Về Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi): Tránh nửa vời trong cải cách thuế

26/02/2008 00:00

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH và Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Luật GIA ÔNG VŨ XUâN TIỀN:- CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN, CÔNG TY TƯ VấN VFAM VIỆT NAM đã chia sẻ ý kiến với Báo NĐBND xung quanh bản dự thảo này.

      PV: Thưa Ông, Ông có tán thành với những sửa đổi, bổ sung được trình bày trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) lần này?
      ÔNG VŨ XUÂN TIỀN: Về cơ bản, tôi tán thành với những sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Tuy nhiên, một trong những yêu cầu mà chính sách thuế phải đạt được là ổn định trong một thời kỳ tương đối dài. Thực tế cho thấy, từ năm 1997 đến nay, thuế GTGT ở nước ta đã không đạt được yêu cầu quan trọng này. Chính sách thuế GTGT đã thay đổi quá nhanh và quá nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi quá nhanh và quá nhiều như vậy là những cải cách về thuế GTGT qua mỗi lần bổ sung, sửa đổi Luật còn mang tính chiến thuật. Sự cải cách còn “nửa vời”. Vì vậy, với việc sửa đổi lần này, những cải cách về thuế GTGT cần được thực hiện triệt để và có thời gian ổn định dài hơn. 
      PV: Việc đánh thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu đã được nêu ra nhiều lần mỗi khi sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT và dự thảo lần này cũng đề cập tới?
      ÔNG VŨ XUÂN TIỀN: Đánh thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu được thực hiện từ năm 1997. Điều đó không đúng về mặt lý thuyết và không có tác dụng tích cực trong quản lý nền kinh tế quốc dân. Quy định này không đúng về mặt lý thuyết, vì “ thuế GTGT là thuế tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”. Song, cho đến nay, chưa có bất kỳ một công trình khoa học nào chứng minh được rằng, giá CIF (người mua trả cước phí vận chuyển và bảo hiểm trong quá trình vận tải) cộng thuế nhập khẩu là toàn bộ giá trị tăng thêm của hàng nhập khẩu. Về thực tiễn, với thuế GTGT, người nhập khẩu nộp khi nhập khẩu hàng hóa và được khấu trừ hoặc hoàn lại khi bán hàng. Cho nên, về lý thuyết, rất ít tác dụng trong việc làm tăng số thu của ngân sách Nhà nước. Tất nhiên, khoảng thời gian từ khi doanh nghiệp nộp thuế đến khi doanh nghiệp được khấu trừ hoặc hoàn lại hết số thuế GTGT đã nộp thường khá dài. Do đó, ngân sách Nhà nước có thể huy động mà không phải trả lãi một số tiền lớn. Song, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rất thiếu vốn, phải đi vay ngân hàng để nộp thuế, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Mặt khác, việc thu thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu lại làm phát sinh bộ máy cồng kềnh để thực hiện nhiệm vụ này. Có thể có nhiều lý do để chứng minh cho việc thu thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu là cần thiết. Nhưng về mặt lý thuyết, Ban soạn thảo nên nghiên cứu xóa bỏ việc thu thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu để tháo gỡ những khó khăn không đáng có cho các doanh nghiệp. 
      PV: Còn quy định về đối tượng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng thì sao, thưa Ông?
      ÔNG VŨ XUÂN TIỀN: Những bổ sung, sửa đổi về đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT về cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, để tránh hiện tượng có thể hiểu không thống nhất, cần quy định cụ thể hơn ở một số điểm. Trước hết là quy định về dịch vụ tín dụng, kinh doanh chứng khoán, chuyển nhượng vốn và các dịch vụ tài chính phát sinh cần phải ghi rõ là những dịch vụ gì? Đây là khái niệm mới đưa vào Luật lần này nên cần có cách hiểu thống nhất. Ngoài ra, khoản 15 Điều 4 quy định: Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân và vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà tình nghĩa, cũng nên sửa lại là: Duy tu, sửa chữa, xây dựng các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà tình nghĩa. Không nên sử dụng tiêu chí nguồn vốn đầu tư để xác định đối tượng chịu thuế hay không chịu thuế. Nếu quy định như dự thảo sẽ khó xử lý khi việc duy tu, sửa chữa, xây dựng các công trình thuộc phạm vi nêu trên bằng cả nguồn vốn nhà nước, vốn nhân dân đóng góp và vốn viện trợ nhân đạo, đặc biệt là khi nguồn vốn của Nhà nước chiếm tỷ trọng nhỏ. 
      PV: Nhiều ý kiến cho rằng, nên đánh thuế suất thống nhất ở mức 10% đối với tất cả các mặt hàng. Quy định này có phù hợp với thực tế hiện nay?
      ÔNG VŨ XUÂN TIỀN: Luật thuế GTGT ban hành lần đầu vào năm 1997 quy định có 4 mức thuế suất 0%, 5%, 10% và 20%. Nhưng ngay sau đó, mức thuế suất 20% thể hiện sự không phù hợp, do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép giảm 50% mức thuế của những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 20%, thực chất là hủy bỏ mức thuế suất 20%. Từ đó đến nay, thuế GTGT của nước ta vẫn duy trì ba mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Sự tồn tại 3 mức thuế suất nêu trên phù hợp với giai đoạn đầu áp dụng thuế GTGT, nhưng nảy sinh nhiều khó khăn cho việc chấp hành pháp luật về thuế của cộng đồng doanh nghiệp và công tác quản lý thuế. Không ít doanh nghiệp do không nắm chắc mức thuế suất áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ của mình nên đã áp sai thuế suất dẫn đến bị truy thu hoặc nộp oan một số tiền khá lớn. Hàng năm, cơ quan quản lý thuế các cấp đã phải phát hành hàng chục nghìn công văn hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp về thuế suất thuế GTGT. Xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay là thống nhất về một mức thuế suất thuế GTGT để bảo đảm sự công bằng về cạnh tranh trên thị trường và giảm bớt sự phiền hà trong công tác quản lý thuế. Vì vậy, trong khoảng 20 năm tới, Việt Nam chỉ nên duy trì mức 0% đối với hàng hóa, dịch vụ cần ưu đãi và mức thống nhất chung đối với những hàng hóa, dịch vụ còn lại.
      PV: Còn về điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào?
      ÔNG VŨ XUÂN TIỀN: Khoản 2c, Điều 9 của dự thảo Luật quy định: “Đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện nêu tại điểm a, b nêu trên phải có tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu....” Việc phải có Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu sẽ không có gì phải bàn khi xuất khẩu hàng hóa. Song, sẽ là vướng mắc lớn khi đó là dịch vụ xuât khẩu như hoạt động tư vấn, cung ứng phần mềm, du lịch lữ hành quốc tế, vận tải quốc tế... Vì vậy, đề nghị có quy định riêng cho hàng hóa xuất khẩu và dịch vụ xuất khẩu. 
      PV: Xin cám ơn Ông!

Vân Hà thực hiện

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Về Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi): Tránh nửa vời trong cải cách thuế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO