Về lại Thủ đô gió ngàn
Về lại Thái Nguyên - “Thủ đô kháng chiến”, “Thủ đô gió ngàn” vào những ngày cuối Tháng 8 lịch sử, chúng tôi có cảm giác vừa như quen, vừa như lạ. Quen vì chúng tôi đã có những năm tháng sống và học tập tại đây. Lạ vì một Thái Nguyên giờ đây đã khác xưa nhiều lắm và đổi thay nhiều lắm!

Chúng tôi đến TP Thái Nguyên vào một buổi sang đầu thu. Thành phố giờ đây đã khoác lên mình tấm áo mới, mang dáng dấp của đô thị hiện đại. Những con phố rộng thênh thang, hiện đại hơn, kiêu sa hơn được điểm tô bởi nắng vàng và những khuôn viên đầy màu sắc, những dãy đèn nối nhau chạy dài. Khuôn đường rộng, phẳng lỳ, nhà cửa hai bên khang trang thay thế cho những tuyến phố nhỏ, lem luốc bụi than trước kia. Khu chợ trung tâm bé nhỏ, lúp xúp năm xưa nay đã là một trung tâm thương mại bề thế. Bảo tàng văn hóa các dân tộc đang bước vào giai đoạn 2, báo hiệu một địa điểm văn hóa lớn sẽ ra đời, đem giá trị văn hoá độc đáo của các dân tộc đến với du khách. Nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên với đủ các dịch vụ của thời hiện đại...
Có thể lý giải được sự đổi thay đó, một mảnh đất anh hùng trong kháng chiến và có bề dày truyền thống trong sản xuất công nghiệp. KCN gang thép Thái Nguyên được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước với diện tích 520ha, cùng hệ thống các cơ sở sản xuất thép, gang, gạch samốt, các cơ sở luyện thiếc, chì… Ngày nay để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao tỷ trọng công nghiệp, công ty gang thép Thái Nguyên đang triển khai Dự án đầu tư giai đoạn 2 với tổng kinh phí 236 triệu USD, công suất 550 nghìn tấn phôi thép/năm. Khi dự án này hoàn thành, chắc chắn thép Thái Nguyên sẽ là thương hiệu đứng vững trong lòng người tiêu dùng. Hòa với xu thế phát triển của cả nước, song song phát triển công nghiệp truyền thống, nơi đây cũng đã hình thành những khu công nghiệp mới. Hiện tỉnh Thái Nguyên đã quy hoạch và xây dựng được 25 cụm công nghiệp nhỏ ở 9 huyện, thành thị thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Với tiềm năng và lợi thế của mình, chỉ trong một thời gian nữa, Thái Nguyên sẽ lại vươn lên tầm cao mới.
Bên cạnh phát triển kinh tế, thì việc quan tâm đến những vấn đề xã hội, đến đời sống của nhân dân trong tỉnh cũng là minh chứng cho sự phát triển một cách nhanh chóng của tỉnh Thái Nguyên. Là tỉnh có tỷ lệ người dân tộc chiếm hơn 25%, địa hình phức tạp, đã có những lúc cuộc sống của bà con rất khó khăn, nhưng nay nhờ Chương trình 134, 135 của Chính phủ, cuộc sống ở những vùng đất này đã thực sự đổi thay. Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Nguyêén Đình Bảng chia sẻ: quả thật những năm gần đây bộ mặt của người dân miền núi đã thực sự thay đổi, cơ bản các bản làng, thôn xã đã có đường, người dân tiện lợi đi lại, cũng chính bởi vậy mưu sinh của bà con cũng dễ dàng hơn. Chị Nguyễn Thị Hòa, một người dân buôn bán lẻ ở thành phố cho biết, quê chị ở Định Hóa, mỗi lần về thăm nhà thật ngại vì đường sá đi lại khó khăn nhưng nay thì rất thuận tiện và dễ dàng vì một ngày có rất nhiều chuyến xe buýt vào tận trung tâm huyện. Trước mắt, cuộc sống của người dân miền núi đã đỡ khó khăn hơn trước, tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh vẫn còn rất trăn trở, cần có kế hoạch, định hướng lâu dài để tạo điều kiện công ăn, việc làm cho đời sống bà con ổn định vững vàng.
Vào những ngày này khi trở lại Thái Nguyên, chúng tôi cũng như nhiều người mong được đến thăm Định Hoá, mảnh đất thiêng liêng của dân tộc ta trong kháng chiến, cái nôi của cách mạng. Đây là một trong những huyện miền núi có tỷ lệ người dân tộc thiểu số sinh sống khá cao, cuộc sống trước đây nghèo khó, đi lại khó khăn. Những năm gần đây, Định Hóa đã thực sự đổi thay. Con đường từ thành phố về huyện đã được rải nhựa phẳng phiu, chạy quanh co bên những cánh rừng. Nhiều ngôi nhà xây dựng kiểu mới xen lẫn những ngôi nhà sàn truyền thống trên nẻo đường về thôn bản. Một nhịp sống hiện đại, sôi động đã và đang hiển hiện nơi đây, nhất là khi An toàn khu ngày nào đã trở thành điểm du lịch. Đó là dấu hiệu đáng mừng để cuộc sống của Định Hóa ngày một phát triển. Mình đi, ta hỏi thăm chừng/ Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui? (Việt Bắc- Tố Hữu). Và nhịp sống hôm nay là câu trả lời cho sự đổi thay của mảnh đất anh hùng này: Nhà cao chẳng khuất non xanh/ Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường.
Chia tay Thái Nguyên, lại những ngày xa và để khi trở về, chúng tôi lại bắt gặp cảm giác lạ trước những đổi thay để rồi thân quen, tự hào về con người và mảnh đất nơi đây. Thủ đô kháng chiến - Thủ đô gió ngàn đã và đang chuyển mình trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.