Về với làng quê

- Thứ Ba, 17/11/2020, 07:18 - Chia sẻ
Nét đẹp, những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt đọng lại ở những làng nghề truyền thống. Từ mong muốn gìn giữ, lan tỏa các giá trị ấy, Ngô Quý Đức đã sáng lập dự án "Về làng", đưa công chúng trở lại không gian yên bình, mộc mạc, với những tinh hoa đã được nâng niu kế thừa qua nhiều thế hệ.

Tìm lại nghề truyền thống

- Khởi đầu là xây dựng thư viện trực tuyến về văn hóa, lịch sử, con người Hà Nội; rồi dự án đưa trò chơi dân gian xuống phố vào những ngày cuối tuần trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm; và mới đây là dự án “Về làng”. Điều gì khiến anh đều đặn tổ chức các chuyến đi về làng quê như vậy?

Các chuyến đi đưa mọi người trở về với nghề truyền thống - Ảnh: Về Làng
Các chuyến đi đưa mọi người trở về với nghề truyền thống
Ảnh: Về Làng

- Hơn chục năm gắn bó với nghề thủ công, qua những tìm hiểu, tiếp xúc với nghệ nhân, tôi thấy hiện nay rất nhiều nghề của ông cha bị mai một. Chính vì thế, tôi muốn cùng với nghệ nhân lan tỏa những giá trị, nét đẹp của nghề truyền thống, đưa sản phẩm thủ công đến cộng đồng. Dự án "Về làng" ra đời với mục tiêu ấy.

Hành trình của những chuyến đi tìm lại các giá trị, nét đặc sắc của làng quê, của nghề thủ công truyền thống cũng có thể nói là cái duyên. Dự án "Về làng" tuy mới ra đời, nhưng nhiều chuyến đi về vùng thôn quê đã diễn ra trước đó. Chuyến đi đầu tiên tôi tổ chức cho mọi người về làng nghề là năm 2008, khi có 2 người bạn từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, muốn đi chụp ảnh làng nghề. Chuyến đi ấy kéo dài 2 ngày, mỗi ngày khám phá 5 - 6 làng nghề quanh Hà Tây cũ, mọi người rất thích thú. Từ đó tôi đi sâu tìm hiểu về làng nghề và tổ chức các chuyến đi thường xuyên hơn.

- Hiện nay, các tour du lịch làng nghề được nhiều đơn vị lữ hành quan tâm khai thác. Các chuyến "Về làng" có gì khác biệt?

- Nhiều tour du lịch đã được tổ chức tới những làng nghề nổi tiếng của Hà Nội như Bát Tràng, Vạn Phúc... Nhưng tôi lại hướng đến những làng nghề hầu như chưa có tuyến du lịch nào tới, chưa có nhiều khách du lịch biết đến, khung cảnh đơn sơ, đậm chất làng quê, người dân mộc mạc.

Hiện nay, "Về làng" mới chọn các nghề đặc trưng, liên quan đến tre trúc, mây, tơ lụa, gốm sứ… Dần dần, tôi hướng đến các làng có nghề truyền thống đang nguy cơ mai một. Mục tiêu là làm sao qua các chuyến đi, mọi người hiểu hơn, thậm chí có những bên quan tâm, phối hợp với nghệ nhân để có phương án bảo tồn và phát triển nghề.

- Tập trung vào du khách ở Hà Nội và những vùng xung quanh, các chuyến đi "Về làng" được tổ chức ra sao để công chúng hiểu hơn các giá trị xưa, góp phần chung tay gìn giữ nghề truyền thống?

- Mỗi chuyến đi giới hạn số lượng, không tổ chức quá đông, khoảng 20 - 40 người. Mọi người tìm hiểu lịch sử làng nghề truyền thống; tiếp xúc và giao lưu với nghệ nhân - người đang gìn giữ nghề. Người tham dự cũng được trải nghiệm trực tiếp làm sản phẩm thủ công, thấy được các công đoạn, sự tỉ mỉ, kỳ công để làm ra sản phẩm. Sản phẩm do họ tự tay làm sẽ được mang về, như một món quà, điều này giúp họ gắn bó và hiểu thêm về giá trị của nghề thủ công.

Mọi người cũng có thể tìm hiểu sâu hơn lịch sử văn hóa của làng qua việc tham quan di tích, đình đền chùa, tham quan nhà nghệ nhân. Điều này, công chúng khó được trải nghiệm khi ở Hà Nội.

Nhu cầu về làng rất đa dạng

- Quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống, lan tỏa, làm sống lại những sản phẩm, làng nghề tưởng chừng đã bị mai một, các chuyến đi về làng quê thời gian qua được công chúng hưởng ứng ra sao?

	Anh Ngô Quý Đức (giữa) mong muốn lan tỏa những giá trị, nét đặc sắc của làng quê Ảnh: NG. Phương
Anh Ngô Quý Đức (giữa) mong muốn lan tỏa những giá trị, nét đặc sắc của làng quê
Ảnh: NG. Phương

- Mỗi chuyến đi hướng tới đối tượng riêng. Ví dụ, gần đây dự án tổ chức chuyến “Về làng tre trúc”, cho mọi người trải nghiệm các làng ở Bắc Ninh: Làng nghề tranh Đông Hồ, nghề gạo ở Gia Bình, tre trúc ở Xuân Lai. Đối tượng tham gia chuyến đi hầu hết làm trong lĩnh vực nội thất, nhiếp ảnh, kiến trúc, quan tâm đến sản phẩm, chất liệu về tre cho công trình của họ, hay tham quan làng để tìm ra góc đẹp để có những bức ảnh ưng ý.

Chuyến đi “Về làng - Sợi tơ vàng dệt xuyên thế kỷ” lại đưa mọi người về tìm hiểu về lụa tơ tằm Nha Xá, thăm làng may áo dài Trạch Xá. Khách tham gia được trải nghiệm cuộc sống của làng nghề dệt lụa Nha Xá đã tồn tại và phát triển 7 thế kỷ qua, trực tiếp xem những công đoạn như dệt, nhuộm tại các xưởng trong làng; không gian trưng bày của làng nghề; tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của làng Trạch Xá và gặp gỡ, giao lưu với nghệ nhân may áo dài tại làng để tìm hiểu về áo dài truyền thống, các kỹ thuật may dưới góc nhìn của một người làm nghề, trải nghiệm kỹ thuật khâu tay… Chuyến đó hầu hết là các chị em đam mê về lụa và áo dài.

Còn chuyến đi "Về làng trải nghiệm Trung thu" tập hợp các gia đình, bố mẹ cùng con trải nghiệm làm đèn ông sao và tìm hiểu về những món đồ chơi Trung thu xưa... Điều đó cho thấy, nhu cầu về làng hiện nay cũng rất đa dạng.

- Tổ chức các chuyến đi như vậy, anh và cộng sự gặp thuận lợi, khó khăn ra sao?

- Chuyến đi của chúng tôi được các làng nghề ủng hộ. Nghệ nhân rất vui khi có các đoàn khách đến tham quan và trực tiếp trải nghiệm. Họ sẵn sàng cùng nhóm tạo điều kiện cho mọi người tìm hiểu về nghề một cách sâu nhất có thể.

Tuy vậy, cái khó hiện nay là làm sao mọi người hiểu và quan tâm hơn về các giá trị văn hóa, giá trị truyền thống của làng nghề để họ có thể tham gia các chuyến đi, góp phần chung tay gìn giữ nghề truyền thống, chưa nói đến phát triển.

- Dự định sắp tới của anh trong việc gìn giữ và phát triển nghề thủ công truyền thống?

- Ngoài tiếp tục tổ chức các chuyến đi "Về làng", tôi cũng đang xúc tiến thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghề thủ công Việt Nam để gìn giữ và đưa nghề thủ công phát triển ra thế giới.

- Xin cảm ơn anh!

Ngọc Phương