Vì sao gần 3 triệu hecta rừng chưa có chủ?

- Thứ Tư, 06/10/2021, 07:13 - Chia sẻ
Với mục đích tất cả các mảnh đất rừng đều phải có chủ để bảo đảm quản lý, bảo vệ, phát triển và phục hồi rừng hiệu quả, đến nay sau hơn 20 năm kể từ khi thực hiện chính sách giao đất giao rừng, quá trình này vẫn chưa kết thúc, hiện vẫn còn hơn 2,9 triệu hecta rừng vẫn chưa có chủ. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do cơ chế giao đất của ngành tài nguyên môi trường còn chồng chéo, chưa có sự thống nhất với ngành lâm nghiệp.

Giao đất, giao rừng “giậm chân tại chỗ”

Theo số liệu của Cục Kiểm Lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, hiện vẫn còn một diện tích lớn rừng và đất rừng “chưa có chủ” và hiện đang được “tạm” quản lý, bảo vệ bởi các UBND cấp xã. Cụ thể, diện tích do các Ban quản lý rừng quản lý 5.207.573ha, chiếm 35%; các hộ gia đình quản lý 3.193.169ha, chiếm 21%; các UBND cấp xã tạm quản lý 2.940.484ha, chiếm 20%; các tổ chức kinh tế quản lý sử dụng 1.743.854ha, chiếm 12%; còn lại là các tổ chức khác 325.545ha, chiếm 2%.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam Hứa Đức Nhị cho biết: Rừng và đất rừng do UBND xã quản lý là hệ quả của quá trình thực hiện chủ trương chuyển đất và rừng từ các lâm trường về địa phương. UBND cấp xã tiếp nhận, sau đó thực hiện giao đất và rừng cho các cộng đồng dân cư, các hộ gia đình cá nhân và các chủ rừng khác để trồng, chăm sóc, bảo vệ. Song đã hơn 20 năm nay, công tác giao đất, giao rừng cho hộ cá nhân và tư nhân vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Nguyễn Bá Ngãi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nêu một số nguyên nhân khiến rừng do UBND cấp xã quản lý khó bảo vệ và phát triển là do UBND xã không đủ nguồn lực về con người, tài chính, kỹ thuật để quản lý rừng và đất rừng. Trong khi đó, thiếu sự phối hợp giữa xã với cơ quan chấp pháp, nên tình trạng chặt phá rừng và vi phạm lâm luật rất đáng báo động. Mặt khác, nhiều diện tích đất rừng ở xa, địa hình phức tạp nên người dân không muốn nhận giao khoán trồng, bảo vệ.

Chủ tịch Hội rừng Việt Nam Hứa Đức Nhị cho rằng, việc để "giậm chận tại chỗ" trong giao đất, giao rừng cho các cộng đồng trong nhiều năm chung quy lại vẫn là do sự thiếu quyết liệt, cơ chế chưa rõ ràng, thiếu phối hợp. Gần 3 triệu hecta rừng chưa được giao là vấn đề lớn, giao rừng cho chủ rừng thì phải có động lực nào đó, chứ nếu cứ hô hào chung chung, không có mục đích, không có động lực thì không thể hiệu quả. 

Gắn với lợi ích người trồng rừng

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai Nguyễn Văn Hoa cho biết, Gia Lai hiện có tới 211.235.14ha rừng chưa được giao, chưa cho thuê, mà giao tạm cho UBND xã tạm quản lý. Một trong những khó khăn trong việc giao, cho thuê đất rừng cho cộng đồng, người dân là do còn nhiều bất cập về vị trí pháp lý; quyền lợi, quyền sở hữu, trách nhiệm của cộng đồng như một chủ rừng thực sự. Bởi, cộng đồng dân cư thôn không phải là một cấp quản lý hành chính như một chủ rừng thực sự, nên chưa đủ tư cách pháp nhân để ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân, vay tín dụng ngân hàng để phát triển rừng. Hơn nữa, trong trường hợp để xảy ra cháy rừng, phá rừng, rất khó xử lý trách nhiệm người đại diện cộng đồng theo quy định pháp luật.

Thực tế triển khai pháp luật về quản lý, phát triển rừng đã cho thấy, còn có một số văn bản hướng dẫn triển khai vẫn chưa rõ ràng; nhất là chưa xác định rõ đối tượng giao đất, giao rừng nhất là trong Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp… đặc biệt các văn bản hướng dẫn luật Luật Đất đai không có khung pháp luật rõ về quyền, trách nhiệm và quyền hạn quản lý của UBND cấp xã. Đơn cử, Điều 17, Luật Lâm nghiệp quy định: Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 33, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai quy định: Nhà nước giao đất rừng tự nhiên là rừng sản xuất mà không có cho thuê đất rừng.

Ở góc nhìn chuyên gia độc lập, TS. Tô Xuân Phúc cho rằng, hiện nay rất nhiều cộng đồng, người dân ở miền núi thiếu đất sản xuất, do đó nguồn đất chưa được giao này có nhiều tiềm năng, tạo thu nhập cho cộng đồng, các hộ gia đình, người dân trong tương lai. Tuy nhiên, hướng đi như thế nào, giao ra sao cho hiệu quả thì gần như các tỉnh đang tìm đi hướng đi. Bởi, thực tế không ít địa phương do vướng địa vị pháp lý dẫn đến chậm giao đất, giao rừng. Chính vì thế, khi giao cho người dân trách nhiệm trồng, canh tác, bảo vệ rừng thì phải đi kèm với cho họ quyền lợi. Các chủ rừng phải có quyền và tư cách pháp nhân để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết trồng rừng tạo chuỗi cung bình đẳng và cùng có lợi, hộ sử dụng quyền đất đai góp vào liên kết.

H. Thanh - D.Trần