- Ông nhận định ra sao về quyền sở hữu trí tuệ hiện nay, cụ thể là quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản sách?
- 20 năm giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn về chính sách chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế, tôi nhận thấy vai trò của quyền sở hữu trí tuệ ngày càng cao. Đã có nhiều luật liên quan được ban hành để hỗ trợ các tác giả đưa tác phẩm đến với độc giả.
Nói về quyền tác giả, cụ thể liên quan tới sách, sẽ có 2 loại quyền. Thứ nhất là quyền nhân thân (tức là quyền uy tín của tác giả đối với tác phẩm do mình tạo ra), bao gồm 4 quyền chính: đặt tên cho tác phẩm, đứng tên tác phẩm, công bố tác phẩm, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm (quyền vĩnh viễn, vô thời hạn).
Thứ hai là quyền tài sản. Chủ sở hữu có quyền cho phép người khác làm các tác phẩm phái sinh (bản copy, chuyển thể, dịch sang ngôn ngữ…); quyền tái bản, quyền nhân bản, quyền truyền đạt tới công chúng, quyền biểu diễn, quyền cho thuê…
Để hiểu đúng về quyền tác giả thì phải hiểu rõ pháp luật liên quan. Có rất nhiều hành động có thể gây vi phạm quyền tác giả, nếu người sử dụng không nắm rõ sẽ rất dễ vi phạm và bị xử phạt.
- Thách thức trong bảo vệ quyền tác giả hiện nay là gì, thưa ông?
- Không thể phủ nhận được sự phát triển khoa học - công nghệ quá nhanh, tốc độ quá lớn. Chỉ số đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ chính là thể hiện chỉ số phát triển xã hội. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất là xuất hiện những đối tượng mới mà chúng ta cần bảo hộ dưới dạng quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền trong thời kỳ mới như thế nào.
Chẳng hạn, một trong những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khó phát hiện hiện nay là những tác phẩm không bị sao chép hoàn chỉnh mà nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Những sao chép đó tinh vi hơn và cần có chuyên gia mới phát hiện được.
Hiện nay cũng xuất hiện những nghề mới liên quan, như tư vấn cho các nghệ sĩ phát hiện và lựa chọn sản phẩm nghệ thuật không vi phạm bản quyền. Giúp các nghệ sĩ mang tới cho khán giả những sản phẩm nghệ thuật không vi phạm bản quyền và mang lại lợi ích kinh tế, tôi nghĩ đây là một nghề hot trong tương lai.
- Khi phát triển AI thì cần nguồn dữ liệu lớn, chính là các sản phẩm trí tuệ của nhiều tác giả. Theo ông, đào tạo AI bằng các tác phẩm có bản quyền là vi phạm hay không vi phạm?
- Chúng ta nói nhiều về AI, nhưng khái niệm và sự công nhận của mỗi người có thể khác nhau. AI ngày càng phát triển bởi vì nó chứa tri thức của nhân loại, và một khái niệm được nhắc đến chính là dữ liệu lớn (big data). Theo luật của nhiều quốc gia, những tác phẩm AI có vi phạm tới quyền tác giả thì tác giả có quyền yêu cầu chỉnh sửa, cắt bỏ hoặc bồi thường vi phạm.
Thời gian qua, những người làm luật ở các nước đã cố gắng sửa luật để theo kịp tác động của công nghệ AI. Pháp luật của Việt Namcũng không nằm ngoài cuộc và sẽ phải có những điều chỉnh tương ứng để bảo vệ quyền tác giả và các tác phẩm gốc.
- Theo ông, những quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ có theo kịp việc bảo vệ quyền tác giả trong nền kinh tế số hiện nay?
- Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuậtđến bây giờ trải qua rất nhiều phân bản, rất nhiều luật của các quốc gia đã tiếp cận và sử dụng những nguyên tắc cốt lõi trong Công ước này. Về bản chất, quyền nhân thân và quyền tài sản là không đổi, chỉ là các hình thức thể hiện khác nhau nên sẽ phải có những quy định mới.
Hiện nay, vi phạm bản quyền phức tạp và nhanh hơn, do vậy các biện pháp xử lý cần mạnh hơn. Việt Nam cũng đang có những quy định pháp luật, hàng rào kỹ thuật để bảo đảm quyền tác giả với tác phẩm của mình.
- Xin cảm ơn ông!
"Quyền sở hữu trí tuệ rất rộng và liên quan tới tất cả lĩnh vực. Lời khuyên tới các bạn trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước, người tạo ra tri thức, tôi đã nêu trong cuốn sách “Sở hữu trí tuệ - Cốt lõi của đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ” mới được NXB Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành. Đó là làm thế nào để tiếp cận tri thức đúng, tạo ra tri thức, bảo vệ tri thức, khai thác tri thức. Chúng ta hãy tạo ra cơ hội cho bản thân bằng những tri thức của mình".
PGS.TS PHAN QUỐC NGUYÊN