Hà Nội phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ

Vì mục tiêu 200 doanh nghiệp

- Chủ Nhật, 04/04/2021, 19:27 - Chia sẻ
Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội xây dựng mục tiêu trở thành Trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Đi kèm đó là con số 200 doanh nghiệp khoa học - công nghệ (KHCN) hoạt động vào cuối giai đoạn – đích đến còn nhiều thách thức nhưng cũng thể hiện khao khát của Thủ đô trên con đường đồng hành cùng đất nước phát triển…

Điểm tựa chính sách

Có thể khẳng định, thời gian qua, Hà Nội rất trách nhiệm với vị thế động lực tăng trưởng của phía Bắc, trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thành phố quan tâm khai thác, phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ, nhất là trí tuệ, tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các trường đại học và cao đẳng, viện nghiên cứu, từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Tính đến hết năm 2020, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số bằng sáng chế (325) và giải pháp hữu ích (423); đứng thứ hai về số bằng kiểu dáng công nghiệp (1.231) và nhãn hiệu hàng hóa (20.172)...

Theo Phó giám đốc Sở KHCN TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hà, Thành ủy, UBND thành phố dành sự quan tâm đặc biệt đến thể chế nhắm khuyến khích doanh nghiệp KHCN phát triển cả về số lượng lẫn chiều sâu... Ngày 17.3.2021, Thành uỷ Hà Nội ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025”. Trước đó, UBND thành phố từng cụ thể hóa mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước thông qua Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 28/2/2020 về Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn đến 2025.

“Trước những bước tiến mới của xã hội, các cấp các ngành thành phố đều kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển khoa học và công nghệ; kiện toàn mô hình, tổ chức bộ máy làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Sở KHCN cũng tham mưu để thành phố thành lập 12 Ban chủ nhiệm các Chương trình khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực trọng yếu,” ông Hà chia sẻ.

Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Doanh nghiệp KHCN Kangaroo giới thiệu công nghệ tạo nước Hydrogen
Doanh nghiệp KHCN Kangaroo giới thiệu công nghệ tạo nước Hydrogen. (Ảnh nguồn ITN)

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, hoạt động đổi mới sáng tạo bước đầu được triển khai có hiệu quả. Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ…

Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng Kangaroo Lại Trung Tùng thừa nhận, khoảng 5 năm trở lại đây Hà Nội quan tâm kết nối các doanh nghiệp, cá nhân với các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức khoa học và công nghệ vượt trội so với địa phương khác trong cả nước. Ngay cả câu chuyện hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập các doanh nghiệp KHCN; hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập doanh nghiệp KHCN cơ quan quản lý nhà nước khá chủ động. “Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ và thành phố Hà Nội thành lập các tổ công tác xuống từng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Đó là sự động viên lớn lao, sâu sát với những vướng mắc của thể chế trên con đường phát triển bền vững, nhất là khi phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội!” ông Phương đặt vấn đề.

Hiện ngoài việc thành lập Viện hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, đổi mới công nghệ, Tập đoàn Kangaroo dành trên dưới 200 tỷ đồng hàng năm phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ, tương đương với 8% doanh số. Cũng theo ông Phương, các nghiên cứu khoa học mà không được ứng dụng vào sản xuất thì không có giá trị, việc của các nhà khoa học là nghiên cứu còn để ra được thị trường thì cần sự phối hợp rất lớn từ phía doanh nghiệp, đơn vị có đầy đủ nguồn lực từ năng lực sản xuất, vốn đến năng lực thị trường. Viện nghiên cứu và ứng dụng của Kangaroo giải quyết được bài toán về sự chủ động, đáp ứng về mặt thời gian cũng như đảm bảo được đúng những giá trị mà doanh nghiệp đang mong muốn đó là tăng hàm lượng chất xám vào trong mỗi sản phẩm theo đúng định hướng Kangaroo đã đề ra.

Còn nhiều khó khăn

Hiện Bộ KHCN có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần tham gia thị trường, hoạt động liên kết và xúc tiến, nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ. Tuy nhiên, theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KHCN hơn nữa, cần phải có chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm KHCN. Đồng thời, cần xây dựng, ban hành cơ chế phù hợp, tạo sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp nhận kết quả KHCN mới để hình thành doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Thúc đẩy hoạt động của các cơ sở ươm tạo tại trường đại học, viện nghiên cứu và thu hút sự đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp KHCN dẫn dắt các lĩnh vực.

Để đạt mục tiêu hình thành và phát triển được 200 doanh nghiệp KHCN nghệ trên địa bàn TP Hà Nội vào năm 2025, ông Nguyễn Quốc Hà cho biết, thành phố đã kiến nghị Bộ triển khai đồng bộ các giải pháp và hướng dẫn đầy đủ các nội dung trong Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ về doanh nghiệp KHCN. "Thành phố sẽ tập trung khai thác, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực KHCN trên địa bàn, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo dẫn đầu cả nước. Trong đó, sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, phát triển bền vững", ông Hà đặt vấn đề.

Có thể nói, doanh nghiệp KHCN hiện đang được xác định là “đòn bẩy cho sản xuất trong nước” vì không chỉ là cầu nối đưa các nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực lượng chủ đạo, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đóng góp cho việc xây dựng và phát triển nước nhà.

Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển doanh nghiệp, song việc phát triển vẫn còn nhiều hạn chế. Phó Giám đốc Nguyễn Quốc Hà cho biết, cả nước hiện có 540 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ; trong đó, Hà Nội có 94 doanh nghiệp. Trong số 94 doanh nghiệp của Hà Nội đã được chứng nhận, có 3 doanh nghiệp thuộc đối tượng thí điểm chuyển đổi từ tổ chức khoa học và công nghệ công lập, 34 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 57 doanh nghiệp còn lại là đăng ký chứng nhận sau thời gian hoạt động. Chưa có doanh nghiệp nào được hình thành từ các cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp hoặc vườn ươm của các trường đại học, cao đẳng.

Sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp khoa học và công nghệ Hà Nội chủ yếu hình thành từ bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (33%) và phần mềm máy tính (gần 37%), với nguồn kinh phí của doanh nghiệp (88/94, chiếm 93,6%). Thực tế chỉ 6 doanh nghiệp có sản phẩm xuất xứ từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sử dụng vốn nhà nước đã được giao một phần quyền sử dụng; chưa doanh nghiệp nào có sản phẩm xuất xứ từ nhiệm vụ thuộc các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố.

Ông Hà cũng cho hay, mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tuy nhiên Chính sách hỗ trợ chưa đủ sức hấp dẫn nên doanh nghiệp chưa “mặn mà” làm hồ sơ chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Ngoài ra, việc chứng nhận doanh nghiệp KH&CN mới là điều kiện cần. Để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi theo quy định, còn có điều kiện đủ “doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt tối thiểu 30% tổng doanh thu”.

Xuân Tùng