Đọc sách

Vẫy vùng giữa vũng lầy

- Thứ Sáu, 16/04/2021, 07:35 - Chia sẻ

Một vụ việc báo thù ngoạn mục. Một gã chồng lo sợ bị phát giác bí mật chết người nên đã đẩy cô vợ xuống biển trong một đêm vắng đi trên du thuyền. Thật không may cho gã, cô vợ chìm nổi đói khát giữa một vùng biển đầy cá mập nhưng… không chết. Từ đây mới thực sự bắt đầu câu chuyện li kỳ như một vụ án vừa nhiều bí ẩn vừa rất hài hước.  

Người dịch chủ ý sử dụng đậm đặc phương ngữ Nam bộ cho tiểu thuyết này, kiểu pha trộn thổ ngữ, tiếng lóng, chơi chữ, nhiều bụi bặm phố phường và phong vị sông nước. Ngôn ngữ dịch này khiến người đọc nhớ đến cách dịch của một bản Cuốn theo chiều gió ở Sài Gòn trước năm 1975. Tác phẩm lấy bối cảnh cuộc nội chiến Mỹ 1861 - 1865, xoay quanh một trang trại miền Nam theo phái chủ trương duy trì chế độ nô lệ. Người dịch để cho bà vú da đen nói giọng địa phương bằng cách sử dụng phương ngữ Nam bộ. Tưởng không có cách dịch nào phù hợp hơn thế. Chỉ qua ngôn ngữ của bà vú mà người đọc Việt Nam hình dung ra không khí ở miền Nam, miền Nam nước Mỹ. Sử dụng phương ngữ cho nhân vật một cách có ý thức, trong trường hợp này là một sự sáng tạo. Sau này tôi có đọc một vài tác phẩm châu Âu dịch ra tiếng Việt, thỉnh thoảng người dịch lại đá vào vài phương ngữ Nam Bộ kiểu “bự chảng”, “gạo cội”, “bắt mắt”, “lật kèo”, “chìm xuồng”, “te tua”, “chích ngừa”, “lai rai chút đỉnh”… Giật mình, phải cẩn thận giở bản đồ nước đó ra xem, biết đâu người dịch đã chủ ý dùng phương ngữ Nam bộ để cho phù hợp với không khí phương Nam ở đất nước người ta. Nhưng rồi đã thất vọng: cái tỉnh ấy ở đất nước ấy không phải ở miền Nam mà hẳn hoi trên miền Bắc.

Trở lại với bản dịch Vẫy vùng giữa vũng lầy. Câu chuyện xảy ra ở bang Florida nước Mỹ, nắng gió quanh năm, đúng không khí phía Nam. Và người dịch đã chọn giọng Nam để dịch là lựa chọn phù hợp và lôi cuốn được người đọc.

Một vài cách dùng chữ nên được điều chỉnh:

- Cô đã cưới một thằng khốn vô dụng (trang 12) - Thật sai lầm khi cưới một thằng oắt con (trang 69) - Cái con lợn tham lam mà cô trót cưới (trang 295) - Người phụ nữ đầu tiên cưới sai chồng (trang 319): chỉ trừ ở một ít đất nước như Ấn Độ, đòi người con gái phải có hồi môn mới lấy được chồng, còn hầu như ở nhiều nơi, dùng từ “cưới chồng” tức là cô gái phải các vàng mới lấy được chồng đấy.

- Miệng còn hôi sữa (trang 101): viết đúng phải là miệng còn hơi sữa.

- Nó đã kịp bổ sung thêm hai cái cọc (trang 132): thừa chữ “thêm”.

- Mặc áo vest xanh (trang 147): việc dùng chữ “vest” lan tràn đang gây phân vân trong tiếng Việt. Chữ áo vét là Việt hóa từ tiếng Pháp “veston”, Việt hóa lâu rồi, hầu như đã đã thành tiếng Việt. Còn viết là “vest” thì không có nghĩa là chiếc áo của bộ com lê, mà nghĩa tiếng Anh lại là áo gi lê, hoặc áo may ô, hoặc áo cứu sinh trên tàu bè.

- Rõ ràng không phải là tuýp Mạnh Thường Quân (trang 245): chính xác phải dùng từ típ, tức Việt hóa từ chữ type [taip] của tiếng Anh có nghĩa là kiểu/ loại. Còn tuýp là Việt hóa từ chữ tube [tjub] của tiếng Anh, nghĩa là cái ống/ cái khối hình trụ - như trong chữ đèn ống tuýp, quần ống tuýp.

- Corbett cất cao giọng nói to để át tiếng cánh quạt (trang 294): cao giọng ngược với thấp giọng/ hạ giọng. Nói to ngược với nói nhỏ/ nói khẽ. Vậy câu này chỉ cần dùng một trong hai cụm từ “cất cao giọng” hoặc “nói to”.

------

* Vẫy vùng giữa vũng lầy, tiểu thuyết của Carl Hiaasen, Bình Bồng Bột dịch, Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn 2021.

Hồ Anh Thái