Về tay nhóm Xuân Thiện, được nhiều đại gia chi nghìn tỷ đầu tư, XTSC bắt đầu báo lãi trở lại
Chứng khoán Xuân Thiện báo lãi trước thuế hơn 3,2 tỷ đồng sau khoản lỗ 2 tỷ trong quý 1 liền trước.
Dữ liệu hoạt động kinh doanh vừa công bố cho biết, quý 2/2025, Chứng khoán Xuân Thiện (XTSC) có doanh thu hoạt động quý 2 đạt 7,47 tỷ đồng, tăng đột biến 401% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân do kỳ này công ty phát sinh 7 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán (quý 2/2024 không có khoản thu này). Bên cạnh đó, lãi từ tài sản HTM gần 480 triệu, đây là lãi từ hợp đồng tiền gửi. Tính đến cuối quý 2/2025, XTSC ghi nhận số dư 37 tỷ tiền gửi có kỳ hạn từ 3-6 tháng.

Chi phí hoạt động trong quý 2 tăng mạnh từ gần 9 triệu trong cùng kỳ năm trước lên hơn 550 triệu đồng. Bên cạnh đó, chi phí QLCTCK xấp xỉ 3 tỷ.
Kết quả, Chứng khoán Xuân Thiện báo lãi trước thuế hơn 3,2 tỷ đồng, có lãi trở lại sau khoản lỗ 2 tỷ trong quý 1 liền trước.
Như vậy, sau nửa năm 2025, XTSC lãi sau thuế gần 600 triệu và vẫn đang lỗ lũy kế hơn 66 tỷ đồng. Năm nay, XTSC lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 179 tỷ và LNST 70 tỷ, lần lượt tăng 1.205% và hơn 19.800% so với năm trước. Sau nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành chưa đến 1% mục tiêu lợi nhuận năm.
Trước đó, vào tháng 6, Công ty cổ phần chứng khoán Sen Vàng (GLS) công bố biên bản và nghị quyết đại hội cổ đông thường niên 2025.
Theo đó, Đại hội có sự tham dự của 4 cổ đông lớn, gồm Công ty TNHH TM nông nghiệp Khang An nắm 20% vốn, cùng 3 cá nhân khác: bà Thái Kiều Hương (15,13% vốn), ông Lê Huy Dũng (20,03%) và ông Hồ Ngọc Bạch (19,88%).
Tại đại hội năm nay, GLS đã trình cổ đông thông qua việc đổi tên thành Công ty cổ phần chứng khoán Xuân Thiện (viết tắt: XTSC).
Thông tin từ ban lãnh đạo GLS, việc đổi tên nêu trên xuất phát từ việc công ty có sự tham gia của cổ đông lớn là Công ty An Khang - một thành viên trong hệ sinh thái thuộc Tập đoàn Xuân Thiện.
Thay đổi tên công ty là cách thức để tận dụng và thừa kế giá trị thương hiệu cùng nội lực từ Tập đoàn Xuân Thiện - một doanh nghiệp lớn.
Bên cạnh đổi tên, GLS cũng trình kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng - con số được ban lãnh đạo đánh giá phù hợp với bối cảnh hiện tại, thể hiện sức mạnh tài chính của cổ đông lớn và là bước khởi đầu để công ty gia nhập cuộc chơi mạnh mẽ.
Đồng thời, GLS cũng thông tin về việc dự kiến chào bán riêng lẻ 165 triệu cổ phiếu với cùng mức giá.
Trong danh sách nhà đầu tư chiến lược tham gia đợt phát hành riêng lẻ có ông Nguyễn Văn Thiện - chủ tịch Tập đoàn Xuân Thiện - dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu (dự kiến tương đương giá trị 500 tỷ đồng), cùng ông Nguyễn Tấn Dũng (51,5 triệu cổ phiếu – tương đương 500 tỷ đồng) và Công ty cổ phần tài chính quốc tế Xuân Thiện (50 triệu cổ phiếu – tương đương 515 tỷ đồng).


Tổng giá trị cổ phiếu phân phối theo mệnh giá của 3 nhà đầu tư này là 1.515 tỷ đồng.