Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Vì lợi nước quên lợi nhà, vì lợi chung quên lợi riêng

- Thứ Bảy, 15/05/2021, 05:34 - Chia sẻ
Trách nhiệm của người trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND “là để thay mặt Nhân dân gánh vác việc nước”, và trách nhiệm trước mắt là “phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào”. Đây là trách nhiệm hết sức nặng nề. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng”. Ghi nhớ và thực hiện trọn vẹn lời dặn dò của Bác, người đại biểu của Nhân dân sẽ thực thi được trọng trách cao cả và thiêng liêng mà cử tri đã gửi gắm, giao cho.

Thực sự là một nghị trường dân chủ

Trong cuộc bầu cử ngày 23.5 tới đây, sẽ có người trúng cử và người không trúng cử. Nhưng, dù không trúng cử vẫn phải hết lòng hăng hái với việc của dân, của nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng, dù có trở thành đại biểu của Nhân dân hay không thì việc đóng góp công sức, trí tuệ với đất nước vẫn không có gì khác, có chăng cần phải cố gắng hơn để “cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta” để lần sau được trúng cử. Theo Người, dù “ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta”. Lời nhắn nhủ lấp lánh sự tinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lúc đất nước vừa độc lập hơn 4 tháng đang rất cần người tài đức để đảm đương việc nước chính là lời cầu hiền vô giá và thành tâm. Ở cuộc bầu cử lần này, đất nước càng cần như thế!        

Hiện nay, Quốc hội đang tiếp tục đổi mới toàn diện ngang tầm nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân cả nước trong thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước. Trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, những nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã từng bước chuyển từ kiêm nhiệm sang chuyên nghiệp hóa, chuyển từ báo cáo sang giải trình minh bạch, chuyển từ diễn giải độc thoại sang chất vấn, đối thoại, tranh luận, phản biện, chuyển từ trách nhiệm tập thể chung chung khó định lượng sang cá thể hóa trách nhiệm… theo Hiến pháp và pháp luật, để thực sự là một nghị trường dân chủ, trí tuệ và tập trung, thống nhất vì sự phát triển của đất nước.

Tranh luận, phản biện một cách dân chủ là con đường ngắn nhất tiếp cận và tìm ra chân lý. “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”. Hơn nữa, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân - tức là phục tùng chân lý”. Tất cả nhằm nâng cao chất lượng các quyết sách chính trị, xây dựng luật và giám sát của Quốc hội và các cơ quan dân cử. Qua đó, rèn luyện toàn diện, đo lường và thẩm xét chính xác phẩm hạnh, năng lực người đại biểu của Nhân dân theo pháp luật và sự giám sát của Nhân dân.

Cùng với việc nâng cao toàn diện chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp thì Quốc hội phải đề cao giám sát tối cao; tiếp tục thực thi chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội và HĐND; thực thi quyền bãi miễn tư cách đại biểu trực tiếp như khi bầu đại biểu dân cử. Đó là con đường ngắn nhất để thực hành dân chủ, để Quốc hội, HĐND thật sự xứng đáng của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Các đại biểu của Nhân dân cũng phải được lựa chọn theo hướng đổi mới tất yếu đó.

Lòng Dân tin tưởng - Thế Nước vững bền

Hiện nay, Nhân dân luôn tự biết thực thi quyền và nghĩa vụ chân chính của mình trong bầu cử. Cử tri cần được thông tin toàn vẹn, chân thực, đúng luật về các đại biểu ứng cử và giám sát họ theo luật định. Đó chính là biểu hiện sức mạnh dân chủ quyết định của Nhân dân! Như thế sẽ hiện thực hóa quyền làm chủ đất nước của người dân và “đem lại niềm vui sướng cho đồng bào ở một nước thực sự tự do, độc lập” và tiếp tục mở ra một con đường mới cho đất nước phát triển. Đồng thời, cũng khẳng định sức mạnh, lòng yêu nước của Nhân dân trong bối cảnh hiện nay. Và, toàn thể Nhân dân đi bầu cử cũng tiếp tục khẳng định với thế giới về một nước Việt Nam độc lập, tự chủ và dân chủ, người dân đang thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình một cách dân chủ, bình đẳng, vui vẻ và hạnh phúc. Việc bầu cử dân chủ ra Quốc hội và HĐND các cấp không chỉ lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt nhân dân gánh vác việc nước mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng được một Quốc hội mạnh, chính quyền vững mạnh, trong sạch, xứng đáng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Lại nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, dặn dò đồng bào tích cực đi bầu cử vào ngày 6.1.1946 để bầu ra Quốc hội Việt Nam thống nhất khóa đầu tiên. Người kêu gọi đồng bào: “phải nhớ đi bầu cử” và “mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”. Việc đi bầu cử là quyền lợi của mỗi người dân, mà quyền lợi cao nhất, lớn nhất chính là được thể hiện rõ ràng, tự giác về tư thế và trách nhiệm của một người dân độc lập, tự do đối với đất nước độc lập, tự do, “đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”, tất cả vì nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân!

Cuộc bầu cử tới đây diễn ra sau hơn 4 tháng Đảng ta tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIII - Đại hội xác quyết nhiều trọng sự quan trọng về định hướng phát triển đất nước, tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ và chủ động hội nhập quốc tế ở một vị thế mới và tầm vóc mới, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc - nên càng có ý nghĩa lớn lao đối với quốc dân ta và vận mệnh tiến lên của dân tộc!

Yêu cầu phát triển mới đó của lịch sử, vị thế và sức mạnh mới của đất nước đang và nhất định sẽ góp phần tôn vinh Ngày Bầu cử thực sự là “một ngày vui sướng của đồng bào ta”, thực sự là “một ngày hội non sông”.

Vượt qua đại dịch Covid-19, vượt lên mọi sự khó khăn, cử tri cả nước sẽ đi bỏ phiếu lựa chọn đúng, đủ những người xứng đáng thay mặt cho mình, quyết sách và đi đầu gánh vác công việc đổi mới đất nước trong tầm nhìn 2021 - 2026, vì sự thịnh vượng và hùng cường của Tổ quốc Việt Nam trong hoàn cầu.

Lòng Dân tin tưởng - Thế Nước vững bền - Dân tộc trường tồn - Quốc gia phồn thịnh!         

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản