Vì sao khó tiếp cận?

- Thứ Năm, 10/12/2020, 06:56 - Chia sẻ

Theo số liệu công bố tại Diễn đàn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn ra vừa qua, có tới 80% số doanh nghiệp khảo sát xác nhận chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp; tỷ lệ doanh nghiệp không biết thông tin về được hỗ trợ cũng khá nhiều. Câu hỏi đặt ra là vì sao có chính sách, doanh nghiệp cũng rất cần nhưng rất khó tiếp cận?

Theo số liệu thống kê, đến tháng 11.2020, có tới 44.000 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và rời khỏi thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Tính trung bình mỗi tháng, có trên 5.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vào đầu tháng 3.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Thực hiện Chỉ thị 11, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 95 văn bản triển khai với phạm vi, đối tượng hỗ trợ tương đối đầy đủ. Như đánh giá của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc thì đây là hệ thống các gói giải pháp khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam. Chính phủ cũng kịp thời nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa thị trường trong nước, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn...

Vậy nhưng, ông Lộc cũng bày tỏ rằng, vẫn cảm thấy có chút gì đó tiếc nuối trong thực thi. Theo ông Lộc thì phản ứng chính sách là hợp lý, chủ trương là đúng đắn, nhưng thiết kế chính sách có vấn đề và khi thực thi lại không suôn sẻ. Cụ thể, gói 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay trả lương ra đời từ tháng 4.2020 nhưng đến tháng 10 vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được bởi thủ tục phiền hà, chưa sát thực tiễn. của Thủ tướng Chính phủ : Sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Phải đến khi có Quyết định 32/QĐ-TTg ngày 19.10.2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp mới tiếp cận được gói hỗ trợ nhưng cũng không nhiều. Đến ngày 27.11, chỉ có 75 doanh nghiệp tiếp cận được. Hay với gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, tiền thuế đất, đến tháng 10.2020 cũng mới chỉ triển khai được chưa tới 100.000 tỷ đồng.

Quả thực, đây là những con số đáng phải suy ngẫm và theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, chính những vướng mắc trong quá trình thực thi đã tạo nên những "nút thắt" này. Như ý kiến của đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh (HIDS) thì qua khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố cũng như gặp trực tiếp, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ rất thấp. Chính sách hỗ trợ ra đời rất kịp thời, nhưng vấn đề là do quá trình thực thi. Ví dụ doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải thực hiện rất nhiều yêu cầu thủ tục.

Hay như điều kiện phải cắt giảm 50% lao động thì mới được hỗ trợ cũng rất máy móc. Một đại diện doanh nghiệp khác thì phản ánh : Qua tìm hiểu, doanh nghiệp biết có gói hỗ trợ tín dụng; gói hỗ trợ miễn, giảm thuế, lệ phí, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất..., chúng tôi cũng muốn vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh và liên hệ với nhân viên ngân hàng để hỏi cách vay nhưng được trả lời là không được vì hoạt động cầm chừng, không có doanh thu...

Trong bối cảnh dịch bệnh được đánh giá là còn có những diễn biến khó lường như hiện nay, việc tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lần 2 là cần thiết. Tuy nhiên, để gói hỗ trợ này phát huy hiệu quả, theo quan điểm của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc thì điều quan trọng là cần thu hẹp khoảng cách giữa việc ban hành chính sách và thực thi. Ngoài ra cần có hình thức hỗ trợ phù hợp với từng ngành, từng doanh nghiệp và từng giai đoạn.

Linh Trang