Xem - Nghe - Đọc

Về phía cao xanh

- Chủ Nhật, 29/08/2021, 06:04 - Chia sẻ
"Một đêm" viết về cái đêm tác giả leo lên đài thiên văn lớn nhất bắc bán cầu ở Hawaii để nghiên cứu các vì sao. Tất nhiên, nó chỉ là một đêm của nhà khoa học nhưng là 13,8 tỷ đêm của vũ trụ này...

Sách về khoa học vũ trụ thì nhiều lắm, nhưng nó hầu như là có hai loại: 1 là dành cho những người đã có kiến thức về lĩnh vực này, là những cuốn đầy thuật ngữ chuyên môn, kiến thức như ma trận, rất khó đọc; 2 là dành cho những người "tay mơ" như tôi, thích bầu trời, thích vũ trụ, thích tìm hiểu về hệ mặt trời với dải Ngân Hà và các thiên hà, hố đen, năm ánh sáng...  

Vậy thì nên bắt đầu từ đâu? Theo tôi thì nên bắt đầu lần lượt bằng những cuốn này: 

Nguồn: ITN

1. "Các hành tinh" - Được ghi chú trên đầu cuốn sách là "Thuyết minh trực quan nhất về Hệ Mặt trời mà bạn chưa từng thấy". Phần tác giả được ghi là: Cố vấn Maggie Aderin-Pocock, một nhà khoa học vũ trụ da màu. Đây là cuốn người lớn hay trẻ con đều đọc được. Nó đầy hình ảnh, cực kỳ sống động và dễ hình dung. Nó dành riêng cho Hệ Mặt trời. Nó mô tả chi tiết từng hành tinh một, từ Sao Thủy, sao Kim, Trái đất, sao Hỏa đến sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và Hải Vương. Thậm chí cả các hành tinh lùn. Đọc hết cuốn này, bạn có thể hiểu căn bản về Hệ Mặt trời. Có thể nói vanh vách đặc điểm của từng hành tinh một. Đây là cuốn tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, thực ra là ngắm lại hệ mặt trời hoàn hảo của chúng ta.

2. "Lược sử thời gian" của nhà vật lý lý thuyết, nhà vũ trụ học người Anh Stephan Hawking. 

Ai cũng biết Stephan Hawking là một nhà khoa học đặc biệt nhất trên thế giới. Đây là cuốn có những nội dung quan trọng về vũ trụ học nhưng lại được Hawking viết theo cách phổ thông nhất có thể. Nghe nói, khi ông viết cuốn này, biên tập viên nhà xuất bản đã cảnh báo ông rằng: Hễ ông thêm một phương trình thì số bạn đọc sẽ giảm đi một nửa. Thế nên ông đã cố gắng viết để bạn đọc phổ thông như chúng ta có thể hiểu được căn bản, như tôi thì hiểu được khoảng 90%. Tác giả viết rất sinh động, nhiều dẫn chứng gần với thực tế nên khá là dễ đọc. 

3. "Lỗ đen", cũng của Stephan Hawking. Nói chung tên tuổi Hawking gắn với nhiều thứ, nhưng Lỗ đen/hố đen là thứ vật chất vô cùng đặc biệt mà hễ nhắc đến nó, bàn về nó, chắc chắn các nhà khoa học trên thế giới không thể bỏ qua Stephan Hawking. Tôi đặc biệt thích hố đen. Để hiểu nó đơn giản nhất, hãy hình dung đến một cái xoáy nước khổng lồ, hút tất cả mọi thứ vào đó. Riêng lỗ đen, nó hút cả ánh sáng. 

Nhân khi nói đến cuốn sách này, bạn nên xem thêm một bộ phim về Lỗ đen, cũng là bộ phim tài liệu tôi xem đến lần thứ 3: "Hố đen - giới hạn hiểu biết của chúng ta". Trong bộ phim này có sự xuất hiện của Stephan Hawking trước khi ông mất. Bộ phim kể lại quá trình thực hiện một dự án keó dài 8 năm của một nhóm các nhà khoa học hàng đầu, trong việc nghiên cứu hố đen. Họ đã đặt 8 đài thiên văn ở khắp địa cầu để chụp cho được hình ảnh của hố đen vũ trụ. Đây được coi là một bước ngoặt khổng lồ của nhân loại trong quá trình nghiên cứu vũ trụ. 

Cần biết thêm: Kích thước hố đen lớn đến mức, để có thể quan sát nó đầy đủ, người ta cần phải có một kính viễn vọng không gian to bằng... trái đất. Mà trái đất của chúng ta có đường kính khoảng hơn 12.000km. Vì thế mà người ta dùng 8 cái kính thiên văn, đặt ở 8 nơi trên một nửa địa cầu, và 8 cái kính này cùng chĩa vào một mục tiêu là hố đen. Rồi sau đó, người ta ghép kết quả chụp ảnh hố đen từ 8 nơi này vào làm một, cuối cùng, ra được bức ảnh chụp hố đen đầu tiên trong lịch sử loài người. 

4. "Vũ trụ" của Carl Sagan - nhà vật lý thiên văn, ông cũng là người nổi tiếng trong lĩnh vực sinh học ngoài trái đất. Đây là một cuốn sách theo tôi là cuốn sách khoa học hiếm hoi rất giàu chất văn chương. Hoặc có thể do bản dịch quá tài tình. Carl Sagan gọi tên những sự việc, hiện tượng theo cách rất dễ hiểu, phân tích nó đầy hình ảnh. Ví như nếu như bạn cắt một cái bánh táo khoảng 90 lần thì bạn sẽ thu được một nguyên tử..., đại loại vậy. Cuốn này, cái hay của nó là không chỉ có các câu chuyện về vũ trụ, mặc dù tên nó như vậy. Mà nó ôm đồm vô cùng nhiều đề tài kích thích trí tưởng tượng cực kì thú vị. 

5. Và các cuốn của Trịnh Xuân Thuận - Nhà thiên văn học người Mỹ gốc Việt, nhưng viết sách bằng tiếng Pháp. Riêng sách của GS. Trịnh Xuân Thuận thì có thể đọc rất nhiều cuốn, vì căn bản là dễ đọc, lại lãng mạn. Ông viết chẳng khác gì một nhà văn về vũ trụ siêu siêu khổng lồ. Các cuốn thú vị nhất là: Hỗn độn và hài hòa, Trò chuyện với nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, Giai điệu bí ẩn. Đặc biệt là cuốn Một đêm. Một đêm là cuốn mà tác giả in kèm trích đoạn thơ, văn xuôi, tranh của các danh họa nổi tiếng thế giới. Nó viết về cái đêm tác giả leo lên đài thiên văn lớn nhất bắc bán cầu ở Hawaii để nghiên cứu các vì sao. Tất nhiên, nó chỉ là một đêm của nhà khoa học nhưng là 13,8 tỉ đêm của vũ trụ này. Cuốn này tôi liệt kê sau cùng nhưng các bạn nên đọc đầu tiên trong series sách của nhà vật lý vũ trụ Trịnh Xuân Thuận. 

Đỗ Bích Thuý