Ví, dặm - tâm hồn xứ Nghệ

- Thứ Tư, 19/02/2014, 08:56 - Chia sẻ
Ra đời và gắn bó với nhân dân trong quá trình lao động sản xuất, dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh mang đậm bản sắc địa phương về ca từ, giọng điệu cũng như thể hiện rõ nét tâm hồn của người xứ Nghệ. Dự kiến, tháng 11 tới, UNESCO sẽ xem xét và quyết định công nhận Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nguồn: xaluan.vn
Ví, dặm là thể hát dân ca không có nhạc đệm, do nhân dân ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo ra trong quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất, mang đậm bản sắc địa phương về ca từ, giọng điệu. Trong đó, ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co dãn một cách ngẫu hứng. Khác với ví, dặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng. Theo các chuyên gia, hiện có khoảng 15 điệu ví và 8 điệu dặm được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp như ví phường vải, ví phường nón, ví đò đưa, dặm ru, dặm kể...

Theo Giám đốc Sở VH, TT và DL Hà Tĩnh Bùi Đức Hạnh, dân ca ví, dặm thể hiện tâm hồn của người Nghệ Tĩnh, làm phong phú tâm hồn người Việt. Ban đầu, dân ca ví, dặm còn mộc mạc, xuất phát từ lời ca của những cô gái kéo sợi, đi cấy, dệt vải… Theo thời gian được gọt giũa, chỉnh sửa, nên ca từ ví, dặm dân dã, duyên dáng, nhưng cũng sắc sảo, trí tuệ, uyên bác, thể hiện chất riêng của người Nghệ. Loại hình dân ca này có nội dung phản ánh xã hội, lịch sử; thể hiện tâm tư, tình cảm (tình yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa); giáo huấn, khuyên con người sống trọng nghĩa, trọng tình... Ví, dặm có ca từ bằng thơ dân gian cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát nên luôn được trao truyền, kế thừa và sáng tạo. Ngoài lời cổ, trong hơi thở của cuộc sống, dân ca ví, dặm cũng được đặt lời mới, qua đó diễn tả tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.


Do nhiều yếu tố như chiến tranh, ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài…, dân ca ví, dặm đã có một thời tưởng chừng mai một. Tuy vậy đến nay, loại hình nghệ thuật dân gian này đang được khôi phục, thể hiện sức sống mạnh mẽ. Hiện nay, dân ca ví, dặm còn lưu truyền rộng rãi tại các làng, xã ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Hầu như xã nào cũng có CLB dân ca, đội văn nghệ quần chúng tích cực biểu diễn, truyền dạy, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, dặm. Không chỉ xuất hiện trong các lễ hội, dân ca ví, dặm còn được biểu diễn trong đời sống hàng ngày… với sức truyền tải lớn, dễ đi vào lòng người. Người Nghệ Tĩnh ai cũng biết hát, ít thì dăm ba câu, vài ba bài hoặc cả tập dân ca ví, dặm.

Tuy nhiên, trong việc bảo tồn các giá trị vốn có của dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh, điều nhiều chuyên gia băn khoăn là không gian diễn xướng của dân ca ví, dặm. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, hoàn cảnh sinh hoạt, lao động sản xuất của nhân dân cũng đã thay đổi, không gian diễn xướng của dân ca ví, dặm không còn như xưa. Theo nhiều chuyên gia, để lưu giữ, phát huy giá trị của dân ca ví, dặm, cần bảo tồn các điệu hát nguyên gốc, phục hồi các hình thức diễn xướng cộng đồng, chú trọng các hoạt động biểu diễn để dân ca ví, dặm giữ được những nét đặc sắc vốn có; bên cạnh đó, nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ các tài liệu về dân ca ví, dặm, có chế độ khuyến khích các nghệ nhân, hỗ trợ các CLB dân ca...

Để tôn vinh, quảng bá dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã được thành lập, nhằm biểu diễn nghệ thuật riêng có, đặc sắc của Hà Tĩnh, đặc biệt là dân ca ví, dặm. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phối hợp với Nghệ An và Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bộ VH, TT và DL xây dựng hồ sơ Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, sẽ được UNESCO xem xét và quyết định công nhận vào tháng 11 năm nay. Trong quá trình làm hồ sơ, các chuyên gia đã có những cuộc điền dã, nghiên cứu, khảo sát về dân ca ví, dặm tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Sắp tới, 2 hội thảo quốc tế cũng sẽ được tổ chức, nhằm làm rõ hơn những nét đặc sắc về nghệ thuật và nội dung, góp phần quảng bá dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh, đồng thời tìm cách bảo tồn nghệ thuật dân gian này. Ông Bùi Đức Hạnh cho rằng, dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh nếu được UNESCO công nhận sẽ làm vẻ vang cho Việt Nam, cho Nghệ Tĩnh, và cũng góp phần làm phong phú cho vốn văn hóa của nhân loại. Khi được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dân ca ví, dặm sẽ được bảo vệ và phát huy một cách tối đa.

Lê Thủy