Vật liệu gỗ trở lại kiến trúc đương đại
Trong dòng chảy của kiến trúc đương đại, một làn sóng ngầm nhưng mạnh mẽ đang đưa vật liệu gỗ trở lại vị thế vốn có…
Theo các chuyên gia, từ bao đời nay, gỗ đã là linh hồn của kiến trúc Việt. Hình ảnh mái đình, những gian nhà rường hay nếp nhà sàn vững chãi giữa núi rừng đã ăn sâu vào tiềm thức cộng đồng và trở thành một phần bản sắc văn hóa dân tộc.

Những công trình ấy được tạo nên bởi “đôi bàn tay” của những người thợ tài hoa, bằng kinh nghiệm và cảm nhận vật liệu tinh tế. Gỗ đã đồng hành trong dòng chảy phát triển của con người, từ các công trình kiến trúc, tới các vật dụng hàng ngày.
Hiện nay, bằng sự sáng tạo của các nghệ nhân, kiến trúc sư, gỗ được phổ biến với các giải pháp sáng tạo độc đáo, phù hợp. Ngày càng nhiều công trình gây ấn tượng khi có kết hợp hài hòa giữa kiến trúc gỗ truyền thống và phong cách thiết kế đương đại, tạo nên những không gian gần gũi với thiên nhiên, mang dấu ấn văn hóa Việt Nam.
.jpg)
Theo KTS Võ Trọng Nghĩa, “tre, nứa là vật liệu của thế kỷ XXI. Bằng kỹ thuật và công nghệ, chúng tôi muốn chứng minh rằng những vật liệu tưởng chừng dân dã nhất lại có thể tạo ra những không gian kiến trúc hiện đại, bền vững và đầy cảm xúc, mang lại một giải pháp cho kiến trúc tương lai”. Công trình Bamboo Wing (Cánh tre) hay Quán cà phê Gió và Nước do KTS Võ Trọng Nghĩa và cộng sự thiết kế chính là minh chứng điều đó.
KTS Hoàng Thúc Hào lại cho thấy sức mạnh của gỗ trong việc góp phần biểu trưng sự gắn kết cộng đồng. Như với công trình Nhà cộng đồng Tả Phìn (Sapa, Lào Cai), KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự đã kết hợp sử dụng gỗ tái chế, gỗ thông gai cùng nhiều vật liệu bản địa. Ông tâm niệm: “Kiến trúc không chỉ là nơi để ở, mà còn phải là nơi nuôi dưỡng văn hóa và hạnh phúc. Chúng tôi sử dụng gỗ, đá của chính vùng đất đó, để người dân cảm thấy công trình này thực sự là của họ, là một phần tâm hồn của họ”.
Với khí hậu nhiệt đới, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên tre dồi dào và tiềm năng phát triển các vùng rừng trồng gỗ công nghiệp như keo, tràm… quy mô lớn. Đây là nền tảng vật liệu bền vững, chìa khóa cho kiến trúc xanh của tương lai.

Mặc dù vậy, hiện nay kiến trúc gỗ Việt Nam vẫn còn những tiềm năng to lớn chưa được khai thác. Đa phần, ứng dụng vật liệu gỗ, tre mới mạnh về sản xuất đồ nội thất, sử dụng trong các công trình, dự án quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung ở khu vực ngoài đô thị…
Do đó, công việc của sáng tạo kiến trúc là khai phá tiềm năng còn bỏ ngỏ, tích hợp vật liệu gỗ với thiết kế hiện đại, tạo nên những công trình kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc, bền vững với thiên nhiên và ghi dấu ấn trên bản đồ kiến trúc thế giới.
“Theo lịch sử tiến hóa của con người, theo dòng phát triển kiến trúc, không thể thiếu việc sử dụng gỗ trong công trình. Và ngày nay, khi việc đưa gỗ vào đời sống, tôi nghĩ có cũng chính là một vòng xoắn của kiến trúc bền vững”, KTS Nguyễn Hà nhận định.