Về nơi lão nông bắt đất hoang "nhả vàng"
Từ những cánh rừng hoang vu ít người đặt chân tới, toàn cây gai, cỏ dại, thung lũng của lau sậy - nơi được coi là xa xôi và khó khăn nhất huyện miền núi Văn Yên, Yên Bái. Nhưng với đức tính cần cù, không cam chịu đói nghèo, ông Lý A Dèn, thôn Cài, xã Lâm Giang đã bắt nơi hoang vu, cỏ dại dệt lên cánh rừng quế xanh ngút tầm mắt, cho thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm.
Nhọc nhằn khai hoang
Những ngày cuối tháng 8, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kéo dài khiến cho con đường vào thôn Cài càng trở nên khó khăn hơn. Vừa đi Bí thư Chi bộ thôn Đặng Văn Hoan vừa nhắc tôi phải bám chắc không có thể lộn nhào xuống vực bất cứ lúc nào bởi con đường vừa nhỏ hẹp, trơn trượt và khá nhiều tảng đá to lởm chởm. Vừa lội qua con suối, anh Hoan vừa tâm sự: “Con đường này trước đây ít người đi lại lắm, bởi nơi đây bị bỏ hoang, mùa mưa lũ rất nguy hiểm, không một ai có ý định vào nơi hoang vu, xa xôi hẻo lánh này lập nghiệp đâu, vào thì ăn gì để sống?

Ảnh: Chí Tuấn
Quãng đường từ trung tâm thôn Cài đến nhà lão nông Lý A Dèn chỉ khoảng vài trăm mét nhưng phải mất gần hai tiếng mới đến được nơi. Căn nhà gỗ đơn sơ khói tỏa nghi ngút quyện theo hương thơm của mùi cơm mới giữa những đồi quế xanh ngút ngàn khiến tôi không khỏi bất ngờ bởi khung cảnh đẹp như trong tranh và ấm cúng. Thấy cán bộ Đặng Văn Hoan, bà Lý Thị Đào, vợ ông Dèn vội vàng bước ra trước cửa nói: “Ông Dèn sáng nay nghỉ chăn trâu ở nhà tiếp cán bộ, còn tôi và mấy đứa con nhận nhiệm vụ dắt đàn trâu lên đồi rồi đi gặt lúa”.
Nhìn khuôn mặt sạm đen đủ hiểu ông Dèn là một người lăn lộn với công việc nông gia. Ông tâm sự: “Tôi là người dân tộc Dao Tuyển, năm 1980 do chiến tranh biên giới phía Bắc nên đã cùng vợ con rời quê hương xã Đồng Tuyền, huyện Bát Sát, tỉnh Lào Cai về xã Lâm Giang, huyện Văn Yên định cư. Ngày trước, nơi đây nghèo nhất, đường đi khúc khuỷu xuyên núi, có nhiều đoạn phải lội qua suối, cứ vào mùa mưa lũ là bị cô lập. Tuy nhiên, khắc ghi lời Bác Hồ đã dạy “rừng là vàng” tôi đã phá bỏ cây gai, cỏ dại, bụi giang, bụi dẹ, vầu, nứa, cây tạp để trồng lúa nương, trồng ngô, trồng sắn. Những ngày đầu vất vả lắm. Tờ mờ sáng, vợ chồng con cái đã ra khỏi nhà để đi khai hoang, tay chân lúc nào cũng rướm máu vì vết cào của gai, vết cứa của nứa, của dao, cuốc. Làm đến khi người muốn mệt lả mới tạm nghỉ để uống hớp nước, ăn củ sắn, củ khoai rồi lại tiếp tục đến tận tối mịt mới trở về nhà. Dù đã rất chăm chỉ, chịu khó, nhưng gia đình vẫn không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Nhiều đêm nằm nhìn mấy đứa trẻ đen thui, gầy guộc nằm ôm nhau ngủ tôi rơi nước mắt, lòng quặn thắt thương con”.

Bắt đất hoang “nhả vàng”
Qua nhiều tháng ngày trăn trở, ông Dèn đã mạnh dạn phá bỏ đồi ngô, đồi sắn thay bằng trồng cây quế. Những năm cây quế còn nhỏ, ông trồng xen lúa, ngô, sắn vừa tiện cho việc chăm sóc, vừa có lương thực thực phẩm để ăn và chăn nuôi. Cứ như vậy, diện tích quế của gia đình ông mở rộng dần theo từng năm. Được biết, ông là người đầu tiên của thôn đưa cây quế vào thâm canh sản xuất trên vùng đất thôn Cài này. Đến nay, 30ha rừng xưa kia là bụi rậm, cỏ dại, cây gai nay nhường chỗ cho những cây quế to sừng sững, nối tiếp nhau trùng điệp. Với giá thành hiện tại,10ha quế 15 năm tuổi và 20ha quế từ 10 năm tuổi đổ xuống của gia đình ông có giá trị gần 25 tỷ đồng.
Thấm thía câu nói “rừng là vàng”, khi những cây quế đầu tiên đang vươn mình phát triển, ông Dèn lại bắt đầu công cuộc khai hoang khu vực thung lũng dưới chân những đồi quế xanh mướt. Bằng bàn tay, khối óc, sự cần cù, chịu thương, chịu khó, không quản ngại nắng mưa, thức khuya, dậy sớm, ông đã cùng vợ con ngày ngày, tháng tháng đánh những gốc lau, khuân từng viên đá, san từng mô đất để rồi hơn 2 mẫu ruộng nước được hình thành. Hiện, 2 mẫu ruộng của gia đình ông được gieo cấy 2 vụ trong năm bằng các giống lúa có năng suất và chất lượng. Nhờ chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mỗi vụ gia đình ông cũng thu được từ 4 - 5 tấn lúa phục vụ cho cuộc sống hàng ngày và chăn nuôi.
Ông Dèn chia sẻ thêm, nhận thấy chăn nuôi và phát triển đàn đại gia súc rất tiềm năng và phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây, tôi cũng đã tận dụng những diện tích đất đồi rộng rãi, cây cỏ xanh tốt quanh năm, không khí phù hợp để chăn nuôi và phát triển đàn trâu, vừa có sức kéo phục vụ sản xuất của gia đình, vừa tăng thêm thu nhập. Thời điểm đầu ít vốn, chưa có kinh nghiệm, tôi chỉ nuôi số lượng ít khoảng 10 con, sau 1 năm có kinh nghiệm chăm sóc và phòng bệnh cho đàn trâu tôi bắt đầu phát triển số lượng đàn trâu tăng theo thời gian, lứa này nối tiếp lứa khác. Đàn trâu của ông hiện nay luôn dao động từ 35 - 40 con, bình quân mỗi năm bán ra thị trường 10 con trâu, trừ tất cả chi phí, ông thu về cũng được 200 - 250 triệu đồng.
Thu nhập 500 triệu đồng/năm, giá trị tài sản gần 27 tỷ đồng
Không làm giàu cho riêng mình, ông Dèn đã đến từng nhà vận động mọi người làm theo, trước hết là người trong nhà, sau đó đến bà con làng xóm. Bao nhiêu kinh nghiệm tích lũy, học tập được trong cách chọn con giống, chăm sóc, phòng bệnh ông Dèn đều truyền đạt lại cho bà con dân bản để cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, làm giàu.
Anh Nguyễn Văn Tâm ở thôn Cài xúc động nói: Trước đây gia đình tôi có hoàn cảnh rất khó khăn, ít đất sản xuất, cái đói cái nghèo cứ đeo đuổi mãi. Nhưng từ khi được ông Dèn đến nhà chỉ cho cách làm ăn, phát triển kinh tế, tôi cũng cùng vợ con vào đây khai hoang thêm được nhiều ruộng đất, học ông Dèn trồng quế, trồng cỏ nuôi gia súc tập trung, trồng những giống lúa mới và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nên cuộc sống của gia đình giờ đã được cải thiện hơn rất nhiều. Chúng tôi từ hộ nghèo đói đã vươn lên hộ khá giả, mua sắm được nhiều vật dụng hiện đại, con cái được đến trường. Tôi cảm thấy rất biết ơn và cảm phục ông Dèn.
Mặc dù đã ở tuổi 60, với giá trị tài sản gần 27 tỷ đồng và bình quân thu nhập mỗi năm trừ chi phí đạt khoảng 500 triệu đồng nhưng ông vẫn còn ấp ủ trong mình bao ước mơ. Ước mơ lớn nhất của ông là có thể góp công, góp sức giúp con cháu, giúp bà con thôn Cài và các thôn lân cận biết khai thác lợi thế, tiềm năng để làm giàu cho bản thân từ chính bàn tay, khối óc của mình. Đặc biệt hơn nữa, ông mong muốn được đóng góp chút công sức của mình để cùng người dân địa phương xây dựng thành công xã Lâm Giang đạt chuẩn nông thôn mới.
Chủ tịch UBND xã Lâm Giang Đào Văn Bộ cho biết: Ông Dèn là người đầu tiên đưa cây quế về trồng ở thôn Cài. Trước đây khi cây quế còn nhỏ, chưa nhận thấy được hiệu quả ở vùng đất kinh tế, bà con trong thôn nhiều người cũng đặt ra câu hỏi tại sao ông Dèn lại lựa chọn vùng đất khó, trồng loại cây lâu năm, ít người canh tác, như vậy liệu có bảo đảm cuộc sống? Khi cây quế bước đầu cho thu hoạch, nhận thấy giá trị kinh tế cao, lại có thể trồng xen canh cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài, bảo đảm cuộc sống trước mắt và lâu dài, mọi người bảo nhau đến học hỏi cách thức phát triển kinh tế của ông Dèn. Được ông Dèn nhiệt tình hướng dẫn, nhiều hộ dân trong thôn đã dần thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Rời thôn Cài khi ánh hoàng hôn đỏ lịm sau cơn mưa khuất dần sau dãy núi Con Voi, chúng tôi vẫn không khỏi băn khoăn bởi nhìn những thành tựu ngày hôm nay của lão nông Lý A Dèn khi xuất phát điểm của ông chỉ bằng hai bàn tay trắng. Với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ông đã bắt đất hoang "nhả vàng".