Vì đâu nên nỗi?

- Thứ Ba, 22/12/2020, 10:38 - Chia sẻ
Sáng qua, 21.12, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt). Đây là vụ án lừa đảo có con số bị hại kỷ lục với tổng số trên 68.000 người bị lừa đảo, chiếm đoạt trên 1.121 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị y tế BQP (viết tắt là Công ty BQP) và Công ty Liên kết Việt đều do Lê Xuân Giang thành lập và điều hành hoạt động. Lợi dụng Công ty Liên kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, từ tháng 3.2014 đến tháng 11.2015, các bị cáo đã sử dụng thủ đoạn gian dối, tạo dựng và cung cấp thông tin sai lệch cho các bị hại để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của Công ty Liên kết Việt và Công ty BQP.

Cụ thể, các bị cáo đã giới thiệu lãnh đạo của công ty này là cán bộ của Bộ Quốc phòng; các sản phẩm kinh doanh là sản phẩm liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc phòng, đã được thử nghiệm, đưa vào sử dụng tại các bệnh viện Trung ương. Các bị cáo đã sử dụng những thủ đoạn gian dối, trái pháp luật để lôi kéo các bị hại bỏ tiền tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty Liên kết Việt. Số tiền thưởng, tiền hoa hồng hứa hẹn sẽ trả cho các nạn nhân lên tới trên 65% tổng số tiền thu được của chính các bị hại.

Với mức tiền hoa hồng hứa hẹn cao chót vót, đã có hàng nghìn người dính vào đường dây lừa đảo của công ty này. Không ít nạn nhân đã lâm vào cảnh sống dở, chết dở chỉ vì lòng tham và sự nhẹ dạ cả tin vào cách “làm giàu không khó” mà các đối tượng lừa đảo cố tình tạo ra.

Đây không phải lần đầu tiên xét xử vụ án liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp. Mới đây, tòa án cũng đã xét xử sơ thẩm vụ án tập đoàn đa cấp Thăng Long (Thăng Long Group) lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để tạo được niềm tin của các bị hại cũng là các nhà đầu tư, Thăng Long Group đã tổ chức các buổi vinh danh "nhà phân phối tiêu biểu". Ngoài ra, các bị hại còn được tham dự hội thảo, hội nghị nghe tư vấn bán hàng, cho đi ăn uống, du lịch, nghỉ dưỡng. Với chiêu thức quảng bá hấp dẫn này, các đối tượng đã vươn phạm vi hoạt động trái phép tới 32 tỉnh thành trong cả nước, và chiếm đoạt hơn 706 tỷ đồng.

Với hành vi này, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 8 bị cáo, trong đó, “trùm đa cấp” Thăng Long là Lê Văn Quang đã chịu mức án chung thân. Đây là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số tiền thiệt hại lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, nguyên nhân là do sự kém hiểu biết, nhẹ dạ cả tin và lòng tham của người tham gia bán hàng đa cấp.  

Trên thế giới, kinh doanh đa cấp được công nhận từ rất lâu. Ở Việt Nam, hoạt động này được điều chỉnh bởi Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó, việc ký kết hợp đồng bán hàng đa cấp và tham gia vào công ty là tự nguyện và không phải trả bất cứ một chi phí nào để tham gia. Nhà phân phối chỉ có thu nhập hay còn gọi là hoa hồng phụ thuộc trực tiếp vào việc bán được sản phẩm thực tế đến tay người tiêu dùng. Tất cả các nhà phân phối đang hoạt động đều được công ty báo cáo định kỳ hàng tháng về tên tuổi, định danh cá nhân, địa chỉ thường trú/tạm trú… đến các Sở Công thương trên toàn quốc.

Nghị định này cũng quy định rõ, định kỳ 6 tháng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm báo cáo tới Bộ Công thương và Sở Công thương nơi doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp về hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Thông qua hoạt động báo cáo này, cơ quan quản lý nhà nước là Sở Công thương, Bộ Công thương sẽ nắm được tình hình hoạt động kinh doanh này của doanh nghiệp.

Việc kinh doanh đa cấp là hoạt động được pháp luật cho phép. Tuy vậy, một số đối tượng đã lợi dụng hoạt động này, và sự nhẹ dạ, cả tin, lòng tham của một số người để lừa đảo. Câu hỏi đặt ra là, vì sao các đối tượng lôi kéo, lừa đảo với một số lượng nạn nhân rất lớn thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo mà cơ quan chức năng lại không biết? Có hay không sự buông lỏng trong quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp này?

Để phát huy hiệu quả hoạt động của kinh doanh đa cấp, người tham gia hoạt động này phải tự tìm hiểu, đừng vì sự nhẹ dạ, lòng tham hay kém hiểu biết pháp luật mà trở thành bị hại. Cùng với đó, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường kiểm tra để cho hoạt động kinh doanh đa cấp không bị biến tướng. Trách nhiệm này trước tiên thuộc về các Sở Công thương và Bộ Công thương.

Lê Hùng