưng kỹ năng của lao động Việt Nam bị đánh giá còn nhiều hạn chế, với 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), chỉ cao hơn Indonesia, Lào và kém rất xa so với nhóm ASEAN-4.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, hầu hết chỉ tiêu về nhân lực của Việt Nam đều thấp, nếu so sánh với các nước ASEAN, gần như tất cả các chỉ số của Việt Nam chỉ vượt hơn được Campuchia. Do vậy, nguồn nhân lực Việt Nam được coi là “vừa thừa-vừa thiếu”, thừa về số lượng nhân công giá rẻ, nhưng lại thiếu lực lượng tay nghề chuyên môn cao.
Tiếp đến, cơ cấu lao động chưa hợp lý, cả về trình độ và về phân bố theo khu vực. Về cơ cấu trình độ là tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ " do lao động qua đào tạo đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ lớn nhất và gia tăng nhanh chóng, trong khi nền kinh tế thiếu trầm trọng đội ngũ lao động chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao đẳng và trung cấp.
Việc phân bố nguồn lao động chất lượng cao, có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng kinh tế. Khi xem xét nguồn gốc tăng trưởng năng suất lao động từ hai yếu tố là gia tăng năng suất lao động nội ngành và di chuyển lao động giữa các ngành, thực tế bất hợp lý về cơ cấu nói trên là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp so với các nước trong khu vực và tốc độ tăng trưởng năng suất lao động đanh có xu hướng chững lại.
Một điểm đáng lưu ý là từ nay đến năm 2035, Việt Nam sẽ phải đối mặt với cơ cấu dân số biến động rất mạnh: tỷ trọng dân số trên 65 tuổi sẽ tăng từ 6,7% năm 2015 lên 14,4% năm 2035, biến nước ta từ một xã hội dân số trẻ thành xã hội dân số già và số người trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm tuyệt đối ngay sau năm 2035.
Hệ quả của sự biến động dân số này làm cho một trong những động lực chính thức đẩy tăng trưởng thu nhập sẽ yếu đi, và càng đặt ra yêu cầu cao hơn phải tăng cường đầu tư chiều sâu cho vốn con người và các nhân tố đẩy mạnh tăng trưởng năng suất khác nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
- Vì sao phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam gặp nhiều hạn chế, thưa giáo sư?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế của nguồn nhân lực hiện nay. Trước hết, ở cấp độ vĩ mô, “đột phá” trong phát triển nguồn nhân lực chưa được thực hiện thông qua một chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia với hệ thống các chính sách, kế hoạch, chương trình hoạt động, bộ chỉ tiêu giám sát và đánh giá dựa trên những nguồn lực hiện có để đạt được cải thiện về cả số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực của quốc gia.
Rõ ràng là trong thời gian qua, chúng ta chưa có giải pháp “đột phá”, điều này thể hiện tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng lên với tốc độ rất chậm: năm 2011, tỷ lệ này là 15,4% thì đến năm 2020, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo mới chỉ đạt đến 24,1%, với tốc độ tăng bình quân trong giai đoạn chỉ tầm 5%/năm, nếu so sánh với các quốc gia ngay trong khu vực, thì tỷ lệ này ở Indonesia là 42%, ở Malaysia con số này lên đến 66,8% và hầu hết chỉ tiêu về nhân lực của Việt Nam đều thấp so với các nước trong khu vực.
Trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc CMCN 4.0 diễn ra nhanh và mạnh mẽ trên toàn thế giới, cần làm tốt hơn công tác dự báo nhu cầu lao động, xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới.
Chúng ta cần có những chính sách chuyên biệt trong việc đãi ngộ, nuôi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo trong nước và nước ngoài, thu hút và khuyến khích nguồn nhân lực trình độ cao từ các nước phát triển và du học sinh trở về để giải quyết các “bài toán” phát triển của Việt Nam.
Trên quan điểm cung – cầu lao động, thị trường lao động sẽ tự điều chỉnh dần theo thời gian để cân bằng thông qua mức tiền công, nhưng quá trình điều chỉnh này sẽ không phải tức thì vì liên quan đến thời gian đào tạo.
Trong một nền kinh tế với mức thu nhập đang ở mức trung bình thấp, người lao động gặp nhiều khó khăn về tài chính để đầu tư vào các chương trình đào tạo dài hạn, khi các doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư vào đào tạo nhân viên một cách cơ bản thì Chính phủ cần đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt khi lao động trong nền kinh tế hiện nay chủ yếu là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ở khu vực không chính thức.
Chính phủ vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng chiến lược, cung cấp thông tin đầy đủ cho người lao động về các xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động, nhưng trong kế hoạch thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân. Thị trường lao động cần được thiết kế linh hoạt hơn, cho phép người lao động có thể dễ dàng chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.
Khi đó, hai động lực của tăng trưởng năng suất lao động quốc gia là tăng năng suất lao động nội ngành và dịch chuyển lao động giữa các ngành sẽ tương tác với nhau để duy trì một tốc độ tăng trưởng năng suất nhanh và bền vững hơn.
Cần liên kết chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp
- Giải pháp đưa các doanh nghiệp vào đào tạo cùng với các trường đại học liệu có đạt hiệu quả, nâng cao kỹ năng cho nguồn lao động chất lượng cao?
- Hợp tác giữa Nhà trường - Doanh nghiệp để nâng cao chất lượng cũng đã được bàn nhiều. Trong những năm gần đây, vấn đề trường đại học "bắt tay" doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng được coi trọng với nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, vừa giúp sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay các yêu cầu của doanh nghiệp, giảm thiểu thời gian phải đào tạo thêm, đào tạo lại.
Việc doanh nghiệp cùng tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo và đánh giá người học, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, đưa sinh viên đến các doanh nghiệp thực tập và sử dụng sinh viên tốt nghiệp là bước đi cụ thể trong việc thực hiện triết lý giáo dục và khẳng định trách nhiệm của trường đại học đối với người học và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội.
Liên kết chặt chẽ hơn giữa trường đại học và doanh nghiệp chính là phương thức giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn, qua đó chỉ rõ trách nhiệm của các trường cũng như doanh nghiệp để quá trình liên kết này ngày càng đi vào thực chất và có hiệu quả.
Trường đại học cần dịch chuyển quá trình đào tạo từ tiếp cận nội dung sang đào tạo theo tiếp cận năng lực với định hướng đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong liên kết đào tạo giữa trường đại học và doanh nghiệp, trường đại học cần xác định vai trò là đơn vị chủ trì, doanh nghiệp đóng vai trò là đơn vị phối hợp, chịu trách nhiệm tham gia tổ chức, quản lí, phục vụ cho quá trình đào tạo, sử dụng sản phẩm đào tạo...
Sự liên kết chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp cần được thực hiện theo các cơ chế linh hoạt và mềm dẻo, mang lại lợi ích thiết thực, mang lại giá trị lâu dài cho các bên tham gia trên con đường hiện thực hóa triết lý “muốn đi xa thì đi cùng nhau”.
Chủ động đào tạo nguồn nhân lực về chuyển đổi số
- Vậy yêu cầu cốt lõi cho phát triển nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới nhằm thích ứng với cách mạng 4.0 như thế nào thưa giáo sư?
- Việt Nam được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số đến mức độ nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu nhân lực trong thời kỳ chuyển đổi số, và chính trên khía cạnh này chúng ta đang thua kém các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực.
Muốn thực sự nắm bắt được cơ hội phát triển từ quá trình chuyển đối số, việc chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng cho sự phát triển của nền kinh tế số thời gian tới vừa phải đảm bảo yêu cầu chuyên sâu theo ngành nghề và kỹ năng mới, vừa phải mang tính bao trùm và rộng khắp vì quá trình chuyển đổi số sẽ tác động đến mọi ngõ ngách của nền kinh tế.
Yêu cầu cốt lõi là cần chủ động trong việc đào tạo nguồn nhân lực các ngành, lĩnh vực ưu tiên đã được xác định tại “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trong quá trình này, sự đổi mới của hệ thống giáo dục – đào tạo, với việc thay đổi từ cách thức quản lý giáo dục, phương pháp dạy, giáo trình dạy và cả những môn học mới gắn chặt với số hóa đóng vai trò quan trọng. Kỹ năng số phải được cập nhật trước tiên cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, và cần được giới thiệu tới lứa tuổi trẻ hơn, từ cấp mầm non và nâng dần mức độ cho các lứa tuổi và cấp độ học cao hơn.
Ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.
Triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đào tạo, đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các doanh nghiệp, cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở cho tất cả người dân để nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục thông qua công nghệ số.
- Trân trọng cám ơn giáo sư!