Về vùng sa mạc
Người dân ở hầu hết các thành phố khác trên đất Mỹ đã quen với những thảm cỏ xanh mướt trước sân nhà, những tán rừng rợp bóng, khi đến El Paso hẳn sẽ sốc với cái nắng như dựng đứng cả mặt đất lên...
1.Ấn tượng cũng như kỷ niệm của tôi về El Paso, tất thảy nằm trong cuốn sách và bộ phim cùng tên “No country for old men” (Không có đất dành cho người già). Miền đất ấy, như ám chỉ của tác giả tiểu thuyết, không có ai già nổi ở đó hết, vì tất thảy đã chết từ khi còn trẻ, bởi tội ác, loạn lạc…
“Một người một ngựa, họ băng qua sa mạc cằn khốc, ngày đội nắng cháy da, đêm đốt lửa ngồi nhìn lên bầu trời thăm thẳm. Những con người lì lợm, bất khuất ấy đã góp phần hình thành lịch sử nước Mỹ, tính cách Mỹ...” |
Trong các bộ phim cao bồi viễn tây xưa, hiếm phim nào không từng nhắc tới El Paso. Đó là tụ điểm của những tay giang hồ bất hảo, của những sát thủ lẩn trốn luật pháp, của các băng đảng buôn lậu, buôn ma túy xuyên quốc gia.
Với địa thế vùng biên, hợp thành bởi hai quốc gia Mỹ và Mexico - đồng thời, phía Mỹ là biên giới của hai tiểu bang Texas và New Mexico. El Paso nằm giữa sa mạc khô cằn, cùng những dãy núi đầy cỏ cháy, xương rồng, gai nhọn…
Hất từ El Paso về phía Tây, biên giới Mỹ - Mexico được chia thành những đoạn thẳng, nhưng kể từ El Paso hất về phía Đông, biên giới này được phân định bằng con sông nổi tiếng Rio Grande. Dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Colorado, đổ ra vịnh Mexico, với chiều dài hơn ba nghìn km. Rio Grande ghi dấu hàng vạn cuộc vượt biên đau đớn của cư dân châu Mỹ Latin vào Mỹ Quốc, mà gần đây nhất là vụ hai cha con người El Sanvador chết đuối khi vượt biên qua con sông này, vào tháng 6.2019...
Không hiểu sao, từ rất lâu rồi, ấn tượng sâu sắc của mình về nước Mỹ không phải là những thành phố khổng lồ, những cánh rừng xanh biếc, những đồng bằng bao la… mà tôi lại rất thích, rất mê vùng sa mạc. Tôi đã coi hàng trăm bộ phim Mỹ, nhưng luôn lùng tìm những bộ phim có bối cảnh sa mạc để coi. Và khi đọc tiểu thuyết cũng vậy, tôi cực kỳ mê Comac McCathy, ông là một trong những tác giả lớn nhất của văn học Mỹ hiện nay, nhưng hơn thế, ông luôn viết về vùng sa mạc phía nam. Trong các bộ phim cũng như tiểu thuyết ấy luôn có hình ảnh những con người cô đơn, hoang dã, lì lợm, nhưng vô cùng hào sảng, khao khát tự do… Một người một ngựa, họ băng qua sa mạc cằn khốc, ngày đội nắng cháy da, đêm đốt lửa ngồi nhìn lên bầu trời thăm thẳm. Những con người lì lợm, bất khuất ấy đã góp phần hình thành lịch sử nước Mỹ, tính cách Mỹ - cũng có thể đã đủ lâu để gọi là dân tộc tính.
Tôi luôn mơ được lái xe băng qua sa mạc Mỹ. Nơi có những trạm xăng nằm lẻ loi xa vắng giữa mênh mông trời đất; những dãy motel (lữ quán) hắt heo đèn sáng đêm đêm - mang nhiểu ẩn họa hơn là ấm áp… Và lạnh gáy hơn thế nữa là mấy tay tài xế xe tải bí ẩn, lầm lì, bước xuống từ những cỗ xe khổng lồ trong ánh sáng thanh vắng hắt ra từ mấy trạm xăng… Đó chính là cảm giác của cung đường từ Houston qua El Paso.
![]() |
Tốc độ tối đa theo quy định khi chạy xe trên phần lớn cung đường này là 80 miles/h (130km). Tuy nhiên, với dân cao bồi sa mạc, họ thường đạp lên tới 90 - 100 miles ở những đoạn đường vắng, nhất là từ khi GPS và Google Maps có chức năng… báo cảnh sát phía trước.
Nhiều bạn nói, rất chán khi lái xe qua sa mạc, vì cảnh trí quá đơn điệu. Nhưng với kẻ mang trong mình chút ít dòng máu… chăn trâu, có thể coi như gần với chăn bò (cowboy), tôi như đang trở về… tiền kiếp hoang dã. Xe lượn giữa những ngọn núi vàng rực, bầu trời trên đầu cao xanh chới với. Những tảng mây vĩ đại cuồn cuộn nối tới mờ xa. Thi thoảng, một cơn mưa hùng vĩ trút những thác nước khổng lồ nối trời và đất… Ôi chao, lồng ngực tôi như muốn nổ tung vì sướng!
Quãng đường gần 800 miles (gần 1.300km, bằng từ Sài Gòn ra Hà Tĩnh), theo tính toán của Google Maps, nếu chạy liên tục sẽ mất 10 giờ 45 phút (trung bình 125km/h). Tôi nuốt nó trong gần 12 tiếng, kể cả các chặng nghỉ và ăn trưa.
Và El Paso đón tôi với cảm giác bình an không tưởng. Thật vô cùng bất ngờ, khi tìm kiếm thông tin từ Google, kể từ năm 1997 đến nay, El Paso luôn được xếp hạng là một trong những thành phố an toàn nhất nước Mỹ, với tỷ lệ tội phạm rất thấp, cùng nhiều chỉ số an toàn khác…
Người dân ở hầu hết các thành phố khác trên đất Mỹ đã quen với những thảm cỏ xanh mướt trước sân nhà, những tán rừng rợp bóng, khi đến El Paso hẳn sẽ sốc với cái nắng như dựng đứng cả mặt đất lên. Nhiệt độ ban ngày vào mùa hè ở El Paso thường xuyên duy trì trên 100 độ F, tức khoảng xấp xỉ 40 độ C. Nằm chính giữa nội địa Bắc Mỹ, tính theo cả 4 hướng, những cơn gió đại dương thổi vào đến đây đã bị mài kiệt hơi nước, nên cây cỏ trở nên cằn cỗi. Khi khoan xuống mặt sa mạc, khả năng… đụng dầu thô sẽ cao hơn đụng nước. Quả vậy, nếu bạn mở bản đồ Google Maps, để ở chế độ vệ tinh (satellite), rọi xuống vùng miền Tây Texas, bạn sẽ thấy những đốm trắng li ti, liên kết theo mạng lưới, như thể một bảng vi mạch máy tính. Mỗi cái đốm trắng ấy chính là một giếng dầu, nếu phóng lớn hết cỡ.
Đến El Paso, việc đầu tiên của chúng tôi là ghé siêu thị kiếm thịt bò, măng tây đem về nướng, lai rai cùng bia lạnh sau cả ngày lái xe. Những miếng bò vạm vỡ, bự hơn bàn tay xòe ra, dày chừng lóng tay, cắn vô có cảm giác nó tan trong miệng vì mềm, ngọt nhức nhối...
2.Sáng hôm sau, chúng tôi đem “đồ nghề” ra cửa khẩu biên giới. Tuy nhiên, trước đó phải ghé Starbucks, làm một ly theo tập quán dân Sài Gòn. “Sáng dậy phải có ly cà phê, điếu thuốc lá”. Nhưng điều này chỉ đúng một nửa. Toàn bộ hệ thống Starbucks trên đất Mỹ đã cấm hút thuốc cả trong quán cũng như khuôn viên sân vườn bên ngoài. Muốn phì phèo, xin mời… đi cho khuất mũi những người khác ngồi trong quán. Nhà văn Orhan Pamuk từng viết trong ký sự đi Mỹ: “Ở New York chỉ có hai loại người, loại không hút thuốc và loại hút thuốc”. Dân hút thuốc đang ngày càng bị “kỳ thị” trên hầu khắp đất Mỹ, chứ chẳng riêng New York.
Nhâm nhi ly cà phê, mà lấy làm lạ cho một đất nước không trồng được hột cà phê nào, nhưng hệ thống quán cà phê của họ phủ khắp thế giới, với lợi nhuận khổng lồ. Nhấp một ngụm cà phê vào, hoàn toàn yên tâm đó là cà phê thật. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu mọi sắc dân, Starbucks giờ đây đã có những ly cà phê mang khẩu vị cực kỳ giống cà phê… vỉa hè Việt Nam, đậm quắn lưỡi! Trong khi đó, một đất nước khác, trồng bạt ngàn cà phê, nhưng đời sống của những người tạo ra nó lại vô cùng bấp bênh. Còn người uống cà phê, mua cà phê, hoàn toàn không dám khẳng định mình đang được uống một ly cà phê thật(!).
Trong khi chờ cà phê được mang ra, tôi chú ý một người đàn ông dáng vẻ có phần hoang dại, xốc xếch, ngồi một mình trong quán. Ban đầu, tôi tưởng ông ta đang nói chuyện qua điện thoại, nhưng ngó kỹ hơn mới phát hiện ông ta… nói một mình! Sau khi thấy đám khách Á Châu ngồi bàn kế bên, ông ta bỗng quay qua, bắt chuyện: Gốc các bạn ở quốc gia nào? Sau khi nghe đáp, Việt Nam, mặt ông ta rạng lên, giọng nói hoàn toàn không có vẻ gì là “tửng” như cái cách độc thoại vừa đây: Tui là cựu binh Hoa Kỳ, từng đóng quân nhiều năm ở Pleiku và Bình Định. Và ông ta bắt đầu tung nhiều câu, nhiều từ… tiếng Việt, khiến bọn tôi choáng váng. Thậm chí, ông còn phân biệt được phương ngữ, âm hưởng mỗi từ qua từng vùng miền Trung - Nam và so sánh chúng với tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Nhật... Có vẻ quãng thời gian dù đã lùi xa hơn nửa thế kỷ vẫn không che nổi ký ức sống động của ông. Và ông là một người có trí tuệ hết sức đáng nể! Có điều, có vẻ như ông đang mang hội chứng sang chấn tâm lý hậu chiến và hiện đang rơi vào tình thế homeless - không nhà cửa.
Rời Starbucks, chúng tôi trực chỉ hướng cửa khẩu biên giới, cách đó chỉ ít phút lái xe. Câu chuyện về vùng biên, về người nhập cư, về bức tường “huyền thoại” với bao bàn cãi… giờ đây hiển hiện trước mắt tôi.
Ngay kề cửa khẩu biên giới là một bảo tàng nhỏ nằm trong công viên khá xanh tốt so với tổng thể El Paso. Bảo tàng mang tên Chamizal National Memorial, nơi lưu giữ những hiện vật của quá trình ký kết văn bản hợp tác giữa Mỹ và Mexico năm 1963. Chúng tôi chọn đậu xe trong bảo tàng này để có thể nhìn trọn cửa khẩu biên giới.
Bức tường biên giới khá thấp so với hình dung của nhiều người. Tuy nhiên, đó là đoạn tường chạy qua đô thị, nơi có rất ít người vượt biên dám trèo qua, ở những vùng hoang vắng, nó cao hơn rất nhiều. “Bức tường này mới chỉ hình thành cách đây 3 tháng, theo sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump. Hơn 3 tháng về trước, chiều chiều tôi có thể chạy ra dòng Rio Grande, bơi vài vòng. Giờ có bức tường thì chịu thua rồi”, ông hướng dẫn viên cho biết.
Tôi để ý thấy bóng một cô gái, ngồi lẻ loi trên chiếc ghế dưới tán cây, giữa thảm cỏ xanh, sau lưng là bức tường. Ông hướng dẫn viên nói: À, đây là một học sinh trốn học, nhà ở bên kia biên giới… Và câu chuyện dẫn tới một sự việc mà báo chí từng đăng tải: Có rất nhiều người vượt biên trái phép từ Mexico vào Mỹ đã kịp sinh những đứa con trên đất Mỹ. Theo hiến pháp Hoa Kỳ, những đứa trẻ sinh ra trên đất Mỹ nghiễm nhiên là công dân Mỹ, được học hành miễn phí tại Mỹ. Tuy nhiên, sau khi sinh ra những đứa trẻ này, ba mẹ chúng bị bắt trong những đợt truy quét dân nhập cư lậu. Họ bị trục xuất về bên kia biên giới. Những đứa trẻ phải sống cùng ba mẹ ở bên kia biên giới, nhưng vẫn muốn thụ hưởng nền giáo dục Mỹ - mà chúng là công dân. Vì vậy, cứ mỗi sáng, từ 3 đến 4 giờ, có khoảng 400 đứa trẻ, riêng tại El Paso, đi bộ rời nhà từ phía Mexico, nhập cửa khẩu Hoa Kỳ, vô trường học. Sau khi tan học, lúc 4 giờ chiều, chúng lại đi bộ về nhà ở bên kia biên giới. Một nỗ lực lớn lao, chỉ để học trường Mỹ, dù chúng hoàn toàn có thể theo học những ngôi trường ngay sát nhà. Cô gái cô đơn mà tôi bắt gặp là một trong số những đứa trẻ ấy.
Tôi bước tới sát hàng rào, nơi có trạm gác phía Hoa Kỳ. Bên trái trạm gác là đất Mỹ, bên phải trạm gác, ngay trước mặt tôi là vùng đệm, người và xe coi như đã rời đất Mỹ. Dòng xe từ phía Mỹ qua Mexico được thông quan rất nhanh, nên lướt ào ào. Ngược lại, dòng xe từ phía Mexico vào Mỹ bị kiểm soát kỹ lưỡng, nên dồn ứ cả hàng dài dằng dặc. Muốn ra khỏi Mỹ, rất dễ! Còn muốn vào Mỹ, hơi… mệt! Cho dù từ một đất nước không hề tệ như Mexico. Mexico là nền kinh tế lớn thứ 15 thế giới, trên cả Ả Rập Saudi, Thụy Sĩ, Hà Lan… (số liệu của IMF năm 2018). Thu nhập trung bình đầu người (GDP) gần 20 ngàn đô. Và hẳn nhiên, với số người gốc Mexico ngập tràn lãnh thổ Mỹ, điện thoại, internet kết nối dễ dàng, mọi thông tin về miền đất bên này không thể là những thông tin bị thổi phồng, hay “ảo tưởng miền đất hứa”. Sự chênh lệch về mọi mặt là có thực, vì thế dòng người vượt biên, bất chấp hiểm nguy vẫn cứ mãi dài ra…
3.Sau khi rời khu cửa khẩu biên giới, chúng tôi đến một trong những địa điểm có thể coi như… nặng nề nhất hành trình. Nơi mà ngày 3.8 mới đây, một sát thủ đã xả súng vào những khách hàng tại siêu thị Walmart - El Paso, ngay trong ngày mua sắm mùa tựu trường.
Sau lưng siêu thị, chính quyền và người dân đã thiết lập riêng một con đường dài khoảng 400m, làm con đường tưởng niệm. Nhiều nhất vẫn là hoa, cùng những bức tranh, những tấm thiệp, những cây thập giá, những chú gấu bông, những câu nhắn gởi trên một miếng bìa cứng… Nhưng nổi bật lên tất cả, cũng như được nhắn gởi nhiều nhất là câu slogan ELPASOSTRONG.
Đây là câu slogan được treo dày đặc khắp El Paso trong những ngày này. Chúng có mặt trên những tấm bảng quảng cáo lớn dọc xa lộ, chúng hiện diện khắp các khu thương xá, hoặc chúng có thể được viết vội vã trên một bờ tường nào đó. Một cách chơi chữ khá đa tầng, với nghĩa gốc là: “El Paso hãy mạnh mẽ lên!”. Như chính El Paso hiện tại đã lột xác diệu kỳ từ một thành phố đầy bất an, xấu xí của những thập niên trước. Giữa hàng trăm, hàng ngàn thành phố Mỹ, El Paso mười mấy năm trời luôn lọt vào bảng xếp hạng những thành phố an toàn nhất, cho tới khi xảy ra vụ xả súng...