Vị đắng hoa bia
Truyện ngắn của Hoàng Trọng Dũng
Con bé cứ quanh quẩn mặc người ta xua đuổi. Có vẻ nó nhất quyết làm bằng được cái mà nó định. Nhưng con bé định làm gì? Rõ ràng nó không xin ăn và cũng chẳng có ý đồ ăn cắp. Thứ nhất, khung cảnh quán nhậu nơi chúng tôi đang ngồi không phù hợp với những việc như thế. Quán nằm trong một khu vườn rộng, ngăn cách với đường phố bằng một dãy lan can sắt thấp sơn màu xanh lá cây, luôn có những người bảo vệ đi đi lại lại, sẵn sàng can thiệp nếu xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Thứ hai, và cái này mới quan trọng, có một cái gì đó ở con bé thuyết phục tôi, khiến tôi tin nó. Tôi hay chú ý tới trẻ con, những đứa trẻ bán báo, đánh giày chẳng hạn. Hầu hết, nếu không phải là một trăm phần trăm, các em đến từ các miền quê. Không đứa trẻ nào muốn xa gia đình, nhưng đất nghèo không nuôi nổi người, bọn chúng đành phiêu bạt lên thành phố kiếm sống. Bọn trẻ đem lại một nét sinh hoạt thú vị cho phố phường. Nếu ngại mất trật tự, ảnh hưởng tới mỹ quan chung, có thể tập hợp chúng lại trong một tổ chức, hoặc giao cho mỗi nhà hàng khách sạn trong thành phố quản lý vài ba em. Tôi tin nếu làm như thế, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn biện pháp cấm đoán. Xin hãy nhớ lại, một ngày nào đó trước đây thành phố đã từng là thôn là xóm. Nhưng có lẽ đã quá lâu, trí nhớ của thành phố đã lụi tàn. Con người ta vốn hay phụ bạc!
![]() Minh họa của Thúy Hằng |
Một bé gái xuất hiện tại một nơi dành cho người lớn, cụ thể là trong một quán bia vào lúc chiều muộn, hành vi không rõ ràng, không hứa hẹn điều gì tốt lành. Tôi kín đáo quan sát con bé. Nó độ chừng mười hai mười ba tuổi - cái tuổi không còn hành động hoàn toàn theo bản năng nhưng chưa đủ lớn để suy xét, để tính tới hậu quả trong mỗi việc làm của mình. Những đứa trẻ ở độ tuổi này thường trong tư thế chênh vênh, có thể thế này hoặc thế kia, có thể đúng hoặc cũng có thể phạm một sai lầm chết người, đôi khi đủ để thay đổi cả cuộc đời. Cuộc sống đầy những cạm bẫy, hoa hồng ít còn gai thì nhiều. Thế giới thuộc về người lớn, do người lớn quyết định, mà người lớn thì luôn ngụy trang, che giấu, luôn giả vờ. Gương mặt con bé gầy, đôi vai gầy, hai cánh tay gầy và cả cơ thể cũng gầy, như một que củi. Nước da con bé ngả sang màu nâu đen, hao hao những đứa trẻ vùng Trung Cận Đông. Chiếc áo nó mặc cắt từ vải sợi bông in hoa, thứ vải người thành phố không mấy ai dùng. Chân nó đi một đôi dép cũ bằng nhựa, đã nứt từng mảnh. Bàn chân nó đen nhẻm, xương xẩu, chẳng thấy da thịt đâu cả. Thoạt nhìn đã biết ngay con bé là con nhà nghèo. Đôi mắt con bé già trước tuổi. Một chút suy tư, một chút bất cần trộn lẫn trong cái nhìn của con bé, khiến tôi ám ảnh. Tôi tảng lờ nhìn sang chỗ khác khi bắt gặp ánh mắt con bé. Nhưng khi tôi quay lại, tôi thấy nó vẫn nhìn tôi. Con bé ngậm một cọng cỏ gà, day day trong miệng, như kiểu người ta nhai kẹo cao su khi căng thẳng. Trực giác mách bảo tôi rằng tôi đã được con bé chọn lựa giữa hàng trăm gương mặt khác nhau trong quán. Sự việc vậy là có vẻ phức tạp hơn tôi nghĩ. Chúa ơi, con bé định làm gì và vì sao nó chú ý đến tôi?
Tôi tự hỏi vậy tôi có gì đáng chú ý - một thằng tôi phù phiếm, đa cảm, dễ xúc động nhưng chẳng mấy khi hành động, một thằng tôi luôn bằng lòng với cái mình có, không tham vọng? Tôi ngồi đây, vô duyên và nhạt nhòa giữa những tiếng ly tiếng tách thủy tinh liên tục chạm vào nhau, giữa những lời chúc tụng không ngừng vang lên, giữa những tiếng cười thỏa mãn, giữa những gương mặt hào hứng và no đủ. Một phụ nữ bạn tôi đã có lần gọi tôi là “Người đi nhặt những nỗi buồn” khi nhìn thấy trong cuốn sổ tay của tôi một lô bức ảnh chụp những đứa trẻ con Irắc đang chạy trốn khỏi chiến tranh. Những tấm ảnh đó tôi cắt ra từ các tờ báo khác nhau. Chiến tranh đem lại đau khổ, mất mát cho mọi người, nhưng nhiều nhất vẫn là trẻ con - tôi buộc lòng phải nhắc lại cái điều đã xưa như trái đất đó. Tôi mất ngủ vì ánh mắt của lũ trẻ. Từ những mảnh giấy báo, chúng tội nghiệp nhìn tôi. Đấy là những câu hỏi tôi không thể giải đáp, là những lời khẩn cầu tôi không thể giúp đỡ, là những lời kết tội tôi không thể bào chữa. Tôi chắc bạn tôi sẽ còn gọi tôi là chiếc máy ghi âm nếu cô ấy biết rằng tiếng khóc của bất kỳ đứa trẻ con nào, vì bất kỳ lý do gì, ở bất kỳ đâu, luôn luôn đập vào tai tôi và ở lại đó vĩnh viễn. Tai tôi vô cùng nhậy cảm với tiếng khóc - đặc biệt là của trẻ con. Nó như cái ăngten đã được thiết đặt ở một tần số nhất định, không thể sửa đổi. Một đứa trẻ khóc có thể vì vừa vấp ngã, vì vừa đánh mất một món đồ chơi, vì đòi hỏi một cái gì đó không được. Một đứa trẻ một, hai, ba, bốn, năm tuổi khóc không khiến ta bận tâm. Nhưng khi một đứa trẻ sắp thành người lớn khóc, cũng như một người lớn khóc, nó khiến ta đau đớn. Đa phần bọn trẻ khóc vì bị người lớn đánh, với lý do chúng hư. Tôi cho rằng trên đời này không có những đứa trẻ hư. Chỉ có những ông bố hư, những bà mẹ hư, tôi hư và bạn hư mà thôi.
Quả thật, nếu người lớn chúng ta không hư thì thế giới này đã khác xa rồi. Sẽ không có những dòng sông cánh rừng bị tàn phá. Không có khủng bố và dịch cúm gia cầm. Không cả nạn lạm dụng tình dục trẻ em. Nhân loại mỗi ngày một phát triển cả thể xác và trí tuệ. Nhưng hình như nhân loại đồng thời đang tha hóa đạo đức và nhân cách. Chúng tôi ngồi đây, uống bia và đùa cợt với những cô gái phục vụ trẻ trung xinh đẹp. Trong các cô, ai là người hư và ai đang giả vờ hư? Cô gái cầm ly bia, ghé làn môi mọng chín vào thành ly tợp một ngụm nhỏ. Bạn tôi đỡ ly bia từ tay cô gái, đặt miệng đúng vào chỗ làn môi kia vừa chạm vào, làm một hơi hết sạch chỗ bia còn lại. Tiếng vỗ tay hoan hô vang lên. Người ta uống nhiều khi vui. Còn tôi ngược lại, tửu lượng tỷ lệ thuận với nỗi buồn. Những khi buồn, tôi hay một mình đối diện với chai rượu. Tôi thích uống ở một bar rượu nào đó, nơi tôi không biết ai và cũng chẳng ai để ý đến tôi. - “Uống đi anh!” - một giọng nói dịu dàng rót vào tai tôi. Không cần quay lại tôi cũng biết đấy là giọng của “cô Carlsberg”. Vừa châm bia vào ly qua vai tôi, “cô Carlsberg” vừa thì thầm đủ cho mình tôi nghe “Đã thương em thì thương cho trót...” Hoàn toàn không phải là một câu nói vô tình. Tôi cảnh giác đề phòng. Cô gái phục vụ bia này nhạy cảm và sâu sắc hơn tôi nghĩ. Bằng một cách nào đó, cô Carlsberg đã đọc được ý nghĩ của tôi. Hôm nay bạn tôi chiêu đãi, “rửa” chiếc Camry vừa mua. Lúc bước vào quán, mọi người thống nhất dùng bia Heineken, thứ bia được cho là sang trọng và cả thời thượng nhất hiện nay. Lập tức, những chai bia Heineken được mang ra. Những chai bia Heineken ướp lạnh xanh mát mắt, lấm tấm những giọt nước đọng trên thành chai, hấp dẫn tới mức mới nhìn thấy đã muốn cạn ngay một hơi. Tôi lướt mắt nhìn một lượt các cô gái phục vụ bia vây xung quanh. Tôi kịp nhìn thấy một cô mặc bộ váy áo màu xanh lá cây có hàng chữ “Carlsberg” trên ngực áo. Cô gái buông tay đứng một mình một góc. Gương mặt cô gái có vẻ biết thân phận mình. Đôi mắt cô nhẫn nại và chịu đựng. Ở thành phố chúng tôi ít người dùng bia Carlsberg. Người ta hoặc gọi Heineken, hoặc kêu thứ bia địa phương. Bia Carlsberg chỉ để dành bán cho khách vãng lai ở phía bắc vào. Nếu phải nhận tiền công theo doanh số bán hàng, tôi không chắc cô gái đủ tiền cơm chứ chưa nói gì đến những khoản linh tinh mà phụ nữ luôn luôn cần! Tôi xin phép bạn mình cho tôi dùng bia Carlsberg. Mọi người phản ứng, bảo tôi lập dị, tìm cách gây ấn tượng, muốn chơi trội. Mọi ánh mắt đổ dồn lên cô Carlsberg. Mọi người bảo tôi tinh mắt, luôn nhìn ra những cô gái đẹp! Tôi mỉm cười hứng chịu mọi lời phê phán. Các bạn tôi tốt bụng, nói đấy rồi quên đấy ngay thôi. Tôi đã quen với những lời lên án và chỉ trích. Chẳng lẽ mỗi lần như thế tôi lại giãi bày, thanh minh? Mà tôi có gì để nói? Tôi thích để mọi việc tự nó vận động. Chúng ta thường quá phụ thuộc vào những lời nhận xét của những người xung quanh mình, bị chúng chi phối, dẫn dắt!
Thực ra, tôi uống Carlsberg không hẳn vì cô Carlsberg. Tôi vừa ở Bangkok về, vẫn còn vương vấn hơi hướng của chuyến đi. Tôi và Phisack đã ngồi nhậu với nhau. Tôi tình cờ quen Phisack khi anh sang Hà Nội làm việc. Phisack gọi bia Carlsberg. Chỉ sau ngụm đầu tiên, tôi đã nhận ra vị bia hơi lạ. Tôi chậm rãi tợp thêm một ngụm, kiểm tra lại cảm giác của mình. Tôi bảo với Phisack hình như bia Carlsberg Thái Lan đắng hơn cùng thứ ở Hà Nội. Phisack khen tôi rành bia, bảo nhận xét của tôi hoàn toàn chính xác. Đại thể, tùy khẩu vị từng nơi, nhà sản xuất gia giảm hoa bia - cái thành phần làm nên vị đắng đặc trưng của bất cứ loại bia danh tiếng nào. Nhưng Phisack không dừng lại ở đó. Anh ta bảo tôi nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau là do... cái lưỡi của người Thái khác cái lưỡi của người Việt! Tôi hiểu ẩn ý của Phisack, đâu phải chỉ chuyện bia! Cái lưỡi hiện diện trong mọi ngóc ngách của đời sống. Có cái lưỡi của Êdốp và có cái lưỡi của đời thường. Chúng ta hạnh phúc, dằn vặt, đớn đau đôi khi chỉ vì một lời nói. Ông bà có câu “... lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nhưng hình như không ai trong chúng ta thực hiện nổi lời khuyên giản dị đó. Trong cơn giận dữ chúng ta sẵn sàng làm tổn thương nhau, để rồi sau đó ân hận. Cá nhân với cá nhân đã thế, còn khi chúng ta nhân danh không chỉ riêng mình, sự việc có thể còn đi xa hơn nữa! Cái lưỡi của tôi, mỗi khi tôi cần, nó sẵn sàng đáo để. Tôi vờ vô tình kể cho Phisack nghe là tối qua tôi ghé Patpong, đơn giản để biết một phần khác của Bangkok. Tôi không sao nuốt nổi một ngụm bia. Nó quá đắng khi trước mặt tôi là những thiếu nữ không một mảnh vải che thân, uốn éo khêu gợi và dung tục. Phisack bối rối. Tôi biết tôi hơi ác. Chúng tôi im lặng ngồi ngó những ly bia vàng sóng sánh, không nói và cũng không uống.
Hôm nay tôi uống Carlsberg, cố xua cái cảm giác khó chịu thực sự tôi đã phải chịu đựng ở Patpong. Hơn nữa, tôi ân hận vì đã ít nhiều làm Phisack tổn thương. Ông bà vẫn nói “Dĩ độc trị độc” mà! Bia Carlsberg thơm nhưng hơi nhạt. Vị đắng tan trong miệng, biến mất rất nhanh, để lại một cảm giác khoan khoái. Trời oi bức, cái nóng chà xát da thịt, thích hợp với mọi loại bia. Bia là thứ đồ uống khoái khẩu của mùa hè, không thể thay thế. Các bạn của tôi đã kêu đến két bia thứ ba. Một đống vỏ chai nằm lăn lóc dưới gầm bàn. Tôi hình như cũng đã cạn bốn năm lon gì đấy. Bạn tôi bảo cô Carlsberg dọn những chiếc vỏ lon trước mặt tôi, lấy chỗ đặt thêm thức ăn. Cô Carlsberg nhìn tôi dò hỏi. Tôi mỉm cười, không gật cũng chẳng lắc, ngụ ý bảo cô muốn làm gì tùy cô. Cô Carlsberg vừa cầm những lon bia vừa đếm, có ý bảo tôi rằng cô không bao giờ lợi dụng, không tính gian khi chúng tôi thanh toán.
Trong suốt khoảng thời gian nâng lên hạ xuống những ly bia với bạn bè, tôi vẫn để tâm tới con bé. Nó vẫn đứng nguyên một chỗ, chốc chốc nhìn về chỗ tôi. Vào lúc cô Carlsberg chuẩn bị mang mấy cái vỏ lon đi, tôi thấy con bé dớn dác. Nó bối rối, đôi mắt nó đột nhiên tối sầm. Linh tính mách bảo tôi có một sự liên quan nào đó giữa con bé và những chiếc vỏ lon bia. Nó nhìn tôi từ hồi nãy đến giờ, lý do vì tôi là người duy nhất uống bia lon trong quán! Tôi bảo cô Carlsberg đưa mấy cái vỏ lon cho tôi. Tôi đút chúng vào một chiếc túi nylon và tiến về phía con bé.
- Có phải con muốn mấy cái vỏ lon này không? - Tôi hỏi.
Con bé cúi mặt không nhìn tôi, không trả lời.
- Để làm gì? - Tôi tiếp tục hỏi.
Con bé vẫn không chịu mở miệng. Bàn chân nó di di trên mặt đất, giấu sự hồi hộp và lo lắng. Chúng ta thường vẫn thế, khi thành công và thất bại chỉ cách nhau gang tấc. Một con bé nhút nhát, ít giao tiếp - tôi thầm nhận xét. Sở dĩ nó đứng lì ra ở đây là vì nó đã cùng đường. Tôi quyết định tiếp cận con bé bằng cách khác. Tôi ngồi xuống, nâng cằm con bé lên. Nó không chống cự nhưng tìm cách ngó lơ, tránh cái nhìn của tôi.
- Nghe này, chú sẽ cho con những cái lon này - Tôi cố gắng thật dịu dàng - Nhưng với điều kiện con phải cho chú biết con cần chúng để làm gì.
Tôi nghe tiếng lí nhí:
- Con nộp cho cô...
- Cô nào? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
Tôi đưa tay vuốt tóc con bé. Tôi muốn khuyến khích nó. Mái tóc con bé khô và cứng. Có lẽ cả tuần rồi nó chưa gội đầu.
- Cô giáo... Cô bảo mỗi đứa phải nộp năm vỏ lon làm kế hoạch nhỏ... Nhà con nghèo, con không có vỏ lon...
Ra thế. Giọng con bé run run, âm thanh tắc trong cổ họng. Nó bảo nó sẽ không được vào lớp nếu ngày mai nó không nộp. Mà không chỉ riêng nó. Lớp của nó nhà nhiều bạn nghèo, cả đời chưa bao giờ được uống một lon nước ngọt, lấy đâu ra vỏ lon. Có bạn sợ cô giáo quá, đi ăn cắp vỏ lon, bị ba đánh và bắt nhịn cơm.
Tôi vẫn thường vứt những cái vỏ lon bia vào sọt rác. Một đôi khi, vợ tôi gom chúng lại bán cho mấy bà ve chai. Giá mỗi cái vỏ lon hình như hai trăm đồng - số tiền không đủ để mua một cây kim, cuộn chỉ hay bó tăm xỉa răng. Nhưng tôi không ngờ một thứ vô giá trị đối với tôi lại quan trọng đến thế đối với con bé. Thế đấy, nhân danh người lớn, nhân danh một mục đích tốt đẹp, chúng ta đã áp đặt và làm tổn thương lũ trẻ. Người đời thường xúm lại quanh một đám đánh nhau, không mấy ai nhìn thấy vết thương của tâm hồn.
Tôi đưa con bé mấy chiếc vỏ lon Carlsberg. Tôi rút ví cho nó một ít tiền nhưng con bé không chịu lấy. Nó chỉ xin mấy cái vỏ lon. Nó ngoan ngoãn cám ơn tôi và mất hút trong dòng người trên phố.
Buổi tối tôi gọi điện thoại cho Phisack và bảo với anh ta rằng bia ở nước tôi cũng đắng lắm!...