Vì sao cần chia sẻ rủi ro trong dự án PPP?
Tuần tới, dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) sẽ được thảo luận lần thứ 2 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước đó, dự thảo Luật đã được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Cho tới giờ, vấn đề gây tranh luận nhiều nhất vẫn là cơ chế chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP. Những câu hỏi đặt ra là: Sao Nhà nước lại cần chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, sao không để nhà đầu tư “lời ăn lỗ chịu” theo nguyên tắc thị trường? Dùng nguồn vốn nào để chia sẻ rủi ro, nếu sử dụng ngân sách thì có ảnh hưởng tới an toàn tài khóa quốc gia không? Các rủi ro trong dự án PPP là gì và Nhà nước chia sẻ đến đâu mới khiến nhà đầu tư (và cả bên cho vay) yên tâm và tham gia dự án? Làm thế nào tránh được xin - cho, tránh trục lợi chính sách khi Nhà nước chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu với nhà đầu tư?...
Trong số những câu hỏi kể trên, trước tiên và quan trọng nhất là phải trả lời được câu hỏi vì sao cần tới sự chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP? Khi đã thống nhất quan điểm về vấn đề này thì việc trả lời những câu hỏi tiếp theo mới có ý nghĩa.
Dự án PPP rõ ràng không phải là đầu tư công, cũng không phải là đầu tư tư nhân mà có sự hợp tác giữa hai bên - Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân - nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Đáng lẽ, những sản phẩm và dịch vụ này Nhà nước phải đứng ra làm và cung cấp cho người dân, nhưng vì Nhà nước không có đủ nguồn lực (tài chính, năng lực quản trị…) nên phải tìm kiếm sự đồng hành của nhà đầu tư tư nhân.
Khi Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực của khu vực tư nhân thì đương nhiên Nhà nước cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh. Nhà nước không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với dự án đầu tư kinh doanh, thương mại thông thường.
Bởi vì nhà đầu tư tham gia dự án PPP tất nhiên là với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Nếu Nhà nước không chia sẻ mà đẩy hết rủi ro về nhà đầu tư sẽ xảy ra 2 khả năng. Một là, mức độ rủi ro của dự án quá cao, chắc chắn nhà đầu tư sẽ không tham gia, khi đó mục tiêu thu hút đầu tư coi như thất bại. Hai là, nhà đầu tư có thể vẫn chấp nhận rủi ro nhưng họ sẽ phân bổ rủi ro đó vào giá thành sản phẩm, dịch vụ khiến người tiêu dùng phải trả chi phí cao hơn. Ngược lại, khi Nhà nước dùng ngân sách để chia sẻ phần rủi ro với nhà đầu tư sẽ mang lại lợi ích công - ở chỗ giúp giá và phí của sản phẩm dịch vụ công ở mức chấp nhận được và người dân - người sử dụng sản phẩm, hàng hóa đó - sẽ được hưởng lợi.
Như vậy rõ ràng là để có thể thu hút các nhà đầu tư, dự thảo Luật PPP buộc phải xây dựng được một khung chính sách minh bạch và cơ chế chia sẻ rủi ro thật công bằng.
Hiện tại, dự thảo Luật PPP dành Chương VII để quy định về ưu đãi, bảo đảm đầu tư và hiện mới chỉ đề cập đến việc chia sẻ 2 loại rủi ro của dự án PPP là cân đối ngoại tệ và tăng, giảm doanh thu. Trong khi các ý kiến tương đối thống nhất về hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ thì cơ chế chia sẻ doanh thu (Điều 83) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, đặc biệt trong chia sẻ phần doanh thu sụt giảm.
Ở bản thảo mới nhất, dự Luật đã thể hiện rõ: Không phải Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư mọi rủi ro, mọi trường hợp. Nếu dự án PPP sụt giảm doanh thu do nguyên nhân khách quan (do thị trường, lãi suất vay tăng, lạm phát tăng…) hay nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư (tính toán sai lưu lượng, quản lý yếu kém…) thì nhà đầu tư phải chịu. Nhà nước chỉ chia sẻ trong trường hợp doanh thu sụt giảm do lỗi của Nhà nước, mà cụ thể ở đây là thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật.
Bên cạnh đó, điều kiện để một dự án được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu bằng tiền cũng rất chặt chẽ, như: Dự án phải do cơ quan có thẩm quyền lập chứ không phải dự án do nhà đầu tư đề xuất; dự án không sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước; phải thực hiện các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng trước. Nói cách khác, sự chia sẻ của Nhà nước chỉ là biện pháp sau cùng!
Tuy vậy hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về Điều 83. Qua phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tuần tới và Kỳ họp Quốc hội tháng 5.2020, điều khoản này sẽ tiếp tục được gia cố để có một cơ chế chia sẻ rủi ro tốt nhất theo thông lệ quốc tế.