Vẻ đẹp và sự nổi loạn

Tri Sơ lược dịch
Theo The Guardian
04/11/2014 08:50

Ý tưởng “nghệ thuật dành cho mọi người” của kiến trúc sư, họa sỹ người Anh William Morris có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn một thế kỷ. Cuộc triển lãm mang tên Vẻ đẹp & sự nổi loạn - William Morris và di sản, 1860-1960 diễn ra từ 16.10 đến 11.1.2015 tại nhà triển lãm chân dung quốc gia Anh ở London. ĐBND trích giới thiệu bài viết của nhà phê bình Fiona MacCarthy về sự nghiệp của Morris.

William Morris (1834-1896) là kẻ nổi loạn? Khó có thể nghĩ như vậy khi xem xét các mẫu hoa văn và tranh dán tường hiền lành của ông. Tuy nhiên, chỉ cần chuyển sang cuốn tiểu thuyết không tưởng xuất sắc Tin tức không đâu (News from Nowhere) của Morris, sẽ thấu đáo ông nổi loạn đến mức nào.

Kiến trúc sư William Morris nổi loạn?
Kiến trúc sư William Morris nổi loạn?

Cuốn tiểu thuyết tuyên truyền này được công bố nhiều kỳ trên tờ báo xã hội chủ nghĩa Cùng thịnh vượng (Commonweal) năm 1890, Morris mô tả nước Anh biến đổi bởi cuộc cách mạng diễn ra năm 1952. Cơ cấu xã hội cũ bị lật đổ. Anh trở thành nước tự do cộng sản, đàn ông, phụ nữ và trẻ em bình đẳng thực sự. Không tài sản riêng, không tiền bạc, không ly hôn. Trường học, nhà tù và chính quyền trung ương thì lỗi thời. Khi Tony Blair trở thành thủ tướng và trích dẫn Morris như là thần tượng, có lẽ ông quên rằng trong Tin tức không đâu, nhà quốc hội đã trở thành một hố xí ngập phân.

Nét độc đáo khiến Morris như một nhà tư tưởng nhìn xa trông rộng là ông thấy rõ vai trò thiết yếu của nghệ thuật. Ông lập luận cứng rắn rằng mỹ thuật không phải là nội dung bức vẽ trên tường, không đơn thuần là thú vui sang trọng. Ở chốn đẩu đâu kia, mỹ thuật là chi tiết cuộc sống hàng ngày, trong việc thiết kế hàng gia dụng, bảo tồn nông thôn, quy hoạch thị trấn chu đáo, bảo trì đường sá đàng hoàng. Cuộc cách mạng mới của Anh là để mỹ thuật có mặt khắp nơi và không cần định nghĩa. “Có thể kiếm chác gì được từ mỹ thuật khi ai cũng có thể chia sẻ nó?” Những năm 1880 là quãng thời gian dữ dội Morris tham gia chính trị xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng chết để đạt được sự bình đẳng trong nghệ thuật.

Morris ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư duy mỹ thuật và thiết kế hơn một thế kỷ. Ông tác động không ngớt tới lương tâm xã hội. Có thể chống xa hoa và lãng phí ra sao?

Tức giận và xấu hổ trước bất công xã hội khiến Morris tích cực tuyên truyền cho cách mạng. Ông hừng hực cảm giác tội lỗi rằng nhờ “đặc ân” mà ông được sống tốt lành và theo đuổi công việc yêu thích. Ông nặng nề chỉ trích rằng nghệ thuật chân chính không thể tồn tại khi con người bị phân loại thành “những tầng lớp hữu dụng và vô dụng”. Morris truyền cảm hứng cho nhiều phường hội mỹ thuật và thủ công (Arts and Crafts) phát triển vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong đó Cotswolds là thành công nổi bật. Morris đã tạo dựng một thứ bậc mới trong xã hội: nghệ nhân.

Vẻ đẹp và sự nổi loạn ảnh 2

Một trong những tác phẩm đỉnh cao của triển lãm mỹ thuật và thủ công Vẻ đẹp & sự nổi loạn là bản sao bìa ấn bản tiếng Pháp Tư bản luận (Das Kapital) của Karl Marx (do T. J. Cobden-Sanderson thiết kế) của chính Morris trên một bìa da mạ vàng. Một sự lãng phí? Không, đây là ví dụ cuối cùng của niềm tin Morris, sự cầu toàn trong thiết kế và nghề thủ công phải dành cho mọi người.

Những đoạn mềm mại nhất trong Tin tức không đâu viết về vẻ đẹp tự nhiên của địa cầu. Morris hiểu con người phụ thuộc vào thiên nhiên ra sao, lưu ý hiệu quả tầm bao quát và chi tiết cụ thể của cảnh quan trong việc nâng đỡ tinh thần, góp phần cân bằng tâm lý. Ông tuyệt vọng nhìn thấy nước Anh trở nên tầm thường và xấu đi. Ông thốt lên, “Hãy nhớ rằng, người giàu không bị bắt buộc sống trong ngôi nhà xấu xí, nhưng họ cứ thế”.

Mô hình thành phố vườn (hay đô thị sinh thái - Garden City) phát triển trong sự thách thức nền kiến trúc biểu hiện địa vị. Đầu tiên là khu Letchworth được kiến trúc sư Ebenezer Howard thành lập năm 1903. Thành phố vườn là khái niệm và mục tiêu không tưởng “sự hài hòa tràn ngập niềm vui” của thành phố và đất nước. Bình đẳng, gần gũi, chống thói trưởng giả và xa hoa. Không gian dành cho những điều thực sự quan trọng: sức sống của trí tuệ và sáng tạo. Nobel văn chương năm 1925 Bernard Shaw từng châm biếm thậm tệ những nghệ nhân giả hiệu, mượn danh nghệ thuật để trục lợi. Morris là nghệ nhân đa tài, choáng váng chứng kiến nhiều ngành nghề thủ công khéo léo bị xói mòn trước cơn lốc công nghiệp bóc lột tàn nhẫn nước Anh cuối thế kỷ XIX. “Chiến dịch chống lại thời đại” của ông nhằm hạn chế thui chột và phục hồi kỹ năng thủ công đã vực dậy nguồn sinh lực mới trong những năm giữa chiến tranh, tiêu biểu là nghệ nhân gốm Bernard Leach, nghệ nhân dệt Ethel Mairet và nhiều học trò tài năng khác. Mỗi người một vẻ, họ đi theo con đường Morris vạch ra theo cách riêng mình.

Tin tức không đâu thể hiện mạnh mẽ trong khái niệm lễ hội của Anh. Từ những năm 1880, Morris đã mong đợi nghệ thuật hồi sinh là “sự biểu hiện tự phát của niềm vui cuộc sống bẩm sinh trong toàn dân”. Sau chiến tranh, lý tưởng của Morris bắt đầu bước vào dòng chính chính trị. Đây là thời của vô số mối quan hệ cá nhân. Đến đầu những năm 1950, tư tưởng Morris vẫn còn tác động sâu sắc. Thủ tướng Anh Clement Attlee (lãnh đạo đảng Lao động, thắng Winston Churchill trong cuộc bầu cử năm 1945) thừa nhận Morris như một nguồn cảm hứng lớn: thông điệp hy vọng và tiến bộ trong Tin tức không đâu là yếu tố đầu tiên khiến ông trở thành một người xã hội chủ nghĩa. 

Một số tác phẩm “nghệ thuật dành cho mọi người”
Một số tác phẩm “nghệ thuật dành cho mọi người”
Một số tác phẩm “nghệ thuật dành cho mọi người”

Sự tàn phá của chiến tranh khiến người ta đánh giá lại quá khứ. Một người nổi tiếng bất ngờ của thời kỳ này là nhà phê bình theo quan điểm trừu tượng Herbert Read. Theo Read, Morris “cực đoan như bất kỳ họa sỹ hiện đại nào”. Morris là nhà thiết kế tạo ra cuộc cách mạng nâng cao chất lượng kiểu chữ, đồ gỗ, dệt may và nghề thủ công có ảnh hưởng khắp thế giới. Cao nhất, Morris đã “tái khám phá lương tâm nghệ sỹ là thứ quan trọng nhất trong nghệ thuật”.

Phần lớn cuộc đời Morris chìm trong đau khổ bởi sự thất bại khi muốn thiết kế tác phẩm đẹp cho mọi người. Ông ám ảnh với nỗi hoài nghi rằng mình đã “không làm được gì, mà chỉ tưởng tượng”, hoạt động vô dụng như vua Louis XVI chế tạo khóa, và lo lắng khôn nguôi rằng công việc thiết kế và trang trí của mình chỉ để “phục vụ thói xa hoa thô tục của bọn nhà giàu”. Họa sỹ đoạt giải Turner 2004 Jeremy Deller vẽ bức tranh tường Chúng ta ngồi đói trên đống vàng của mình nói rằng, Morris là người bảo vệ các giá trị xã hội chủ nghĩa chống lại cơ cấu quyền lực tha hóa của giới nghệ thuật và nền thương mại mù tịt về nghệ thuật. Deller đặt vấn đề, 50 năm nữa liệu ai còn biết về nhà tài phiệt Nga chuyên thu gom tác phẩm nghệ thuật Abramovich? Nhưng, William Morris thì được nhớ mãi.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vẻ đẹp và sự nổi loạn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO