Vi phạm về sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi

- Thứ Sáu, 24/12/2021, 09:25 - Chia sẻ
Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng cả nước đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, đòi hỏi có những giải pháp mạnh mẽ và có hiệu quả hơn.

Đa dạng hành vi vi phạm, khó xử lý

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, khi Việt Nam gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do, nhất là những Hiệp định tự do thế hệ mới,  cam kết về quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, chỉ những quốc gia nào bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ đối với các sáng chế, phát minh thì nền kinh tế mới phát triển ổn định, vững mạnh. Mặc dù việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được quan tâm, song trên thực tế hiện nay các hoạt động vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến, tinh vi và khó kiểm soát.

Hàng giả, hàng nhái ngày càng nhiều

Nguồn: ITN 

Số liệu thống kê từ hợp tác phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Chương trình Hành động 168) của Bộ Khoa học và Công nghệ về phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho thấy: lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã xử lý, giải quyết 1.460 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có 1.302 vụ xử lý bằng biện pháp hành chính và khởi tố, kiểm sát điều tra, xét xử 158 vụ với 269 bị can, tổng số tiền phạt trên 25 tỷ đồng. Các lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã tịch thu, yêu cầu loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy hàng chục ngàn tang vật vi phạm; yêu cầu thay đổi nhiều tên doanh nghiệp, thay đổi thông tin tên miền, trả lại tên miền… Các bộ, ngành (các cơ quan quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, hải quan, thanh tra chuyên ngành) cũng đã phối hợp xử lý nhiều vụ việc có quy mô lớn và tính chất phức tạp.  

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2018 đến hết tháng 6.2021, lực lượng đã kiểm tra hơn 3.600 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp; số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 37 tỷ đồng. 

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng giả, hàng nhái

Nguồn: ITN 

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thương mại BNB Trần Việt Hải chia sẻ.“Các hành vi sản xuất, tiếp thị, mua bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu đang có xu hướng gia tăng, đa dạng về mặt chủng loại và tinh vi về mặt hình thức. Trong khi đó, nhận thức của người tiêu dùng sản phẩm còn chưa đầy đủ, điều đó không chỉ gây thiệt hại về mặt vật chất mà còn ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của công ty, doanh nghiệp, kéo theo đó là quyền lợi của người tiêu dùng sản phẩm cũng khó được đảm bảo”

Theo các chuyên gia, các hành vi vi phạm tập trung chủ yếu như giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên hàng hóa, hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên mẫu nhãn, kiểu dáng bao bì sản phẩm... Đáng chú ý, trong những năm gần đây, các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ tiếp thị, phân phối hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo phương thức truyền thống sang hình thức thương mại điện tử. Do đó, việc phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm trở nên hết sức khó khăn.

Chưa theo kịp thực tiễn

Có thể thấy, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, quan hệ sở hữu trí tuệ mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi của người tiêu dùng, toàn xã hội và ảnh hưởng đến trật tự quản lý nhà nước. Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai Luật Sở hữu trí tuệ cũng gặp không ít khó khăn từ chính những quy định của pháp luật. 

Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Lộc nêu thực tế, các hành vi vi phạm xuất xứ gồm hành vi chứng nhận xuất xứ sai, và tự chứng nhận xuất xứ sai, tuy nhiên khái niệm về tự chứng nhận xuất xứ chưa được giải thích rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Vì vậy, khi lực lượng chức năng mô tả hành vi để lập biên bản xử lý, buộc doanh nghiệp thừa nhận là hết sức khó khăn.

Đồng tình với ông Lộc, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Giang, Vũ Quốc Khánh cho biết thêm, các vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ chuyển biến nhanh so với trước đây, với những thủ đoạn, tinh vi, khó lường và rất phức tạp. Trong khi đó, việc xử lý các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chỉ mới xử lý được các cơ sở kinh doanh mà chưa xử lý được nguồn gốc nơi sản xuất, cung cấp để ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm.

Cần chế tài đủ mạnh để xử lý triệt để hành vi vi phạm (Nguồn ITN)
Cần chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ

Nguồn: ITN 

Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện nay các phương thức sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên tinh vi, có tổ chức liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia và đa dạng, phong phú về hình thức, chủng loại. Trong khi đó, mặc dù đã có chế tài nhưng tính răn đe của pháp luật còn thấp. Hơn nữa, sự phối hợp giữ các cơ quan chức năng, đơn vị thi hành công vụ chưa nhuần nhuyễn, ở một vài nơi cơ quan thực thi có thẩm quyền vẫn còn yếu kém, vẫn còn xa lạ đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ nên việc thực thi ngăn chặn chưa được kịp thời và hiệu quả. 

7 nhóm chính sách lớn được đề xuất tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng; Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; Nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; và Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.

(Nguồn Bộ Khoa học và Công nghệ)

 

Thái Yến-Nguyễn Ngân