Khi vở kịch “Dạ cổ hoài lang” được chuyển thể thành phim, đáng lẽ khán giả phải được nghe hình ảnh kể chuyện, thì lại vẫn phải tiếp cận câu chuyện qua thoại. Thoại nhiều đến nhức đầu! |
Tôi từng có cơ hội xem kịch Dạ cổ hoài lang (DCHL) trên sân khấu kịch Idecaf. Thật ra, tôi không phải là người yêu kịch, nhưng có hai vở kịch làm tôi rất xúc động. Một là “Ngàn năm tình sử”, vừa vô năm phút nhạc trỗi lên là nước mắt rớt. Vì choáng ngợp. Hai là DCHL. Vì câu chuyện.
Tôi thích điện ảnh hơn kịch, đặc biệt là lối làm phim tối giản, ít thoại. Nhưng DCHL không phải là một phim tối giản, đạo diễn chủ yếu tập trung vào nội lực câu chuyện... - như ai đó nói. Bởi tối giản không phải là thiết kế kiểu studio, dạng kịch “trong nhà ngoài phố”. Tối giản cũng không phải là cứ zoom cận mặt diễn viên, xong lia sang cái ảnh bàn thờ để minh hoạ cho suy nghĩ trong đầu nhân vật, xong lại zoom cận mặt diễn viên, xong lại lia sang cái ảnh bàn thờ… Tối giản càng không phải là dựng phim kiểu cứ vài đoạn lại hồi tưởng một lần (phải gọi là nghèo nàn ý tưởng thì đúng hơn). Tối giản cũng không phải là ngoại cảnh sông nước trông như minh họa cho DVD ca nhạc. Màu phim thì bát nháo. Có vẻ như đạo diễn hoàn toàn mất cảm giác về phim ảnh...
![]() Diễn xuất của Hoài Linh trong phim Dạ cổ hoài lang |
Thời gian qua theo tôi có hai phim mà thấy sự bất lực của đạo diễn là “Hy sinh đời trai” và DCHL. “Hy sinh đời trai” tệ hơn. DCHL thì gỡ gạc được ở câu chuyện gốc. Thế mà biên kịch vẫn không thể khai thác được chất liệu có sẵn này. Ê kíp bưng gần như nguyên xi vở kịch vào. Kịch nói, như đúng tên gọi, có ngôn ngữ riêng của nó. Khi chuyển thể thành phim, đáng lẽ khán giả phải được nghe hình ảnh kể chuyện, thì lại vẫn phải tiếp cận câu chuyện qua thoại. Thoại nhiều đến nhức đầu. Có cảm giác như ở đây, đạo diễn loay hoay không biết phải làm gì, nên để mặc diễn viên diễn, rồi lấp liếm thêm bằng những khuôn hình lặp lại liên tục. Cùng một phân đoạn, màu phim nhảy loạn xạ. Nếu ê kíp nghĩ rằng đó là cách họ phân chia thời gian giữa quá khứ với hiện tại thì tôi e rằng cách đó thất bại. Tức mắt vô cùng.
Về nhạc, DCHL làm tôi nhớ tới phim “Quyên”. Thật tình, nhạc cứ như đấm bên tai. Một phân đoạn, khi không đẩy được cảm xúc lên cao bằng hình ảnh, thì bèn nhấn nhạc vào, khó chịu vô cùng. Vừa phải coi sản phẩm dở, vừa phải coi cái sự lười biếng của đạo diễn. Mà không phải chỉ mỗi một, hai phân đoạn. Nguyên bộ phim được xử lý kiểu đấy.
Nếu là một đạo diễn có nghề, chỉ cần vài hình ảnh, họ đã có thể phác họa ra được không khí của một giai đoạn lịch sử. Nhưng ở đây, đạo diễn DCHL cho ông bố ngồi đọc lại nhật ký của mình như một cách truyền tải đến đứa con gái được sinh ra và lớn lên ở hải ngoại, cũng như truyền tải đến khán giả. Sao thô vụng vậy? Nếu không phải vì lười nhác, dễ dãi, coi thường khán giả thì hẳn là tư duy làm phim của đạo diễn có vấn đề. Tôi còn chưa muốn nói đến chuyện sai logic. Đứa cháu gái phải dùng song ngữ nói chuyện với ông nó, thiếu điều tra từ điển, ngay cả với những từ đơn giản nhất, nhưng đến đoạn ông bố đọc nhật ký cho nghe, toàn là thứ tiếng Việt khó nhằn, vậy mà nước mắt nó rơi lã chã, đầy vẻ thấu hiểu. Là sao?
Được cảnh cuối hai ông già ôm nhau trên tầng thượng, đáng lẽ cần một nốt trầm vừa đủ, đạo diễn lại thả luôn ba nhân vật lũ lượt kéo nhau chạy tới, lao nhao như chạy từ sau cánh gà sân khấu ra cho xôm tụ - Ngó mà oải!
Vẫn biết, nhà đầu tư, sản xuất, diễn viên… nói chung toàn thể êkip hẳn ai cũng muốn làm ra một tác phẩm tốt nhất có thể. Song, cái sự “khôn lỏi” đằng sau bộ phim khiến tôi khó chịu. Thị hiếu của không ít khán giả là “giòn cười tươi khóc”. Thọc lét mấy cái là ha hả. Xong thêm vài câu lâm li bi đát, pha với tí nhạc rải đều như lá mùa thu nữa là giọt vắn giọt dài ngay. Cái thủ pháp khiến người ta khóc bằng “mánh lới” kiểu đó, thật không mấy khác với hài nhảm.