Vẽ gì cũng là mình

- Thứ Tư, 12/01/2022, 09:01 - Chia sẻ
Lâu nay, nhiều nghệ sĩ vẫn quan niệm vẽ là đi tìm chính mình. Một số ý kiến lại cho rằng vẽ gì cũng là thể hiện cái mình nhìn thấy, cảm thấy, thành ra vẽ ngoại cảnh cũng thực ra là vẽ thế giới nội tâm, vẽ chính mình. Vậy sáng tạo tác phẩm là quá trình hiểu hơn, khám phá bản thân, hay là nơi bộc lộ cá tính? là nội dung được bàn thảo trong cuộc trò chuyện nghệ thuật diễn ra sáng 11.1.

Không chạy theo bóng người khác

“Khi vẽ tĩnh vật, phong cảnh, tôi cảm thấy mình ở trong đó, như có thể thở với nó, sống với nó. Khi ấy, tôi cảm giác cái bản ngã nối được với 'ngã' lớn ngoài kia, như được tiếp năng lượng tích cực. Quen thuộc với phong cảnh nào, tôi vẽ cảnh ấy, có khi cả bốn mùa, hay ở sân nhà có cây táo dại, tôi thường vẽ sự thay đổi của nó. Đó là lối tôi đến với vẽ. Khi vẽ một tác phẩm, dù là vài nét, nhưng tôi cũng để hết tâm tưởng, tình cảm của mình vào bức tranh ấy” - họa sĩ Trịnh Lữ chia sẻ trong buổi trò chuyện sáng 11.1, nhân dịp ra mắt cuốn sách mỹ thuật “Vẽ gì cũng là tự họa” (do Omega Plus phối hợp với NXB Mỹ thuật phát hành), giới thiệu các bức tranh với câu chuyện nghệ thuật trong suốt những ngày tháng vẽ và chiêm nghiệm cuộc đời tác giả. 

Cuốn sách "Vẽ gì cũng là tự họa" vừa ra mắt độc giả
​​​​Ảnh: Omega+

Chọn vẽ theo lối "mắt thấy, tay vẽ", yêu cái gì thì mới vẽ cái đấy, khi vẽ phải cảm thấy hạnh phúc, họa sĩ Trịnh Lữ biên soạn sách với ý định khiêm nhường là “ra một cuốn sách nhỏ, có cả tranh cũ tranh mới, cùng dăm câu ba điều về việc vẽ nên chúng trong suốt hơn sáu chục năm qua”. Ông đã chọn tên sách “Vẽ gì cũng là tự họa”, bởi tự nhận thấy: “Các họa sĩ hay nói rằng làm nghệ thuật là quá trình đi tìm bản thân, làm thế nào để tác phẩm đúng là mình. Nhưng tôi nghĩ thực ra điều đó không cần tìm đâu xa, bởi ai làm gì đã thể hiện hết cá tính, phẩm chất; đặc biệt là trong nghệ thuật, vẽ, viết đã bộc lộ hết tâm tính, con người của mình ra tác phẩm. Ngay cả khi vẽ chân dung người khác, cũng là ghi lại dung mạo của người ấy như mình nhìn thấy, cảm thấy, ở những giây phút người đó ngồi làm mẫu cho mình...”.

Đồng tình với ý kiến trên, họa sĩ Thành Chương chia sẻ: Xưa vẫn có câu "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời", rồi "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính', hay 'Người làm sao, của chiêm bao làm vậy"... Điều đó đúng với vẽ gì cũng là tự họa, vẽ gì cũng là mình. Mỗi người có tính cách riêng, không giống ai. Chính vì thế, mỗi người làm gì cũng ra chính mình, không phải ai khác. 

Đặc biệt, trong nghệ thuật, theo họa sĩ Thành Chương, cái “tôi” luôn là số một, việc là chính mình vô cùng quan trọng, từ đó tạo tác phẩm mang tính cá nhân, có sự phong phú, độc đáo. “Khi còn nhỏ, bố tôi nói với tôi rằng, làm nghệ thuật thì phải 'coi trời bằng vung, mình là nhất'. Không thể chạy theo cái nọ, cái kia, coi vung là trời. Tôi rất thấm câu nói ấy và nghĩ rằng khi là chính mình thì không ai bằng mình được. Nếu không là mình, chạy theo bóng của người khác, dù là chạy theo ông trời, thì vẫn chỉ là cái bóng!”

Tác phẩm "Ta thêm con chiện vuông này, cụ nhỉ?" của họa sĩ Trịnh Lữ

Những gì nghệ sĩ gửi gắm trong tác phẩm sẽ được mỗi người cảm nhận theo một cách khác nhau. Giám tuyển, nhà sáng lập The Muse Artspace Vân Vi cho rằng, với họa sĩ, vẽ gì cũng là tự họa. Còn với người xem, xem gì cũng cảm nhận từ trải nghiệm của bản thân mình. Tác phẩm như cầu nối, gặp gỡ, đồng cảm giữa nghệ sĩ và khán giả. 

Tiêu chí cuối cùng là nghệ thuật

Trong lịch sử nghệ thuật thế giới và Việt Nam, nhiều tên tuổi đã để lại dấu ấn bởi tạo ra các tác phẩm đặc sắc, tính cá nhân đậm nét. Nhà điêu khắc Đào Châu Hải nhận định, có những danh họa tạo ra phong cách, bảng màu cá nhân mang tính khác biệt, có họa sĩ vẽ tranh với mảng màu mạnh mẽ, hoang dại; trong khi có những danh họa lại vô cùng tinh tế, có người lại trung hòa tinh tế và mạnh mẽ... Bảng màu của danh họa thời Phục hưng cũng có những bảng màu đặc trưng, sắc thái rất riêng. Thời kỳ cận hiện đại, có những danh họa tạo ra các tác phẩm với những màu sắc làm nên tên tuổi riêng của mình. 

Là một trong những người tiên phong trong nghệ thuật điêu khắc hiện đại Việt Nam, nghệ sĩ Đào Châu Hải cho rằng: “Vật liệu điêu khắc cũng vô cùng quan trọng, thể hiện nhận thức, lựa chọn của người sáng tác. Chẳng hạn, người Việt vốn giỏi về gỗ, đất, đá, ít trải nghiệm về kim loại, sắt thép. Thời hiện đại, tôi thấy kim loại giúp biểu hiện cảm xúc của con người mạnh mẽ, cụ thể, đơn giản, do đó, muốn thử nghiệm vật chất kim loại đưa vào tác phẩm, nhằm thay đổi, giúp ngôn ngữ biểu hiện mạnh mẽ hơn, mới hơn”.

Tuy nhiên, trong nghệ thuật, không phải ai cũng thể hiện được chính mình, có những người vẫn đi tìm mình trong nghệ thuật, luôn có ý nghĩ làm cái gì to tát, vĩ đại hơn những gì mình đang có; có những người đổi mới trong sáng tác. Họa sĩ Trịnh Lữ cho rằng, nhiều danh họa Đông Dương thời còn đi học vẽ khác, thời kỳ sau này vẽ khác, nhưng đều là họ cả, bởi con người luôn thay đổi, thậm chí đa nhân cách, nên vẽ gì cũng thể hiện con người, ghi lại dấu ấn của bản thân trong thời điểm đó.

Còn theo họa sĩ Nguyễn Bình Chương, sáng tác là quá trình không ngừng nghỉ, có khi đến cuối cuộc đời nghệ thuật mới thể hiện được chính mình. Nhiều ý kiến cho rằng, có thể tìm tòi trong nghệ thuật, có thể đổi mới, nhưng yêu việc mình đang làm và làm hết mình cho nó vẫn là một quan niệm, thái độ cần có để đi hết con đường nghệ thuật. 

Họa sĩ Thành Chương cho rằng, nghệ thuật để phục vụ con người, nhân dân, đất nước, nhưng chức năng để nghệ sĩ làm điều đó là nghệ thuật. Nếu không có nghệ thuật, anh không phục vụ được ai, khi tranh vẽ không có người thưởng thức, sách viết ra không có người đọc, phim chiếu không có người xem... Bởi vậy, tiêu chí cuối cùng của sáng tạo để phục vụ con người là phải có nghệ thuật. Khi ấy, dù không vẽ những đề tài to tát, như họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ “Em Thúy”, hay họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ bình phong hai mặt “Thiếu nữ trong vườn” - “Dọc mùng” vẫn để lại những kiệt tác bảo vật quốc gia.

Thảo Nguyên