Vì sao châu Á im lặng?

Huỳnh Vũ 27/05/2011 07:55

Trái ngược với không khí sục sôi tại Mỹ và châu Âu trong cuộc đua vào chiếc ghế quyền lực nhất Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), châu Á vẫn im lặng. Điều này đồng nghĩa với việc châu Á tự rút khỏi cuộc chơi và có thể sẽ phải đợi 5 năm nữa để làm thay đổi quyền thống trị của các nước châu Âu tại tổ chức này.

Trong hơn 6 thập kỷ qua, theo một thỏa thuận bất thành văn giữa châu Âu và Mỹ, người đứng đầu IMF là người châu Âu trong khi người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức chống đói nghèo lớn nhất toàn cầu, là người Mỹ. Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng, châu Á sẽ bắt đầu kỷ nguyên của mình bằng việc lần đầu tiên bước vào chiếc ghế lãnh đạo IMF vào năm 2012. Vậy nhưng trái ngược với mọi dự đoán, sự ra đi sớm của Giám đốc IMF Dominique Strauss - Kahn lại không nhận được sự sốt sắng của các quốc gia mới nổi ở châu Á.

Đạt được đồng thuận chưa bao giờ là một việc dễ dàng đối với châu Á, một khu vực vô cùng chênh lệch về phát triển kinh tế, đa dạng về văn hóa và khác biệt về thể chế chính trị. Rõ ràng, châu Á chưa thể thống nhất chọn ra một ứng cử viên. Ông Julius Caesar Parennas, thuộc Viện Tiền tệ tại Tokyo (Nhật Bản) cho rằng nhiều nước châu Á có ý định đưa người của mình ra ứng cử (chức Tổng Giám đốc IMF), nhưng họ không suy nghĩ về vấn đề này ở cấp độ khu vực.

Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ là thành viên trong nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, nhưng sự cạnh tranh gay gắt giữa hai quốc gia này khiến họ khó đạt được sự đồng thuận về một ứng viên duy nhất. Đối với Nhật Bản, nước có quyền bỏ phiếu lớn thứ hai sau Mỹ tại IMF, việc ủng hộ một ứng viên khác ở châu Á sẽ khiến họ chạm tự ái khi phải thừa nhận tầm ảnh hưởng ngày càng giảm của mình. Koichi Haji, nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu NLI tại Tokyo, cho biết Nhật Bản không thích thú với triển vọng một người châu Âu làm lãnh đạo IMF, nhưng họ càng không thể tiến cử một ứng viên Nhật Bản và cũng sẽ không hài lòng với bất kỳ ứng viên nào từ một nước đang trỗi dậy. Ông nói: “Chẳng có sự lựa chọn nào hấp dẫn đối với Nhật Bản và đó có thể là lý do khiến Tokyo im lặng trong vấn đề này”. Sự đồng thuận giữa các nước châu Á càng khó đạt được hơn khi công việc sắp tới có liên quan tới những vấn đề chính trị, kinh tế đầy tranh cãi.

Đối lập với một châu Á chia rẽ là tinh thần đoàn kết của các nước châu Âu, vốn đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagrade đảm nhận chức vụ đứng đầu IMF mà theo truyền thống thường do một người châu Âu nắm giữ kể từ khi thể chế này được thành lập hồi cuối Chiến tranh Thế giới thứ II. Ngay từ khi bùng lên vụ bê bối liên quan đến ông Strauss - Kahn, châu Âu đã “bắn tin” cho biết sẽ không từ bỏ chức lãnh đạo mà từ trước đến nay vẫn được dành cho họ. Theo các nhà quan sát, phản ứng của châu Âu cho thấy trước mắt, châu Á khó có thể toại nguyện trong ý định lên làm lãnh đạo IMF, cho dù sức mạnh kinh tế của châu lục này ngày càng trở nên quan trọng.

Bên cạnh đó, thách thức lớn hiện nay của IMF là xử lý cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Thực tế này đòi hỏi một người “cầm trịch” giàu kinh nghiệm, có uy tín và ảnh hưởng quốc tế. Hiện nay, chỉ có ứng cử viên châu Âu mới hội đủ các điều kiện đó. Ngay cả khi các nước châu Á muốn bãi bỏ thông lệ vị trí lãnh đạo IMF thường thuộc về một người châu Âu, họ cũng phải tính đến bài toán nan giải này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vì sao châu Á im lặng?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO