Về Bến Tre, thăm Ba Lai trao đổi và đề xuất

Gs. Tskh. Nguyễn Ngọc Trân (1) 30/07/2013 08:27

Gần đây để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều đề án quy hoạch châu thổ sông Mekong, thủy lợi cũng như tổng thể, đề xuất xây dựng các cống ngang các nhánh sông Mekong, giai đoạn đầu là Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu. Trong khi đó có một cống đập đã được xây dựng và đi vào vận hành từ năm 2002. Đó là cống đập ngăn sông Ba Lai với mục đích biến sông này thành một hồ chứa nước ngọt. Sau 11 năm vận hành, việc tổng kết công trình vẫn chưa được tiến hành.

Trong lần về dự một hội thảo khoa học ở Bến Tre đầu tháng 6.2013, tôi đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh về tình hình chung và về cống đập Ba Lai trong dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre.

Dưới đây là một số ghi nhận và đề xuất sau một buổi chiều trao đổi nội nghiệp và một buổi sáng đi thực địa cùng với Sở.

1. Tỉnh Bến Tre đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh, trong đó có Văn phòng Chương trình phụ trách tiếp nhận và điều hành các dự án hợp tác. Tỉnh đã hoàn thành Dự án đánh giá tác động, chi tiết kịch bản biến đổi khí hậu Bến Tre và đề xuất phương án ứng phó, tháng 3 năm 2011 với tài trợ của Chính phủ Đan Mạch. Đây là một tài liệu có ích, soạn thảo công phu, nhiều số liệu, dày 348 trang.

2. Tình hình các đê ven biển và đê cửa sông của Bến Tre hiện tại như sau: Bình Đại: giai đoạn 1 (2003) dài 47km, mặt đê 4m, cao trình 3m; Ba Tri: 31km, mặt đê 5m, sẽ mở rộng 7,5m, cao trình 3,5m; Thạnh Phú: 52km, mặt đê 4m, cao trình 3m. Sở không có số liệu về mực nước.

Các đê này đã phát huy tác dụng nhưng cần được gia cố và nâng cấp nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường ngày càng xảy ra mạnh hơn và thường xuyên hơn. Theo báo cáo của Ban PCLB và TKCN của tỉnh các tuyến đê bao đều có chỗ bị vỡ do triều cường các năm 2006, 2007, 2008.

3. Tôi đã thông báo cho Sở số liệu và biểu đồ về diễn biến các mực nước đặc trưng ở các trạm thủy văn ven biển của đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có các trạm Bình Đại, An Thuận và Bến Trại của Bến Tre, mà Trung tâm Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL đã xử lý dựa trên số liệu thủy văn từ năm 1988 đến năm 2008 của Đài Khí tương thủy văn Nam bộ.

Kết quả xử lý cho thấy sự gia tăng của mực nước trung bình năm, mực nước đỉnh triều cao nhất nămbiên độ triều trung bình năm tại ba trạm của tỉnh thuộc loại cao nhất đồng bằng(2). (Xem bảng).

4. Diễn biến đường bờ biển của tỉnh Bến tre từ năm 1885 đã được Chương trình 60 - 02 thể hiện và sau đó nhiều đề tài khoa học khác đã tiếp tục theo dõi qua xử lý các ảnh vệ tinh cũng đã được giới thiệu với Sở.

Về Bến Tre, thăm Ba Lai trao đổi và đề xuất ảnh 1

5. Tình hình mất rừng ngập mặn của tỉnh khá nghiêm trọng. Qua ảnh vệ tinh vùng duyên hải, từ Cần Giờ qua Gò Công, đến Bến Tre và Trà Vinh, vào các thời điểm 1979, 1989, 2005 và 2009, ngoại trừ Cần Giờ của Thành phố Hồ Chí Minh, các nơi khác, trong đó có Bến Tre, rừng ngập mặn hầu như còn không bao nhiêu, nhường chỗ cho nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Rừng ngập mặn tỉnh Bến Tre qua ảnh vệ tinh các năm 1979, 1989, 2005, 2009
Rừng ngập mặn tỉnh Bến Tre qua ảnh vệ tinh các năm 1979, 1989, 2005, 2009
6. Về tình hình xâm nhập mặn, Sở cho biết trước đây, độ mặn 4o/oo vào sâu nhất trong mùa khô khoảng 35 - 40 km, và cứ 4 năm, vào sâu đến 60 km. Mấy năm gần đây, cứ 2 năm tình hình này lại diễn ra. Độ mặn vào sâu hơn đã gây thiệt hại đến hoa kiểng, cây ăn trái và sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Mấy năm gần đây, do hệ thống cống của dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre chưa hoàn chỉnh nên có tình trạng vào mùa khô khi độ mặn ở ngã ba sông Mỹ Tho - Kênh An Hóa là 7o/oo thì trong sông Ba Lai, phía Bắc cống đập, độ mặn là 2,5 - 3o/oo, nhưng đầu mùa mưa, khi nước ngọt đổ về nhiều, độ mặn ở ngã ba này còn 1o/oo thì độ mặn trong sông Ba Lai lại cao hơn, từ 2,5 - 3o/oo.

7. Tôi đã tìm hiểu các chỉ số về môi trường, trong đó có mực nước trên sông Ba Lai tại các trạm đo khác nhau, vào một số thời điểm trong năm, trước và sau khi có cống đập Ba Lai. Rất tiếc không có được số liệu. Theo dõi các chỉ số về môi trường và xây dựng một báo cáo về diễn biến môi trường trong sông Ba Lai từ ngày có cống đập tới nay là không thể thiếu.

8. Ghi nhận từ khảo sát thực địa

Do ít thời gian, trọng tâm của chuyến khảo sát là tình hình sử dụng đất ở bờ trái của sông Ba Lai trước cống đập, trên địa bàn huyện Bình Đại, và xem cụ thể tình hình khoan giếng nước ngầm để lấy nước mặn nuôi tôm trong vùng ngọt hóa.

Từ khi cống đập Ba Lai đi vào hoạt động năm 2002, dọc theo sông Ba Lai trước cống đập trên địa bàn huyện Bình Đại, tình hình ngọt hóa là một thực tế. Tuy nhiên vì hệ thống cống đập trong dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre chưa hoàn tất, nên tình hình nước mặn len lỏi vào huyện Bình Đại suốt dọc sông Mỹ Tho ra đến Cửa Đại cũng là một thực tế khác. Tỉnh lộ 883 được xem là một tuyến đê ngăn mặn cũng chưa hoàn chỉnh.

Cây trồng phổ biến ở những nơi đã được ngọt hóa là lúa, dừa và mía. Tuy nhiên, cây dừa, cây mía trên đất ngọt hóa dọc theo đường mà đoàn đã đi qua phát triển chưa thật tốt, năng suất chưa cao, thu nhập bấp bênh.

Điều đã thấy được suốt dọc hành trình là ao được đào ngày càng nhiều, nói là để nuôi thủy sản, và tình hình nuôi tôm đang lan rộng với nước mặn từ sông Mỹ Tho vào (vì chưa ngăn được) và từ các cây giếng nước mặn đóng tại chỗ. Có ao tôm ở sát cạnh sông Ba Lai đoạn trước cống đập.

Theo số liệu của huyện Bình Đại, tới thời điểm cuối tháng 5.2013 trong huyện có 1153 cây nước mặn. Nước mặn từ một cây được dẫn ra nhiều ao tôm bằng các đường ống cứng và mềm.

Theo người dân được hỏi, nước mặn nuôi tôm được thải ra kênh rạch, thậm chí thẳng ra sông Ba Lai ở một số nơi như ở ấp Ao Vuông và ấp Rạch Gừa.

Người dân ý thức được làm như vậy là ngược lại với mục đích ngọt hóa sông Ba Lai, nhưng vẫn làm vì hiện nay trồng lúa, mía và dừa thu nhập không cao.

Về cơ chế vận hành của cống Ba Lai, người phụ trách Công ty thủy nông và Cống Ba Lai cho biết: (a) hàng năm cống được đóng suốt từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 5; (b) trong mùa mưa, hai tuần xả một lần (đáng lý ra ít nhất phải xả một tuần một lần để tránh gây thiệt hại cho việc nuôi sò ở hạ lưu cống); (c) về tình trạng ô nhiễm nước sông Ba Lai, ông cho biết chỉ đo độ mặn, không đo DO, BOD, COD vì không có thiết bị.

Ông cho biết đã phát hiện ra xả nước mặn từ các vuông tôm do ở gần vị trí lấy nước cho các nhà máy nước, độ mặn đo được là 3,9 g/l thay vì là 0 g/l. Ông kiến nghị hạn chế xã nước mặn ra sông Ba Lai; rà soát lại quy hoạch vùng nuôi tôm, xóa vuông tôm ở thượng lưu cống.

Nếu vào mùa mưa, hai tuần mới xả cống thì hiện tượng mực nước sông Ba Lai hiện nay cao hơn trước khi có cống đập là đương nhiên. Vấn đề cần xem xét tiếp là mực nước như vậy ảnh hưởng ra sao đến hệ thống canh tác và năng suất.

9. Nhận xét và đề xuất

1. Tài liệu về đánh giá tác động, chi tiết kịch bản biến đổi khí hậu Bến Tre và đề xuất phương án ứng phó cần sớm được ứng dụng vào thực tế của tỉnh. Ứng phó với biến đổi khí hậu là một công trình cần được các sở, ban, ngành của tỉnh góp sức liên ngành với cả tầm nhìn liên tỉnh để ý kiến tham mưu mang tính tổng hợp.

2. Rừng ngập mặn là một lớp chắn sóng và tiêu năng sinh học, cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu nước biển dâng. Cần được quan tâm tái tạo.

3. Cần tổng kết các mặt được và chưa được trong dự án cống đập Ba Lai ở mức độ hiện nay, trên các mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Từ đó liên hệ tới việc phát huy dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre khi hoàn thành.

4. Khi đó, trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường, còn phải làm gì để vùng ngọt hóa, và Bến Tre nói chung, phát triển bền vững? Biết rằng nước ngọt là thiết yếu cho cuộc sống và ngày sẽ càng khan hiếm, nhưng dự án ngọt hóa không thể là một mục tiêu tự thân. Cần liên hệ tới tiền lệ người dân ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước ở Cà Mau đã phá bỏ các cống ngăn mặn giữ ngọt (để trồng lúa), chuyển sang nuôi tôm vào các năm cuối của thập niên 1980.

Trong bất kỳ giải pháp nào, người dân cần được tham khảo, được giải thích cặn kẻ để nhận thức đúng giữa cái lợi trước mắtlợi ích lâu dài, bởi lẽ họ sẽ là người chủ động thực hiện.

________________

1. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, Chủ nhiệm Chương trình nhà nước 60-B, Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long, Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI.

2. Trong Nguyễn Ngọc Trân “ĐBSCL đối mặt với thách thức kép của BĐKH”. Kỷ yếu Hội nghị thường niên lần thứ 78 của Ủy ban Quốc tế về các Đập Lớn. Hà Nội 25/5/2010.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Về Bến Tre, thăm Ba Lai trao đổi và đề xuất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO