Vật phẩm quý dâng lên Quốc Tổ của Nhân dân Hà Tĩnh

Lê Hồng Hạnh - Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh 10/04/2022 05:55

Nấu bánh chưng dâng lên Quốc Tổ Hùng Vương đã được duy trì nhiều năm nay tại chùa Đại Hùng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Năm 2021, lần đầu tiên việc gói bánh chưng đã được Ban Tổ chức lễ hội tổ chức thành Hội thi. Năm 2022, niềm vui như được nhân lên khi Lễ hội giỗ Quốc Tổ Hùng Vương được UBND tỉnh quyết định nâng tầm thành lễ hội cấp tỉnh và hội thi gói bánh chưng dâng Quốc Tổ là hoạt động không thể thiếu vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương tại mảnh đất Ngàn Hống linh thiêng.

Vật phẩm mang tinh hoa đất trời

Bánh chưng là vật phẩm cúng tế đất trời có nguồn gốc từ thời Hùng Vương. Tương truyền ông Tổ của vật phẩm dân gian ý nghĩa này chính là Lang Liêu, hoàng tử thứ 18 của vua Hùng thứ 6 (Hùng Hy Vương). Theo truyền thuyết, vào đầu tháng Chạp hàng năm, để chuẩn bị đón Xuân mới may mắn vui vẻ, vua truyền các hoàng tử đến triều ban làm lễ vật cho vua cha dâng cúng tổ tiên nhà Hùng. Người nào dâng của ngon vật lạ mà lại có ý nghĩa sâu sắc trên đời, khiến Hùng Vương ưng ý sẽ truyền ngôi báu cho nên các hoàng tử đua nhau tìm người giới thiệu của ngon vật lạ khắp nơi. 

Lang Liêu trằn trọc mấy đêm không ngủ được, mơ thấy mẹ hiền về bảo anh: Ở đời con người là quý nhất, thứ đến thực phẩm nuôi sống người như gạo tẻ, gạo nếp mà ta vẫn sử dụng gọi là ngọc thực... Đành rằng gạo tẻ, gạo nếp, đỗ xanh, hành thịt mỡ, nhưng chế biến nó thì không ai giống ai phụ thuộc vào tài gia giảm, cẩn thận, thành tâm. Ngày thường phụ thân con thường nói chuyện với các vị bô lão hai quẻ Kiền, Khôn tức là Trời, Đất. Con làm hai thứ bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, bánh giày hình tròn tượng trưng cho trời. Tỉnh giấc, Lang Liêu quyết làm theo lời mẹ dặn trong giấc mơ.

Bước sang năm mới, vua Hùng truyền các con dâng lễ vật lên. Trên sân rồng chói lọi rực rỡ các lễ vật nào ngà voi, châu báu, các loại quý hiếm trên rừng dưới biển không thiếu thứ gì. Đến lượt mình dâng lễ, quỳ trước bệ rồng, Lang Liêu chúc thọ vua cha rồi mở khăn điều, vua cha và các hoàng tử, công chúa cùng các Lạc hầu, Lạc tướng không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy một chiếc bánh vuông màu lá xanh, một chiếc bánh tròn trắng dày dặn mềm mịn tinh khiết tựa như bầu trời toả hương thơm quen thuộc lúa nếp. Vua hài lòng với lễ vật của Lang Liêu, khen chàng vừa có đức hạnh vừa có trí thức đáng được truyền ngôi. Kể từ đó, bánh chưng bánh giày ra đời, được bao thế hệ con cháu Lạc Hồng cúng tổ tiên mỗi độ Tết đến xuân về; đây cũng là lễ vật được con dân Đất Việt dâng lên các vua Hùng.

Là một trong 1.417 di tích có thờ cúng các Vua Hùng trên cả nước, những ngày này, muôn dân nô nức hướng về khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng (phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh) để cùng biện lễ, thành tâm hướng tới Lễ hội Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương. Chùa Đại Hùng cũng được biết tới là một trong 4 ngôi cổ tự trên núi Hồng Lĩnh, bao gồm: Thiên Tượng - Long Đàm - Đại Hùng - Cực Lạc, mà theo sử sách chép lại thì được xây dựng vào khoảng đời nhà Trần. Nơi đây là địa điểm tâm linh duy nhất thờ Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương, Quốc mẫu Thần Long và các Vua Hùng tại vùng Nghệ An và Hà Tĩnh. Bánh chưng cũng là vật phẩm chính được dâng lên Quốc Tổ Hùng Vương tại Lễ hội giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại thị xã dưới chân núi Hồng.

Bánh chưng dâng Quốc Tổ Hùng Vương của hội viên phụ nữ thị xã Hồng Lĩnh tại Hội thi gói bánh chưng dâng Quốc Tổ năm 2021 Ảnh: Bình Nguyên
Bánh chưng dâng Quốc Tổ Hùng Vương của hội viên phụ nữ thị xã Hồng Lĩnh tại Hội thi gói bánh chưng
dâng Quốc Tổ năm 2021

Ảnh: Bình Nguyên 

Nét đẹp không thể thiếu trong Lễ Giỗ Quốc Tổ

Là một trong 6 hoạt động văn hóa chính trong chương trình của Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm 2022 diễn ra tại Khu di tích Lịch sử - văn hóa Đại Hùng (phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh) từ ngày 7 - 10.4.2022 (tức ngày 7 - 10.3 âm lịch), Hội thi “gói bánh chưng dâng Quốc Tổ” diễn ra vào ngày 8.4 (tức mồng 8.3 âm lịch). Năm nay, Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương được nâng tầm cấp tỉnh. Theo đó, đối tượng tham gia hội thi có 14 đội, bao gồm 13 đội là các hội viên, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ 13 huyện, thị, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh và Đội nữ Công an của Công an 13 huyện, thị, thành phố. Trong đó, 1 đơn vị cử 1 đội gồm 7 hội viên và 1 trưởng đoàn tham gia tranh tài. Mỗi đội sẽ tham gia gói, nấu 100 cái bánh chưng, trong khoảng thời gian từ 8 - 15 giờ cùng ngày. Sau khi hoàn thành công đoạn gói và nấu, các đội thực hiện việc trưng bày và thuyết minh về sản phẩm bánh chưng của đội mình để Ban Giám khảo chấm điểm.

“Bánh chưng là vật phẩm mang đậm truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Không chỉ để tỏ lòng biết ơn Quốc Tổ và Quốc mẫu Hùng Vương, Hội thi cũng là dịp để các cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh và phụ nữ Hồng Lĩnh chúng tôi phát huy truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ về giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, trong đó gói bánh chưng để dâng Quốc tổ là nét văn hóa tốt đẹp cần tiếp tục duy trì và thực hiện” - bà Nguyễn Thị Thắm, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ  thị xã Hồng Lĩnh cho biết.

“Được tham gia gói bánh và vinh dự hơn là những chiếc bánh do bàn tay và lòng biết ơn của mình được lựa chọn dâng lên Quốc Tổ và Quốc Mẫu Hùng Vương là niềm vinh dự, tự hào, hạnh phúc của mỗi hội viên phụ nữ như chúng tôi. Giỗ Quốc tổ năm ngoái, đội Nam Hồng đã đạt giải khá cao trong Hội thi. Năm nay, Hội thi nâng tầm cấp tỉnh và mỗi huyện thị, thành phố là một đội nhưng chị em hội viên phụ nữ từ cơ sở như chúng tôi cũng rất háo hức, chờ đợi đến Hội thi. Tôi hy vọng hoạt động văn hóa ý nghĩa này sẽ được duy trì, trở thành nét đẹp không thể thiếu trong Lễ Giỗ Quốc Tổ hàng năm, để thế hệ sau này kế tục và phát huy”, chị Trần Thị Minh, hội viên phụ nữ phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh bày tỏ mong muốn.

Chùa Đại Hùng là nơi linh thiêng thờ Thủy tổ Hùng Vương và các vua Hùng cùng với ý nghĩa của Lễ hội Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương hàng năm tại chùa Đại Hùng. Theo truyền thuyết, lúc đầu Kinh Dương Vương đóng đô ở núi Ngàn Hống (thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay), sau đó dời đô về núi Nghĩa Lĩnh (Việt Trì, Phú Thọ). Kinh Dương Vương kết duyên với Thần Long sinh ra Sùng Lãm (hiệu là Lạc Long Quân). Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các Vua Hùng. Do vậy, Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng có ý nghĩa đặc biệt riêng, thể hiện tính độc đáo của tín ngưỡng ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc Tổ và đó cũng là lý do tại sao Hồng Lĩnh tổ chức Lễ hội Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương chứ không phải chỉ riêng Giỗ Tổ Hùng Vương. Tên Hội thi là Gói bánh chưng dâng Quốc Tổ cũng là từ ý nghĩa đó.

Chuẩn bị cho lễ hội Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại Khu di tích Lịch sử - văn hóa Đại Hùng, các hoạt động văn hóa được chuẩn bị phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19. Hội thi gói bánh chưng dâng Quốc Tổ đã được tuyên truyền rộng rãi tới các hội viên phụ nữ và các tầng lớp Nhân dân. Mỗi chị em phụ nữ Hà Tĩnh cùng với muôn dân dưới chân Ngàn Hống cũng như du khách thập phương bằng những việc làm cụ thể, đã và đang hướng về Đại Hùng, thành kính dâng lên Quốc tổ, Quốc mẫu Hùng Vương và các Vua Hùng nén tâm nhang tưởng nhớ công ơn. Từ ngôi cổ tự, khí thiêng nghìn năm lịch sử ngưng tụ về đây để cùng Nhân dân nguyện cầu Quốc Tổ và Quốc Mẫu Hùng Vương, các Vua Hùng cho Hồng Lĩnh nói riêng và Hà Tĩnh nói chung ngày càng phồn thịnh phát triển, cho dân tộc Việt Nam mãi trường tồn, quốc thái dân an.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vật phẩm quý dâng lên Quốc Tổ của Nhân dân Hà Tĩnh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO