Về thể thức, kỹ thuật trình bày nghị quyết của HĐND

Lê Thanh 11/09/2012 13:58

Thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản, nhất là nghị quyết HĐND đòi hỏi sự chính xác trên cơ sở Luật Tổ chức HĐND và UBND; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; Nghị định, thông tư về công tác văn thư. Người viết mạnh dạn đưa ra quan điểm của mình, rất mong sự trao đổi, thảo luận để làm sáng tỏ vấn đề trên cơ sở pháp luật và thực tiễn.

Để bảo đảm tính nghiêm túc, thống nhất trong trình bày văn bản nói chung, văn bản của HĐND nói riêng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2004/NĐ – CP ngày 8.4.2004 về công tác văn thư, Liên bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông tư 55/2005/TTLT – BNV – VPCP hướng dẫn về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản (Thông tư 55). Qua 5 năm thực hiện, bên cạnh mặt tích cực, các văn bản nêu trên đã bộc lộ những bất cập như: chưa quy định về văn bản của Thường trực HĐND, các ban của HĐND; việc điều chỉnh hình thức văn bản hành chính thông thường và văn bản quy phạm pháp luật trên cùng một văn bản luật làm cấp thực hiện gặp khó khăn, lúng túng. Để khắc phục tồn tại trên, Chính phủ đã ban hành Thông tư 09/2010/NĐ – CP ngày 8.2.2010 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 110 (Nghị định 09) trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản đối với văn bản hành chính thông thường; đối với Văn bản quy phạm pháp luật thì giao cho Bộ Tư pháp. Thực hiện khoản 3 Điều 1 Nghị định 09, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 01/2011/TT – BNV ngày 19.1.2011 ban hành văn bản hướng dẫn về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản hành chính thông thường (Thông tư 01).

Qua thực tế công tác triển khai Thông tư 55 và Thông tư 01 từ Kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh Cao Bằng Khóa XV đến nay vẫn có cách hiểu khác nhau. Gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ Tư, việc chỉnh sửa kỹ thuật trình bày văn bản vẫn được đặt ra. Do vậy việc phân tích các quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản để có cách hiểu thống nhất là hết sức cần thiết.

Về căn cứ thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản của HĐND

Có ý kiến cho rằng, sau khi Thông tư số 01 ra đời thì Thông tư 55 đã hết hiệu lực. Do vậy về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản đối với nghị quyết HĐND sẽ áp dụng theo Thông tư 01. Quan điểm ngược lại cho rằng Thông tư 01 chỉ có hiệu lực đối với các văn bản hành chính được ban hành trong hoạt động của HĐND. Phần hướng dẫn cho Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật vẫn áp dụng theo Thông tư 55. Cách hiểu này hoàn toàn đúng theo quy định hiện hành, vì căn cứ vào Điều 18 Thông tư 01 thì thông tư này chỉ áp dụng đối với văn bản hành chính. Đối với văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn (điểm đ khoản 3 Điều 1 Nghị định 09). Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, văn bản này chưa được ban hành. Do đó việc áp dụng thể thức, kỹ thuật trình bày nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật của HĐND vẫn thực hiện theo Thông tư 55 cho đến khi có văn bản thay thế.

Về hiệu lực văn bản trong nghị quyết HĐND

Có ý kiến cho rằng, không quy định hiệu lực văn bản trong nghị quyết của HĐND. Đây là cách hiểu không đúng, vì theo quy định tại Điều 5, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND, Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND phải quy định hiệu lực về thời gian, không gian và đối tượng áp dụng. Như vậy, đối với nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật của HĐND bắt buộc phải quy định về thời gian có hiệu lực pháp luật của văn bản (ví dụ: nghị quyết của HĐND tỉnh là 10 ngày kể từ ngày HĐND thông qua).

Việc ký chứng thực nghị quyết của HĐND

Hiện nay thể thức, kỹ thuật trình bày nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật của HĐND được thực hiện theo mẫu số 1.2 Thông tư 55. Các mẫu ban hành kèm theo Thông tư 55 có giá trị bắt buộc thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế, việc áp dụng mẫu trên vẫn có sự khác nhau. Nhất là về mẫu thể hiện sự chứng thực của Chủ tịch HĐND. Có nghị quyết thể hiện đúng mẫu 1.2: “Nghị quyết này đã được HĐND... (1) ... Khóa... kỳ họp thứ... thông qua./.” thành một dòng riêng. Có nghị quyết lại thể hiện đoạn trên thành một điều luật. Thậm chí có ý kiến đề nghị bỏ dòng này.

Theo tôi, áp dụng đúng, là thực hiện đúng mẫu quy định, có nghĩa là cụm từ nói trên phải được thể hiện thành một dòng riêng. Cách thể hiện như vậy xuất phát từ quy định của Điều 50 Luật Tổ chức HĐND và UBND là: “Nghị quyết của Hội đồng nhân dân do Chủ tịch Hội đồng nhân dân ký chứng thực”. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao là ký chứng thực mà không phải ký thay mặt. Căn cứ vào Điều 1 Luật Tổ chức HĐND và UBND thì: “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. Cho nên Chủ tịch HĐND chỉ có thể ký chứng thực (xác nhận là đúng) mà không ký thay mặt. Dòng chữ: “Nghị quyết này đã được...” chính là sự phản ánh chính xác các điều luật và bản chất từ chứng thực trên bình diện ngôn ngữ. Việc thể hiện thành một điều luật hoặc bỏ không thể hiện trên văn bản là không đúng với quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày thẩm quyền ký chứng thực của Chủ tịch HĐND.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Về thể thức, kỹ thuật trình bày nghị quyết của HĐND
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO