Vẻ đẹp đến từ cuộc sống thực
Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản ở Hà Nội vừa diễn ra triển lãm của nữ họa sỹ trẻ Phi Phi Oanh mang tên Tiềm tiệm, giới thiệu các tác phẩm sơn mài độc đáo, cả về chất liệu lẫn ý tưởng.
Vẻ đẹp đến từ cuộc sống thực
Các tác phẩm trong triển lãm không chỉ có tranh, mà còn là những vật dụng bình dị, thường hiện hữu trong mỗi gia đình như: mâm cơm, chiếc chiếu hoa, là bức tường, những viên gạch lát sàn... Về ý tưởng ban đầu để tạo ra các tác phẩm trong triển lãm, nghệ sỹ Phi Phi Oanh chia sẻ: “Tôi ấn tượng với câu nói của một nghệ sỹ ‘Chất lượng của vẻ đẹp đến từ cuộc sống thực’. Tôi ghi lại những khung cảnh, những hoạt động, cuộc sống của con người, ngôi nhà nơi tôi ở... Tôi thấy rằng chúng ta đang trải qua một cuộc sống tạm thời, mọi người luôn đợi một cái gì đó tốt hơn, đẹp hơn. Chính vì ý tưởng này mà triển lãm có tên Tiềm tiệm, hay có nghĩa chuyển đổi, mọi thứ đều là tạm thời, và mỗi chúng ta ở khoảnh khắc chuyển bước ấy.”
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này được Phi Phi Oanh sáng tác trong một thời gian dài, không liền mạch. Như tác phẩm Tường thành, bắt đầu vẽ từ tháng 5.2009, sau hơn 1 tháng cô dừng lại, gần đây mới vẽ tiếp và hoàn thành nó. Đây là một đặc điểm của sơn mài. Nếu sơn dầu là chất liệu sáng tác trong một khoảnh khắc, thì vẽ tranh sơn mài là một quá trình đòi hỏi đầu tư rất nhiều thể lực và thời gian, giống như xây một căn nhà hay một công trình kiến trúc, có thể thực hiện, rồi tạm dừng lại, và sau đó lại tiếp tục. Và trong quá trình sáng tác, trải nghiệm, có thể sẽ nảy sinh những yếu tố, ý tưởng mới, khác với những gì nghệ sỹ định hình ban đầu.
Đến tham dự triển lãm, họa sỹ Nhật Bản Ando Saeko chia sẻ: “Khi vào triển lãm, tôi rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao các bức tranh sơn mài lại có hình cong. Có thể nói, với Tiềm tiệm, Phi Phi Oanh đã biến tác phẩm không phải là tranh, mà thành vật thể, và nó còn thể hiện được cả không gian...”. Đặc biệt, các tác phẩm được trưng bày trong không gian thiếu ánh sáng, và qua bóng tối chính là cách để người ta nhìn thấy ánh sáng.

Vẽ sơn mài trên sắt và nhựa
Dù sinh ra và lớn lên tại Mỹ, nhưng Phi Phi Oanh lại có niềm đam mê đặc biệt với tranh sơn mài, một chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam. Trên cơ sở kỹ thuật truyền thống, họa sỹ đã tìm tòi, thử nghiệm vẽ sơn mài lên các chất liệu khác, như vẽ sơn ta trên chất liệu sắt. Theo tác giả, do có nhiều tác phẩm khối cầu, tròn khác nhau nên cô phải tìm kiếm chất liệu khác để dễ vẽ hơn. Sau khi đọc một số nghiên cứu của người Nhật về sử dụng sơn ta trên sắt, cô quyết định thử nghiệm vẽ trên chất liệu sắt và kim loại tái sử dụng. Về kỹ thuật, vẽ trên chất liệu sắt có một số nét khác so với vẽ trên gỗ, ví dụ, vẽ sơn ta trên cốt gỗ thì có thể dùng độ ẩm để khô, còn vẽ sơn ta trên sắt thì phải dùng nhiệt để làm khô...
Nhưng chất liệu sắt có một nhược điểm là rất nặng, nếu làm một tác phẩm lớn thì sẽ khó di chuyển. Do vậy, nữ họa sỹ đã thử dùng sơn ta trên các loại nhựa và thấy chất liệu này vừa nhẹ, và có thể kết hợp nhuần nhuyễn với với chất liệu sơn mài...
Về lý do thôi thúc họa sỹ có những tìm tòi, sáng tạo ấy, Phi Phi Oanh nói: “Tôi mong muốn có thể dùng đúng chất liệu, vật liệu nghệ thuật vào đúng ý tưởng đã đặt ra. Qua thử nghiệm, tôi thấy chất liệu sắt và nhựa cũng có thể là cốt tranh sơn mài, cùng với chất liệu gỗ như truyền thống”.