Về quê hương “người gái đảm”

ĐÀO CẢNH 21/10/2018 06:54

Đan Phượng là nơi khởi nguồn của phong trào “Phụ nữ ba đảm đang” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiếp nối truyền thống ấy, hôm nay, phụ nữ huyện Đan Phượng, TP Hà Nội vẫn luôn sôi sục tinh thần thi đua yêu nước với những phong trào sôi nổi, thiết thực.

Nòng cốt trong mọi phong trào

Đi trên những con đường liên thôn trải bê tông rộng rãi ở Đan Phượng, đâu cũng thấy sạch sẽ, đẹp đẽ với cung đường hoa, bích họa và những hàng cây xanh. Đó là những công trình chị em phụ nữ của các địa phương trên địa bàn huyện đã bắt tay xây dựng ngay từ đầu và đang tiếp tục gìn giữ, nhân rộng. Trò chuyện với chúng tôi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng Nguyễn Thị Thỏa rất phấn khởi khi năm vừa qua đã cùng các chị em phụ nữ trong thôn vận động nhân dân thực hiện được tuyến đường hoa và bích họa dài khoảng 200m, với số tiền gần 15 triệu đồng. Hiện, chi hội phụ nữ thôn đã và đang tiếp tục xây dựng kế hoạch để bích họa những tuyến đường còn lại. Chị Thỏa chia sẻ: Phụ nữ ở Song Phượng nói chung, thôn Tháp Thượng nói riêng luôn là nòng cốt trong mọi phong trào. Từ thu hút hội viên làm kinh tế, công tác vệ sinh môi trường, hỗ trợ gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn và rất nhiều phong trào khác phụ nữ đều nhiệt tình tham gia. Đến nay, xã đang thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, hội phụ nữ tiếp tục đảm nhiệm công tác tuyên truyền vận động bảo vệ môi trường, từ đường làng ngõ xóm đến đồng ruộng, góp phần bảo đảm mục tiêu mà huyện, xã đã đặt ra.

Còn ở xã Đan Phượng, Hội LHPN xã là tập thể duy nhất của Thủ đô được Hội LHPN Việt Nam trao tặng Bằng khen vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2018”. Chủ tịch Hội LHPN xã Đan Phượng Tạ Thị Tính chia sẻ, trong những năm qua, hội LHPN xã đã triển khai, phát động các cuộc vận động, thực hiện các mô hình có hiệu quả như: Trồng và chăm sóc các đoạn đường có hoa; Vệ sinh đường giao thông nội đồng, làm sạch đồng ruộng; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; mô hình chi hội phụ nữ văn minh và đặc biệt là mô hình tặng thẻ BHYT cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, các chi hội phụ nữ xã Đan Phượng đã thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các mô hình kinh tế đạt hiệu quả. Điển hình là mô hình trồng rau hữu cơ công nghệ sạch của hộ hội viên Nguyễn Thị Cuối ở chi hội Đoài Khê với diện tích 5ha, tổng số vốn trên 4,3 tỷ đồng, bước đầu cho kết quả khả quan… 

Con đường hoa, tranh bích họa - công trình của phụ nữ xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng Ảnh: Đào Cảnh
Con đường hoa, tranh bích họa - công trình của phụ nữ xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng
Ảnh: Đào Cảnh

Dịp kỉ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam (20.10) năm nay trở nên đặc biệt hơn đối với 20 hội viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc Hội LHPN xã Hạ Mỗ, bởi họ đã được nhận thẻ BHYT từ quỹ hỗ trợ của hội. Chị Nguyễn Thị Miên (xóm Đình, xã Hạ Mỗ) xúc động: “Có thẻ BHYT rồi, mỗi lần đi khám bệnh sẽ giúp tôi và các chị em có hoàn cảnh khó khăn tiết kiệm được chi phí rất lớn, bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống”. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội LHPN xã Hạ Mỗ Nguyễn Thị Thanh Hải cho biết, cùng với các địa phương trên địa bàn huyện Đan Phượng, mô hình “Tặng thẻ BHYT cho phụ nữ khó khăn” đã được Hội LHPN xã Hạ Mỗ triển khai từ lâu và được cấp ủy chính quyền đánh giá cao. Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, thể hiện tinh thần đoàn kết, góp phần giảm bớt khó khăn cho các gia đình và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chị Hải cũng khẳng định rằng, ở xã Hạ Mỗ, phụ nữ luôn là nòng cốt, đi đầu trong mọi phong trào. Cùng với các phong trào chung của Trung ương, Thành phố, huyện phát động, phụ nữ Hạ Mỗ cũng có những phong trào riêng, thiết thực như phụ nữ xã Hạ Mỗ chung tay bảo vệ môi trường, vì môi trường xanh, sạch đẹp... góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Tiếp nối truyền thống quê hương

 “Trong những năm qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã không quản ngại khó khăn, phát huy tính cần cù, khéo léo của người phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng các phong trào sôi nổi, thiết thực để góp sức thực hiện thành công mọi chủ trương, nhiệm vụ phát triển KT - XH mà huyện đề ra. Đan Phượng trở thành “cánh chim đầu đàn” trong phong trào xây dựng NTM của Thủ đô và ngày càng phát triển như hôm nay có phần công sức rất lớn của chị em phụ nữ từ huyện đến các chi hội”.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng

Tượng đài “Đan Phượng quê hương người gái đảm” được đặt ngay bên Quốc lộ 32, hiện thân cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam thời chiến: Vừa chắc tay cày, tay súng, vừa địu con trên vai để xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến yên tâm đánh giặc. Đối với chị em phụ nữ Đan Phượng, tượng đài đó cũng từng ngày nhắc nhở họ phải luôn nỗ lực để tiếp nối truyền thống của những người đi trước và đặt những gạch nối dài cho thế hệ tương lai.

Hàng triệu phụ nữ trong phong trào “Ba đảm đang” ở khắp miền Bắc, trong đó có phụ nữ Đan Phượng khi xưa không chỉ động viên chồng con lên đường chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu, mà họ còn chăm lo gia đình, xây dựng hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam. “Phát huy truyền thống đó, phụ nữ Đan Phượng hôm nay luôn đi đầu, là lực lượng nòng cốt có đóng góp lớn trong sự phát triển KT - XH của huyện. Điển hình như trong phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, hội viên phụ nữ tự nguyện hiến hơn 1.550m2 đất để mở rộng, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Trong 9 tháng năm 2018, đã vận động được hơn 15.000 người tham gia BHYT, tặng 180 thẻ BHYT cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; duy trì, đảm nhận chăm sóc 50 đoạn đường có hoa và 4 đoạn bích họa; giúp 80 hộ nghèo và cận nghèo thoát nghèo…”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng Hoàng Thị Oanh khẳng định.

Bên cạnh tiếp tục phát huy các cuộc vận động, phong trào chung của Trung ương hội, thành hội và các phong trào đã và đang thực hiện, Hội LHPN huyện cũng chú trọng tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về truyền thống quê hương cách mạng Đan Phượng, về phong trào “Ba đảm đang” để thế hệ trẻ tiếp bước. Chị Nguyễn Ngọc Linh - điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi ở xã Đan Phượng chia sẻ: “Thông qua hoạt động của hội, chúng tôi được gặp gỡ các bà, các mẹ và nghe họ kể về phong trào phụ nữ thời chiến. Ngày nay lại được cùng các chị em phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, tham gia nhiều hoạt động xã hội, tôi cảm thấy tự hào hơn và ý thức được vai trò của mình trong gia đình cũng như trong xây dựng quê hương”.

Nhìn những thế hệ “người gái đảm” trên quê hương Đan Phượng sát cánh, cùng nhau gìn giữ và phát huy truyền thống “Ba đảm đang” của quê hương, tin tưởng rằng phong trào này sẽ trường tồn trong các thế hệ phụ nữ Việt Nam với hình ảnh “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, có nhiều đóng góp đối với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Về quê hương “người gái đảm”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO