Vẻ đẹp văn hóa trong văn chương

Thảo Nguyên 18/02/2022 06:18

Thu hút độc giả không chỉ bởi nghệ thuật ngôn từ, nhiều tác phẩm văn học phản ánh các giá trị văn hóa được nhà văn tiếp nhận và tái hiện, đã trở thành tư liệu quý giúp bạn đọc tìm hiểu đặc trưng của một thời kỳ, tâm hồn của một vùng đất, khơi gợi những ký ức cộng đồng.

Khi văn chương tìm về bản sắc

“Quan tâm tới đường đời, đường văn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tôi từng có cơ hội được tiếp chuyện, chia sẻ với nhà văn về quan điểm văn chương, chuyện bếp núc trong các sáng tác. Ông từng nói khi viết tác phẩm luôn quan tâm đến sự chuyển giao văn hóa” - Tiến sĩ văn học Đoàn Ánh Dương chia sẻ.

Nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mang dấu ấn văn hóa dân tộc Nguồn: Vanvn
Nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mang dấu ấn văn hóa dân tộc
Nguồn: Vanvn

Nói về việc viết văn và nhận thức về căn cước dân tộc, TS. Đoàn Ánh Dương cho biết, giai đoạn sau của sự nghiệp, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hoàn toàn thay đổi quan niệm văn chương. Ông không quan tâm đến dòng chảy của văn học Việt Nam lúc ấy mà thể hiện chiều sâu văn hóa Việt. Sau thành công của Hồ Quý Ly, ông tìm lại những giá trị làng quê Cổ Nhuế, Thanh Nhàn... xưa và muốn viết về sức sống của văn hóa làng đã tồn tại và chuyển hóa văn hóa ngoại lai - trở thành ý tưởng của Mẫu Thượng Ngàn. Sau đó, Đội gạo lên chùa ra đời, nói về sự thay đổi của làng sau khi đất nước độc lập. Hai tác phẩm về văn hóa làng này cho thấy một Việt Nam trong sóng gió chiến tranh và tương tác với tư tưởng nước ngoài ở thế kỷ XX. 

Trong khi văn chương được nhìn nhận nhiều hơn về nghệ thuật tự sự, cách tân hình thức, với góc hẹp là văn bản nghệ thuật, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lại nhìn văn chương trong góc độ lịch sử văn hóa. TS. Đoàn Ánh Dương nhận định: “Nhiều người cho rằng Trư cuồng là tác phẩm lớn nhất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhưng tôi tin bộ ba tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa sẽ có sức sống lâu bền. Người ta tìm đọc các tác phẩm này để thấy dấu ấn văn hóa dân tộc được giữ gìn, dù trải qua rất nhiều sóng gió, hoạn nạn; từ đó tìm ra sức mạnh, sự bền bỉ của Việt Nam”.

Là một người làm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nhưng lần đầu nghe Mẫu Thượng Ngàn trên đài phát thanh, chị Thùy Dương (người sáng lập dự án Sách nhà mình) đã vô cùng xúc động và tìm mua sách để đọc. “Sau Nguyễn Tuân, tới Nguyễn Xuân Khánh tôi mới thấy một nhà văn có tiếng Việt đẹp và lộng lẫy như vậy. Tôi thường giới thiệu với những người bạn trong Sách nhà mình, nếu muốn tìm hiểu về Việt Nam đầu thế kỷ XX nhưng ngại đọc các cuốn sách lịch sử khô khan, thì nên đọc Mẫu Thượng Ngàn. Qua câu chuyện nhẹ nhàng đó, ta sẽ hiểu hơn về lịch sử nước mình, những vấn đề về thực dân, hậu thực dân, nhớ tới các nhân vật hiện lên sống động... Không chỉ trở lại quá khứ, tác phẩm của ông còn giúp chúng ta hiểu thêm phong tục, tín ngưỡng dân tộc. Giúp đông đảo độc giả dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa cũng là lợi thế của văn chương”. 

Trao truyền tình yêu văn hóa

Là thành tố cơ bản của văn hóa, văn học có vai trò to lớn trong việc phản ánh bản sắc dân tộc trên nhiều bình diện. Từ lâu văn chương đã là nơi người đọc khám phá thêm về phong tục tập quán, tín ngưỡng, tri thức dân gian... của dân tộc. Trên văn đàn Việt, không ít cây bút đã lưu lại lịch sử, văn hóa dân tộc, để trao truyền những ký ức đó tới người đọc các thế hệ sau. Đã có nhiều tác phẩm từ văn xuôi, truyện ngắn, tiểu thuyết... theo những cách và mức độ khác nhau, bộc lộ khuynh hướng tiếp cận văn hóa trong sáng tác, như tác phẩm của các nhà văn Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư... 

Trong đó, người đọc tìm thấy hình ảnh của văn hóa qua sự tiếp nhận và tái hiện của nhà văn. Đó là những vẻ đẹp độc đáo xưa còn vang bóng trong truyện ngắn và tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân (nghệ thuật pha trà, chơi hoa thủy tiên, nghệ thuật thư pháp…); những trang viết về công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông, vẻ đẹp của Thủ đô trong chiều sâu văn hóa, trong tâm hồn người Hà Nội của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng; các tác phẩm đầy dấu ấn viết về nông thôn - vùng ngoại thành Hà Nội, cảm hứng phong tục (lễ hội, đám cưới, đám giỗ, tục ăn trầu...) được thể hiện vô cùng chân thực và sinh động của nhà văn Tô Hoài... 

Với những tác phẩm như vậy, nhà văn không chỉ để lại tác phẩm nghệ thuật, mà còn gieo trong lòng độc giả tình yêu văn hóa, giúp họ hiểu thêm về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam; đồng thời gợi ý, động viên những người khác quan tâm đến văn hóa như là nguồn mạch trong sáng tạo và khám phá văn chương. Đúng như ý kiến của GS.TS. Huỳnh Như Phương, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: Văn học luôn có mối quan hệ chặt chẽ với các lĩnh vực khác nhau của văn hóa truyền thống. Có thể nói nhà văn đích thực là một nhà hoạt động văn hóa, tác phẩm văn học là một sản phẩm văn hóa và người đọc là một người thụ hưởng văn hóa. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vẻ đẹp văn hóa trong văn chương
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO