Về thẩm quyền của HĐND đối với việc xem xét, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái luật
Trong lĩnh vực xây dựng chính quyền, HĐND các cấp có thẩm quyền bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định, chỉ thị trái pháp luật của UBND cùng cấp và nghị quyết trái pháp luật của HĐND cấp dưới trực tiếp. Vấn đề này được quy định cụ thể đối với HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tương ứng, tại khoản 7 Điều 17, khoản 3 Điều 25 và khoản 3 Điều 34 của Luật Tổ chức HĐND và UBND ban hành năm 2003.

Để thực hiện thẩm quyền đó HĐND phải thông qua các hoạt động đã được pháp luật quy định, nhất là hoạt động giám sát. Khoản 1 Điều 62 Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định: “Khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của mình thì HĐND xem xét, quyết định việc bãi bỏ văn bản đó”.
Quy trình xem xét, quyết định vấn đề nói trên theo trình tự: đại diện Thường trực HĐND trình văn bản có dấu hiệu vi phạm; HĐND thảo luận, xem xét các nội dung của văn bản có dấu hiệu vi phạm. Cuối cùng, HĐND ra nghị quyết về các vấn đề vi phạm và việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó. Quy định như vậy là rất chặt chẽ, tuy nhiên, việc vận dụng trong thực tiễn có những bất cập.
Theo quy định, không phải là Thường trực hay các ban của HĐND mà phải là HĐND mới có thẩm quyền để xem xét, quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp. Luật pháp cũng quy định, mọi quyết định của HĐND đều phải thực hiện tại kỳ họp. Song, không phải lúc nào HĐND cũng tổ chức ngay kỳ họp để xem xét và bãi bỏ các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Thông thường, các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND được ban hành sau các kỳ họp của HĐND các cấp (định kỳ một năm 2 lần), khi phát hiện vi phạm thì đã có hiệu lực thi hành. Trong thực tế, chưa có trường hợp nào HĐND tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản có vi phạm, mà phải đợi đến kỳ họp gần nhất mới xem xét và quyết định được. Trong khi chờ HĐND họp để xem xét, quyết định, các văn bản vi phạm vẫn có hiệu lực thi hành nên hậu quả gây nên là tất yếu.
Thực tế cho thấy, việc xem xét, thẩm tra một văn bản quy phạm pháp luật để khẳng định có hay không những nội dung trái với pháp luật không quá khó và không nhất thiết phải toàn thể HĐND mới thực hiện được. Rất nhiều trường hợp vẫn có thể giải quyết được mà không chờ đến quyết định của HĐND tại kỳ họp. Quá trình thực hiện tốt các giải pháp nhằm đáp ứng đúng và nhanh các nhu cầu pháp lý của xã hội theo tinh thần cải cách hành chính ở nhiều địa phương đã khẳng định điều đó. Thực tiễn quá trình phát triển luôn đòi hỏi sự điều chỉnh của pháp luật. Quy chế hoạt động của HĐND quy định: “Khi xét thấy văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật... Thường trực HĐND có quyền yêu cầu cơ quan ban hành văn bản sửa đổi văn bản và áp dụng các biện pháp cần thiết khác...”. Đây là điều kiện thuận lợi để hạn chế những bất hợp lý nói trên. Hầu hết các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, khi có văn bản yêu cầu của Thường trực HĐND đều thực hiện việc điều chỉnh, sửa đổi lại kịp thời mà không phải đợi đến quyết định của HĐND tại kỳ họp. Tuy nhiên, Quy chế cũng quy định: “Trong trường hợp cơ quan ban hành văn bản không thực hiện yêu cầu thì Thường trực HĐND trình HĐND xem xét, quyết định”. Như vậy là lặp lại sự rắc rối như ban đầu cũng phải chờ đến kỳ họp HĐND mới ngăn chặn những hậu quả mà văn bản vi phạm gây ra.
Để ngăn chặn kịp thời những ảnh hưởng tiêu cực của văn bản trái quy định, bảo đảm quy định chặt chẽ của pháp luật trong việc giao thẩm quyền quyết định của HĐND tại kỳ họp, nên điều chỉnh nội dung của khoản 4 Điều 60 Quy chế hoạt động của HĐND như sau: “Khi xét thấy văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp hoặc HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái pháp luật, Thường trực HĐND có quyền yêu cầu cơ quan ban hành văn bản sửa đổi lại văn bản. Trong trường hợp cơ quan ban hành văn bản không thực hiện sửa đổi lại văn bản thì Thường trực HĐND có quyền đình chỉ thi hành văn bản cho đến khi có quyết định của HĐND tại phiên họp gần nhất và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đình chỉ của mình”. Điều chỉnh theo hướng trên là giao thêm thẩm quyền cho Thường trực HĐND các cấp trong việc thực hiện các biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn kịp thời những trường hợp vi phạm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc điều chỉnh như vậy còn bảo đảm tính khả thi cho các quy định nói trên, góp phần cải cách hành chính, bảo đảm cho mọi vấn đề đều được giải quyết nhanh, hiệu quả.