Vì sao không hiệu quả?

- Chủ Nhật, 18/04/2021, 06:19 - Chia sẻ
Mặc dù quy định của pháp luật về phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng trong trợ giúp pháp lý đã được đánh giá là đầy đủ, từ các luật như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Trợ giúp pháp lý đến các văn bản hướng dẫn… Đặc biệt, để hướng dẫn vấn đề này, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29.6.2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã quy định cụ thể các nội dung về phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý...

Vậy nhưng, thực tiễn cho thấy: số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý dưới hình thức tham gia tố tụng so với số lượng người được trợ giúp pháp lý và vụ án do tòa án thụ lý, giải quyết còn thấp. Điều này có nghĩa là còn có rất nhiều người trong đối tượng cần được trợ giúp pháp lý nhưng chưa được thụ hưởng chính sách miễn phí này.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2018, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện được 16.886 vụ việc tham gia tố tụng, chiếm 3,4% số lượng vụ việc do tòa án đã giải quyết là 457.024 vụ việc. Năm 2019, con số này là 21.235 vụ việc tham gia tố tụng, chiếm 4,6% số vụ việc do tòa án giải quyết (466.862 vụ việc). Năm 2020, là 27.493 vụ việc tham gia tố tụng, chiếm 5,04% số vụ việc do tòa án giải quyết (544.604 vụ việc).

Trong khi đó, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển gửi cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tại nhiều địa phương còn thấp so với số vụ việc do các cơ  quan thụ lý, tiếp nhận. Điển hình, ở Hưng Yên, cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu 36 vụ việc/6.000 vụ việc tham gia tố tụng; Hà Tĩnh: 19/119 đối tượng được trợ giúp pháp lý; Sóc Trăng 7/146 vụ việc tham gia tố tụng. Hơn nữa, việc hướng dẫn quyền được trợ giúp pháp lý cho đương sự còn hạn chế, phần lớn mới chú trọng đối với các vụ án hình sự. Đối với các vụ việc có đối tượng trợ giúp pháp lý Tòa án giới thiệu đến Trung tâm trợ giúp pháp lý còn ít so với các vụ việc đã thụ lý, nhất là trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính.

Hiện, chỉ có một số Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai; Tây Ninh; Ninh Bình; Bạc Liêu; Bến Tre; Quảng Bình, Ninh Thuận đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nghiên cứu, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại trụ sở Tòa án.

Rõ ràng quy định của pháp luật đã đủ, đã rõ và có hướng dẫn cụ thể. Vì sao chỉ triển khai ở một số địa phương? Các địa phương khác vì sao chưa triển khai được? Trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Tòa án như thế nào? Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Tư pháp và Tòa án Nhân dân Tối cao cần sớm xây dựng Chương trình phối hợp về việc cử người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án. Đề xuất này liệu có hợp lý? Bởi đã có quy định đầy đủ về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Vấn đề là triển khai chưa tới nơi, địa phương làm được không thấy có khuyến khích, động viên; địa phương chưa thực hiện được, hoặc thực hiện chưa tốt cũng không thấy có hình thức nhắc nhở, hay biện pháp xử lý. Hay chăng là các bên liên quan cần đánh giá lại khâu tổ chức thực hiện tại đơn vị mình cũng như việc phối hợp thực hiện giữa các đơn vị liên quan trong hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý tại tòa án nói riêng.

Nguyễn Minh