Vì sao Ấn Độ muốn đổi tên thành Brahat?

Như Ý Tổng hợp 11/09/2023 08:05

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 9.9 trong phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20, tổ chức ở Thủ đô New Delhi, đã gây chú ý khi gọi Ấn Độ là "Bharat". Đây là động thái phản ánh nỗ lực của đảng dân tộc chủ nghĩa Hindu nhằm loại bỏ những cái tên thời thuộc địa, thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc.

Lịch sử của “Ấn Độ” và “Brahat”

Theo các ghi chép trước đây, “Bharat”, “Bharata” hay “Bharatvarsha”, là những cái tên thường được sử dụng trong Hiến pháp cùng với tên “Ấn Độ”. Tên gọi Ấn Độ được Anh hóa từ tiếng Phạn chỉ sông Indus, được đưa vào sử dụng trong thời kỳ nước này là thuộc địa của Anh năm 1858 đến 1947. Cái tên này được sử dụng nổi bật trong các bản đồ lịch sử. Sau khi giành được tự do, các nhà lãnh đạo mới của đất nước không loại bỏ việc sử dụng mà đưa nó vào các văn bản chính thức.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Trong khi đó, tên gọi Bharat thậm chí còn có lịch sử lâu đời hơn, xuất hiện trong kinh Ấn Độ cổ đại. Tên gọi Bharat xuất hiện trong các văn tự tôn giáo Hindu cổ, mô tả về vùng đất rộng lớn nơi con người sinh sống mà trên đó có một khu vực gọi là Bharatavarsa. Một tên gọi phổ biến khác chỉ Ấn Độ là Hindustan, có nghĩa "vùng đất của sông Ấn" trong tiếng Ba Tư. Nó phổ biến trong thời kỳ đế quốc Mogul từ thế kỷ XVI đến XVIII và thường được những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu sử dụng. Theo một số chuyên gia, tên gọi Bharat dường như được sử dụng như một thuật ngữ chỉ bản sắc văn hóa xã hội, thay vì địa lý. Tuy nhiên, cái tên này không được công nhận là tên gọi quốc gia trong hiến pháp Ấn Độ.

Trước đây, một số kiến nghị đã được đệ trình lên Tòa án Tối cao Ấn Độ nhằm đổi tên đất nước thành Bharat, song các thẩm phán đến nay vẫn từ chối xem xét những kiến nghị này.

Vấn đề còn gây tranh cãi

Trên mạng xã hội, các cuộc tranh luận về việc nên sử dụng cái tên nào bắt đầu trở nên sôi nổi sau khi những bức ảnh về thiệp mời dự tiệc tối được lan truyền rộng rãi trên nền tảng X (trước đây là Twitter). Chủ tịch đảng Dân chủ Nhân dân Jammu và Kashmir cho biết, động thái này cho thấy đảng cầm quyền không muốn duy trì nguyên tắc cơ bản thống nhất trong đa dạng của Ấn Độ. Việc loại bỏ nhiều cái tên như Hindustan hay India, chỉ giữ lại Bharat chỉ thể hiện tâm lý thiếu khoan dung. Theo Al Jazeera, tranh cãi về "Ấn Độ" hay là "Bharat" vốn dĩ đã nảy sinh kể từ khi các đảng đối lập công bố liên minh mới vào tháng 7 - được gọi là Liên minh Phát triển Toàn diện Quốc gia Ấn Độ (INDIA), nhằm đối đầu với Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi trong cuộc bầu cử quốc gia vào năm 2024.

Trong khi đó, nhiều người lại ca ngợi ý tưởng thay đổi này là nhằm xóa bỏ tàn dư của chế độ thuộc địa và hoàn toàn phù hợp với lịch sử Ấn Độ. Yêu cầu đổi tên Ấn Độ thành Bharat bằng cách sửa đổi Hiến pháp ngày càng tăng và các nguồn tin cho biết, Chính phủ Ấn Độ đã triệu tập phiên họp đặc biệt vào ngày 18 - 22.9 tới. Theo đó, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi sẽ trình nghị quyết đổi tên Ấn Độ thành Bharat. Người đứng đầu Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS) Mohan Bhagwat đã lên tiếng ủng hộ sự thay đổi này. Trước đây, ông cũng đã kêu gọi mọi người sử dụng thuật ngữ "Bharat" thay vì "Ấn Độ", nhấn mạnh rằng đất nước này đã được biết đến với cái tên Bharat trong nhiều thế kỷ.

Mong muốn xóa bỏ biểu tượng nô lệ

Kể từ khi được bầu vào năm 2014, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã nỗ lực xóa bỏ một số tên gọi hoặc các yếu tố khác có thể gợi nhớ lại sự cai trị thời thuộc địa hoặc thời Đế chế Mughal. Sự thay đổi về danh pháp được sự ủng hộ của các quan chức Đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Narendra Modi. Họ cho rằng cái tên Ấn Độ do thực dân Anh đặt ra và là “biểu tượng của chế độ nô lệ”. Người Anh cai trị Ấn Độ trong khoảng 200 năm cho đến khi đất nước này giành được độc lập vào năm 1947. Lịch sử cai trị của Anh đã khiến cái tên "Ấn Độ" trở nên quen thuộc với thế giới và được sử dụng phổ biến nhất.

Các quan chức cho rằng, việc sử dụng nó là dấu hiệu mới nhất cho thấy các lãnh đạo ở New Delhi đang muốn thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc trong nước. Người đứng đầu tổ chức dân tộc chủ nghĩa Hindu Rashtriya Swayamsevak Sangh, cố vấn tư tưởng của đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền Mohan Bhagwat, cũng tán thành việc đổi tên đất nước thành Brahat. Ông nhấn mạnh rằng: "Đôi khi chúng ta dùng tên Ấn Độ để những người nói tiếng Anh hiểu, nhưng giờ chúng ta phải ngừng sử dụng cách gọi đó. Tên của đất nước Bharat sẽ vẫn là Bharat dù bạn ở bất kỳ đâu trên thế giới”.

Có thể thấy Thủ tướng Narendra Modi và BJP muốn tách Ấn Độ hiện đại ra khỏi quá khứ thuộc địa. Quốc gia này đã chứng kiến xu hướng đổi tên các thành phố và địa điểm có liên quan đến thời kỳ Mughal và thuộc địa. Ví dụ, vào năm ngoái, Vườn Mughal tại dinh tổng thống ở New Delhi đã được đổi tên thành Amrit Udyan. Rõ ràng, đây là minh chứng cho thấy BJP muốn sử dụng một tên gọi đúng đắn, phù hợp hơn thay cho Ấn Độ. Mặc dù, đảng cầm quyền đang cố gắng phản công bằng cách tìm một cái tên khác, nhưng điều thú vị là Ấn Độ đã có tên kép được ghi trong hiến pháp. Theo đó, Điều một của hiến pháp Ấn Độ bắt đầu bằng tuyên bố: "Ấn Độ, tức Bharat, sẽ là một liên minh các bang".

Chính phủ Ấn Độ cũng đã triệu tập phiên họp đặc biệt của quốc hội nước này ngày 18 - 22.9, và dự kiến chính phủ của Thủ tướng Modi sẽ trình nghị quyết đổi tên Ấn Độ thành Bharat. Việc thay đổi tên Ấn Độ thành đơn thuần là "Bharat" sẽ cần sửa đổi hiến pháp và cần được đa số 2/3 thành viên ở cả hai viện của Quốc hội thông qua.

Hệ thống kinh tế cũng cần được cải cách 

Bên cạnh những tranh cãi xoay quanh vấn đề đổi tên, một điều quan trọng nữa là liệu Ấn Độ có thể cải cách toàn diện hệ thống kinh tế của mình hay không, điều này có thể bắt nguồn từ trước năm 1947 khi quốc gia này giành được độc lập. Đây là chìa khóa giúp nền kinh tế Ấn Độ nâng cao mức độ ảnh hưởng trên trường quốc tế. Nếu không có cải cách, Ấn Độ không thể đạt được sự phát triển mang tính cách mạng. Chính quyền Narendra Modi là một trong những chính phủ tham vọng nhất ở Ấn Độ về cải cách kinh tế kể từ năm 1991, khi Ấn Độ bắt đầu những cải cách lớn để tự do hóa nền kinh tế. Song, Ấn Độ lại đang ngày càng chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ thương mại, một số biện pháp cải cách trước đây cũng đã bị đình trệ. Mặc dù, việc Ấn Độ do dự trong việc mở cửa hoàn toàn thị trường với thế giới là điều dễ hiểu, nhưng lịch sử sau năm 1947 cho thấy rằng mỗi lần Ấn Độ thúc đẩy cải cách và tự do hóa kinh tế đều mang lại động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế.

Kể từ khi chính quyền Modi khởi động sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ" vào năm 2014, đã có rất nhiều cuộc thảo luận về cách đưa Ấn Độ trở thành siêu cường sản xuất. Một bước quan trọng để đạt được mục tiêu là tự do hóa hơn nữa các quy tắc đầu tư trực tiếp nước ngoài và cung cấp môi trường đầu tư cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử cho các công ty từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc. Các cuộc đàn áp nghiêm ngặt gần đây của Ấn Độ đối với một số công ty Trung Quốc chắc chắn sẽ làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư vào Ấn Độ.

Với vai trò đăng cai Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, Ấn Độ nên tận dụng để thể hiện quyết tâm cải cách nền kinh tế, mở rộng độ mở, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo môi trường kinh doanh công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng từng bước thực hiện các biện pháp này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vì sao Ấn Độ muốn đổi tên thành Brahat?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO