Về miền đất Phật
Mùa xuân, mùa khởi đầu cho một năm mới an lành, mùa sinh sôi nảy nở của vạn vật, cỏ cây. Lòng người phơi phới cùng nhau đi hội, kẻ đi xa, người đi gần, hành hương về vùng đất sương khói bảng lảng, tâm linh huyền bí Yên Tử, Quảng Ninh. Ai nấy hân hoan, phấn khởi trước cảnh thiên nhiên đất trời giao hòa, tận hưởng bầu không khí trong lành, quên hết những âu lo phiền muộn của cuộc sống đời thường để thả lòng mình phiêu diêu bồng bềnh nơi cửa Phật, tĩnh tại tu tâm, thấy mình nhẹ nhõm, thanh thản.
Vùng danh sơn hùng vĩ
Năm 2017, có hơn 2 triệu du khách về với Yên Tử, riêng du khách quốc tế là 250 nghìn lượt. Tính riêng từ mùng 1 tháng Giêng năm Mậu Tuất đến nay, mỗi ngày Yên Tử đón hàng vạn du khách thập phương về tham quan, dâng hương, chiêm bái, ngày đông lên đến hơn 50 nghìn lượt người. |
Mặc dù ngày 10 tháng Giêng mới diễn ra Lễ khai Hội xuân Yên Tử năm 2018, song ngay từ những ngày đầu năm, du khách thập phương đã nô nức về với miền đất Phật. Trong tiết trời se lạnh, thoảng mây, lất phất mưa xuân, trẻ già vui vẻ, thành tâm hướng về Yên Tử. Dọc tuyến đường từ thành phố Uông Bí tới Yên Tử là những vườn mơ, vườn đào nằm rải rác trong các thung, trên các sườn đồi, xung quanh khu dân cư. Năm nay, cảnh quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử được cải tạo; các hạng mục dịch vụ phục vụ nhu cầu du khách như bãi đỗ xe, khu đón tiếp, khu ăn uống cũng được bố trí khoa học hơn. Con đường từ Dốc Đỏ vào sân chùa Giải Oan đã được nâng cấp, mở rộng.
Lễ khai hội xuân Yên Tử với rất nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, ôn lại huyền thoại của non thiêng Yên Tử, cội nguồn lịch sử của Thiền phái Trúc Lâm, công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông; ca ngợi sức sống của mùa xuân, của thành phố trẻ Uông Bí. 2018 là năm đầu tiên lễ khai hội được tổ chức tại không gian đẹp, hiện đại và quy mô của Trung tâm văn hóa Trúc Lâm, thuộc dự án khu Trung tâm lễ hội và dịch vụ Yên Tử. Phần nghi lễ diễn ra uy nghiêm, thành kính với nghi thức rước lễ mở hội, lễ gióng trống, thỉnh chuông; lễ chúc phúc đầu năm, dâng hương, cầu quốc thái, dân an; lễ đóng dấu thiêng Yên Tử. Sau khi tham dự phần lễ, du khách thập phương có thể tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật đầu xuân như chọi gà, trò chơi kéo co, ném còn, biểu diễn nghề thêu thủ công, các điệu múa truyền thống của người đồng bào dân tộc Dao Thanh Y tại Yên Tử; biểu diễn nghệ thuật múa rồng, lân, võ thuật cổ truyền...
![]() Chùa Đồng, Yên Tử |
Về với Yên Tử không đúng dịp khai hội, du khách có thể thành tâm kính lễ tại đền Trình; tiếp đó vào kính lễ tại suối Giải Oan, Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá An Kì Sinh, am Ngọa Vân... Đặc biệt, mỗi người khi đến Yên Tử đều bảo nhau leo núi lên Chùa Đồng, “Chùa Đồng Yên Tử trời đất Phật/ Ưu phiền trần tục thảy tiêu tan”. Nơi đất Phật, con người ta như được tiếp thêm sức mạnh từ hồn thiêng sông núi, được sống lại với quá khứ hào hùng của dân tộc, được thắp thêm ngọn lửa truyền thống của tinh thần yêu nước, đạo nghĩa thủy chung, được hòa mình vào cõi tâm, cõi thiện. Thành tâm khấn nguyện trước cửa thiền tỏ lòng thành kính, bái ngưỡng Phật Hoàng để nhắc cho mỗi người phải tốt đời, đẹp đạo, cầu mong cho mọi người, mọi nhà một năm mới bình an, no đủ. Yên Tử, nơi kết tinh của khí linh sông núi, nơi hội tụ tâm linh bao đời. Một vùng núi non điệp trùng, suối reo giữa rừng đại ngàn tạo thành một vùng danh sơn hùng vĩ.
Đầu tư đồng bộ hạ tầng, cơ sở vật chất
Trảy hội xuân Yên Tử năm nay, một số du khách gần xa tỏ ra bất ngờ khi phải đóng phí. Song, nhìn chung mọi người cũng vui vẻ chấp hành. Khoản phí này một phần được chi cho hoạt động của Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, phần chủ yếu còn lại sẽ chi đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử. Bao gồm, chi cho quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; an toàn vệ sinh thực phẩm; cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường... Vui vẻ đóng phí tham quan, chị Thu Trang (32 tuổi, thành phố Hà Nội) cho biết, chị đồng tình với việc thu phí bởi nguồn tài chính này sẽ góp phần đầu tư để lễ hội tốt hơn, và cho những chuyến hành hương an lành, hạnh phúc.
Để phục vụ du khách về với miền đất Phật, thời gian qua, hệ thống cơ sở vật chất của Yên Tử đã và đang được đầu tư đồng bộ, như: Dự án nâng cấp tuyến đường trục chính từ Quốc lộ 18 vào khu di tích Yên Tử. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách, tuyến cáp treo mới từ chùa Hoa Yên lên đến nhà ga số 4 mới đã được đưa vào hoạt động. Mặt khác, Trung tâm lễ hội và dịch vụ Yên Tử cũng vừa hoàn thành giai đoạn 1. Dự án được thiết kế theo kiến trúc đời nhà Trần thế kỷ XIII, gồm các hạng mục chính: Cung Trúc Lâm, Trung tâm lễ hội, vườn thiền, làng hành hương, Tuệ Tĩnh đường, bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông và một số hạng mục phụ trợ.
Ngày khai hội cũng là dịp Trung tâm văn hóa Trúc Lâm được cắt băng khánh thành. Du khách sẽ khám phá không gian khu vực này theo hai hành trình. Hành trình “lên” với cảm hứng chính là “đạo” với những trải nghiệm tâm linh; hành trình xuống là “đời” với Làng hành hương. Đó sẽ là những trải nghiệm về đời sống sinh hoạt của cư dân trong một khu dịch vụ mang hình dáng một ngôi làng truyền thống với những nhà hàng, khu bán đồ lưu niệm, hàng thủ công, xóm thuốc đông y và nơi nghỉ cho khách hành hương.