
Sự khác biệt giữa tỷ lệ nhập học ở các bậc học của nhóm dân tộc Kinh và các nhóm dân tộc thiểu số là rất lớn. Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Anh tại Việt Nam (SCUK) cho thấy, hiện nay ở Việt Nam, tỷ lệ nhập học vào lớp 1 đạt hơn 94%, tuy nhiên tỷ lệ này ở học sinh dân tộc thiểu số lại thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 80%. Trong số đó, nhóm trẻ em dân tộc Mông, đặc biệt là trẻ em gái có tỷ lệ nhập học lớp 1 là thấp nhất, chỉ đạt 49%. Tại một số xã thuộc tỉnh Đăk Nông, Kon Tum và Điện Biên, tỷ lệ học sinh nữ ở các vùng dân tộc thiểu số bỏ học khá nhiều, nhất là giai đoạn chuyển cấp từ tiểu học lên trung học cơ sở. Cụ thể như: ở xã Đăk Som (huyện Đăk Giong, tỷ lệ học sinh nữ lớp 1 đạt khoảng 60%, nhưng đến lớp 6 giảm xuống dưới 45% và lên lớp 9 chỉ chiếm khoảng 29%. Tương tự như thế, ở xã Sá Tống, huyện Mường Chà, Điện Biên, số học sinh nữ nhập học lớp 1 chiếm khoảng 40%, đến lớp 8 chỉ còn 25% và đến lớp 9 thì không còn học sinh nữ nào trong lớp. Điều này cho thấy, càng lên lớp cao, tỷ lệ học sinh nữ ở các vùng dân tộc càng giảm xuống.
Nói về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc (Bộ GD-ĐT) cho rằng: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do lực học của học sinh kém dẫn đến việc các em không thích học và cuối cùng là bỏ học. Kỹ năng sử dụng tiếng Việt kém cũng là nguyên nhân chính của vấn đề này, bởi các môn học trong trường đều được dạy bằng tiếng Việt trong khi nhiều em lại không sử dụng được tiếng Việt và không có môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt ở gia đình, cộng đồng. Có trường tỷ lệ học sinh chưa thạo tiếng Việt chiếm tới 30%, nhiều em đọc được nhưng không chép được bài. Ngược lại, tỷ lệ giáo viên biết tiếng địa phương cũng chiếm tỷ lệ rất ít, thậm chí nhiều trường không có giáo viên nào biết tiếng dân tộc. Bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò khiến việc truyền tải, tiếp thu kiến thức trong nhà trường gặp nhiều khó khăn. Nhiều giáo viên còn thiếu kinh nghiệm trong việc dạy học cho học sinh DTTS, ít sử dụng các phương pháp tích cực trong học tập như: phương pháp trò chơi học tập, phương pháp nêu vấn đề, thảo luận nhóm học tập và thực hành, chưa khai thác hết tác dụng của đồ dùng học tập, chưa đưa ra những câu hỏi mở…Điều này đã làm hạn chế sự tham gia, niềm hứng khởi của học sinh trong quá trình học tập. Ngoài ra, hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều học sinh bỏ học, nhất là vào mùa thu hoạch, mùa làm nương rẫy, dịp lễ, tết, dịp du xuân, hay phong tục tập quán riêng của các đồng bào dân tộc… Phong tục cổ hủ về độ tuổi kết hôn cũng làm cho nhiều trẻ em gái phải nghỉ học ở nhà lấy chồng. Ngoài ra còn nhiều lý do khác như các em không có thời gian làm bài tập ở nhà vì phải làm nhiều việc khác, không có ai trợ giúp các em để các em hiểu và làm bài tập ở nhà…
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai, mọi trẻ em sẽ thích đến trường khi thấy ở đó thật bổ ích và thú vị, các em được chào đón, được vui chơi cùng bạn bè, được thầy cô yêu thương, động viên giúp đỡ. Nguồn vui khi đến trường, ở trường sẽ trở thành nguồn động lực thu hút để các em theo đuổi những bậc học tiếp theo…Tuy nhiên để làm được điều này Bộ sẽ có những biện pháp tích cực, toàn diện đối với từng đối tượng là học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và toàn thể cộng đồng trong việc khuyến khích, tạo điều kiện cho trẻ đến trường, đặc biệt là trẻ em gái… Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chương trình dạy học phù hợp đối với học sinh dân tộc thiểu số. Xây dựng những biện pháp hỗ trợ nâng cao trình độ tiếng Việt, tăng khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt thông qua các hoạt động giáo dục song ngữ để giúp các em học tốt hai thứ tiếng để vừa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc, vừa giúp các em hoàn thiện tiếng Việt trong quá trình học tập…
Lô Giang