Về quê gốc của Lomonosov

Nguyên Đăng 19/11/2008 00:00

Chàng trai trẻ Mikhail Lomonosov rời làng chài hẻo lánh này và đã đi nhiều chặng đường để chiếm lĩnh khoa học ở Moskva, nhưng từ bấy đến nay, nhiều thế kỷ trôi qua, nhiều con đường đã mở, vậy mà một con đường đến làng đảo quê Người thì vẫn chẳng thấy đâu…

      Làng Lomonosovo thuộc vùng phương Bắc Arkhangelsk từ trước đến nay bị bao vây bởi nước, chỉ có một lối đi độc đạo đến đây: bằng tàu thủy, chạy theo lịch mỗi ngày bốn chuyến. Tính ra mỗi năm, một ngàn rưởi cư dân trên làng đảo này mất ít nhất hai tuần vào mùa đông và hai tuần vào mùa xuân phải sống cô lập với xung quanh. Cái làng đảo cổ kính, từng sinh ra con người danh tiếng nhất trong số các nhà khoa học Nga trước nay, còn có tên Kurostrov và lưu giữ nhiều phong tục tập quán đặc sắc.
      Ngay từ thủ phủ Arkhangelsk, khi ta hỏi thăm về làng Lomonosovo, ai cũng đều có chung nhận xét: “Tất cả dân trên đảo ấy đều là hậu duệ của Lomonosov ấy mà”.
      Nhưng dân đảo thì chỉ biết... nhún vai. “Hậu duệ gì cái lũ chúng tôi. Họ hàng xa đến bao nhiêu đời rồi”. Có người cụ thể hơn: “Xét về trực hệ, chỉ có đám con cháu của con gái nhà bác học, tên là Elena, nhưng sinh thời bà ta đã chuyển sang sinh sống ở một nước nào đó bên châu âu cơ. Còn những người ở lại đây là con cháu một người chị họ của Mikhail Lomonosov”. Nói thế, nhưng ai ai cũng nhận thức được về ý nghĩa của câu phương ngôn “một giọt máu đào...”.
      Pavlov Nikolaievich Nazarov đã ngoại bát tuần, cũng thuộc hàng hậu duệ đời thứ 12 của người sáng lập nền khoa học Nga. Cả đời cụ chỉ sống tại Lomonosovo, làm nghề nông. Con cháu đã chuyển hết đi nơi khác sinh sống, chỉ còn hai vợ chồng già sống với nhau, cùng một con mèo, nhưng khi được hỏi về tình cảm đối với làng mình, cụ tuyên bố: “Đây là nhất!”. Nhà cụ cũng như những nhà khác, bằng gỗ ghép, cửa sổ khá cao, mái che thật dốc để mùa đông khỏi đọng tuyết... Nghệ thuật kiến trúc phương Bắc bắt nguồn chính tại nơi đây. Cụ Nazarov có tất cả năm người con, bốn người đã tốt nghiệp đại học, trong đó có hai người nhận bằng của chính ngôi trường Đại học Quốc gia mang tên cụ tổ nhà mình – MGU. Người con trai cả của cụ là kỹ sư, sống và làm việc tại Gomel, Belarus. Một trong ba người con gái của cụ giờ đang dạy đại học ở Petrozavodsk, đã thành tiến sỹ, giáo sư. Cụ bà nói vui: “Vẫn còn giữ được gien của Lomonosov đấy”.
      Trong các hậu duệ của Lomonosov, khá nhiều người có học và đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Họ là những con người có đầu óc! Nhưng trong đó cũng có những người chưa có bằng đại học, như Sergey Rossomakhin chẳng hạn, làm thợ điện trong làng thôi, nhưng là cỡ thợ không ai thay thế được”, Ông Alexandr Korotky, Giám đốc Bảo tàng Lomonosov kể vậy.

      Hình như gien thông minh của nhà bác học lưu truyền cho cả dân làng. Tại đây có một xí nghiệp đồ xương mỹ nghệ với một trường truyền nghề chạm khắc xương. Trong tình hình lâu nay dân số không tăng, hiện lớp chỉ có năm cháu theo học. Làng Lomonosovo bây giờ có năm chục nghệ nhân chạm khắc xương, người nào cũng có xưởng riêng hoặc thuê mặt bằng trong xí nghiệp. Tác phẩm mỹ nghệ của nghệ nhân làng Lomonosovo lừng danh vì sự tinh xảo lạ thường, đến mức người đời phải truyền tụng rằng “con kiến chui qua không lọt”.
      Sergey, người con trai thứ của nhà Nazarov từ Arkhangensk vừa về thăm quê cho biết: cuộc sống tại làng Lomonosovo ngày một khó khăn hơn. “Thì đấy, xí nghiệp xương hầu như không vận hành được nữa, trong đó toàn những người thuê lại mặt bằng. Số đầu gia súc giảm dần, kỹ thuật thì chẳng có gì cải tiến, rồi sẽ đi đến đâu? Chẳng đến đâu cả. Dân làng say bí tỉ, nhìn thấy mà đau lòng! - Sergey nói thế, nhưng anh vẫn thú thực rằng mình rất mong về quê - Quê hương của Lomonosov là một địa chỉ không xoàng. Nếu như mọi chuyện bình thường thì lý gì mà không về đây sống? Tôi rời quê từ hồi còn trẻ, và tôi rất muốn ở đây trọn đời”. 
      Zinaida Khaimusova, hậu duệ đời thứ mười ba thì say sưa sưu tập, cắt dán tất cả các bài báo có liên quan đến Lomonosov. Sau khi tốt nghiệp đại học, được phân công trở về làng dạy môn Anh văn, trong các giờ đứng lớp, bà thường kể cho học sinh - đa số là người đồng tộc - chuyện về ông tổ của mình. Bà thường dẫn chúng vào tham quan Bảo tàng Lomonosov và tổ chức những cuộc thi viết về quê hương. Dẫu sao thì đây cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của một con người đã làm được nhiều việc cho toàn thế giới. Làng hiện có tới hai ngôi nhà cổ kính và hoang phế - đó là điều khác lạ so với nhiều làng quê nước Nga. Nhà thờ Dmitriev có từ thời Lomonosov và do chính Sergey Dorofievich (cha của nhà bác học) bỏ tiền ra xây dựng. Cụ còn đào một cái hồ gần nhà để người bây giờ nuôi cá. Hiện nay, hồ do các nhân viên Bảo tàng Lomonosov trông coi. Bảo tàng được xây mới trên chính khu đất của dòng họ Lomonosov, trên nền ngôi nhà cũ đã bị đổ nát từ cuối thế kỷ XVIII. Vật dụng cá nhân của nhà bác học không còn, nhưng quỹ trưng bày của bảo tàng đã gom được trên dưới 5.000 hiện vật của thời đó. Hiện còn giữ được cả bình nước Thánh dùng để làm lễ đặt tên cho Mikhail Lomonosov và những đứa trẻ cùng thời. Chiếc bình này, theo đề nghị của dân làng, hiện vẫn được dùng trong lễ đặt tên cho trẻ mới sinh, để lấy khước. Thỉnh thoảng lại có người từ phương xa về xin bảo tàng và chính quyền địa phương xác nhận mình cùng huyết thống với Mikhail Lomonosov. Ông Giám đốc bảo tàng phỏng đoán: chừng như họ cần xác nhận để nhận được một sự ưu tiên nào đó khi thi vào đại học...    
      Năm 2011, chính tại làng này sẽ cử lễ mừng 300 năm sinh nhà thơ-nhà khai sáng Nga Mikhail Lomonosov (1711-1765). Theo kế hoạch, từ bây giờ đến lúc đó, địa phương sẽ phải hoàn thành việc mở một con đường và những bến đỗ mới, đồng thời trùng tu ngôi nhà thờ cổ Dmitriev để đón con cháu và quan khách bốn phương.

Theo Zhanna Malakhova, RIAN

    Nổi bật
        Mới nhất
        Về quê gốc của Lomonosov
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO